+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Sơ cứu tai nạn giao thông: Giúp thế nào cho đúng cách?

Cập nhật: 08:45 20/11/2017

Sơ cứu là một thao tác cực kì quan trọng và cần thiết khi người bị nạn có dấu hiệu nguy hiểm tới tính mạng, nó là chìa khóa quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, sự hỗ trợ không đúng cách lại có thể dẫn tới những hậu quả nghiệm trọng không đáng có.

Trong khuôn khổ buổi tập huấn "Sơ cứu tai nạn giao thông" được tổ chức định kì do diễn đàn OTOFUN và diễn đàn Bác sỹ nội trú thực hiện, bác sỹ Lương Quốc Chính (Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai) đã trực tiếp hướng dẫn những cách sơ cứu đúng cách nạn nhân bị tai nạn giao thông với mục đích hạn chế tối đa rủi ro và cứu sống được người bị nạn trong các tình huống trên đường.

Sơ cứu đúng cách, kịp thời sẽ giúp quá trình điều trị tiếp theo hiệu quả hơn

Bị xe tông, nhưng chết vì... sơ cứu

Khi xảy ra tai nạn giao thông, sơ cứu tại chỗ rất quan trọng, nếu làm tốt và kịp thời có thể giành lại mạng sống cho nạn nhân từ tay thần chết, nhưng nếu để xảy ra sai sót có thể làm tình trạng vết thương nặng lên, thậm chí gây ra liệt toàn thân hoặc tử vong. Tâm lý chung của nhiều người là sợ máu. Vì vậy khi thấy nạn nhân chảy nhiều máu, họ không dám cầm máu mà cứ để như vậy đưa thẳng vào bệnh viện.

Nhiều người chỉ bị tai nạn ở mức độ trung bình nhưng do đi đường xa, mất nhiều máu nên tử vong trước khi nhập viện. Một sai lầm phổ biến khác là không cố định xương cho nạn nhân bị gãy xương trước khi đưa đi cấp cứu mà cứ để vậy đưa lên xe gắn máy chở tới bệnh viện. Nguy hiểm nhất là với những tai nạn có chấn thương cột sống cổ, cách sơ cứu này có thể làm nạn nhân bị chèn ép tuỷ, dẫn đến suy hô hấp, ngưng thở hoặc nếu sống sót thì bị liệt suốt đời.

Với trường hợp bị chấn thương sọ não, bệnh nhân bị mất tri giác, lẽ ra cần phải tranh thủ khoảng thời gian vàng trong cấp cứu, chuyển tới bệnh viện càng sớm càng tốt nhưng nhiều người lại chọn cách xoa dầu, xoa cao hoặc cạo gió để hy vọng nạn nhân tỉnh dậy, làm chậm quá trình điều trị. Vậy phải cứu thế nào cho đúng cách? Hãy cùng ghi nhớ những bước sơ cứu cơ bản sau để phòng khi hữu sự.

Luôn trang bị túi cứu thương trên xe để có thể giúp bản thân và người khác khi cần

Nguyên tắc sơ cứu

1. Kiểm tra thương tích: Trước khi tiến hành sơ cứu, cần phải đánh giá mức độ thương tích của nạn nhân, ví dụ: có chảy máu từ vùng đầu, cổ, tay, chân, bụng, hoặc lưng không... Trường hợp có nhiều nạn nhân, phải ưu tiên sơ cứu những người bất tỉnh đầu tiên, họ thường bị thương nặng hơn hoặc có khả năng ngừng thở. Với những người có thể nói chuyện hoặc la hét được, có thể hỗ trợ sơ cứu muộn hơn một chút. Đối với người còn tỉnh, hãy hỏi tên của nạn nhân, nếu họ đáp ứng, có nghĩa là họ có thể hiểu được tình huống và có nhiều khả năng không có chấn thương nặng phần đầu.

2. Quan sát các dấu hiệu hô hấp: Tiếp theo, kiểm tra xem nạn nhân có thở không (quan sát nhịp thở, nghe và cảm nhận hơi thở) và có mạch không (mạch quay, mạch cảnh, mạch bẹn).

3. Gọi giúp đỡ: Gọi xe cứu thương ngay lập tức hoặc khẩn trương đưa nạn nhân tới bệnh viện sau khi đã sơ cứu đúng cách. Khi bạn biết rõ hơn về tình trạng của nạn nhân thì bạn sẽ có được nhận định tốt nhất để kể lại với bác sĩ về tình trạng của họ. Vì xe cứu thương sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để tới chỗ người bị nạn nên bạn cần gọi càng sớm càng tốt.

4. Kiểm tra tắc nghẽn/dị vật trong miệng và họng của nạn nhân: Nếu bạn không nghe thấy tiếng thở, kiểm tra ngay miệng của nạn nhân để phát hiện sự tắc nghẽn hoặc dị vật. Nếu có tắc nghẽn hoặc dị vật gây tắc nghẽn đường thở, dùng ngón trỏ và ngón giữa bàn tay của bạn để giải phóng tắc nghẽn, lấy bỏ dị vật làm thông thoáng đường thở.

5. Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) hoặc thổi ngạt (EAR): Nếu không có mạch, tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (CPR) hoặc thổi ngạt (EAR). Giữ cổ nạn nhân thẳng để thổi ngạt hoặc hồi sinh tim phổi. Có 3 cách thổi ngạt: miệng-miệng, miệng-mũi, và miệng-mặt nạ (mask).

Tiến hành ngay hồi sinh tim khi thấy nạn nhân đã ngừng tim, dùng hai tay để ép tim nạn nhân tại vị trí 3cm dưới xương ức. Lưu ý tay chống thẳng trên ngực để tạo lực ép tốt nhất. Thao tác liên tục khoảng 30 nhịp, sau đó dùng tai nghe nhịp thở hoặc nhịp tim của nạn nhân, nếu chưa thấy dấu hiệu hồi tim, tiếp tục lặp lại quá trình ép tim.

6. Đặt nạn nhân nằm đúng cách: Nếu chảy máu từ miệng hoặc nạn nhân nôn, xoay nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Điều này sẽ giúp nạn nhân không bị sặc vào phổi. Đặt cánh tay nạn nhân ở phía dưới thẳng ra ngoài và cánh tay nạn nhân ở trên (ngay gần với bạn) vắt qua ngực nạn nhân.

7. Xử trí các vết thương hở: Nếu có vết thương rộng, cố gắng cầm máu bằng việc sử dụng miếng vải sạch/quần áo sạch ép lên các vùng tổn thương chảy máu. Dùng bàn tay để ép xuống chứ không dùng ngón tay. Việc cầm máu rất quan trong trong quá trình sơ cứu, nó giúp đảm bảo nạn nhân không bị mất máu thêm dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng.

8. Luôn phải nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ: Nếu cổ nạn nhân ở tư thế bất thường (không thường thấy) hoặc nạn nhân hôn mê, thì không được di chuyển nạn nhân. Gọi sự giúp đỡ ngay lập tức. Điều này có nghĩa rằng cổ nạn nhân có thể đã bị “gẫy”, và nếu di chuyển nạn nhân trong tình huống này thì có thể gây hại hơn là có lợi. Tốt nhất là sử dụng bộ cố định cổ chuyên dụng trước khi di chuyển nạn nhân.

Nẹp cổ bằng bộ cố định cổ y tế là phương án tốt nhất đối với nạ nhân nghi ngờ chấn thương vùng cổ

9. Nẹp cố định các chi bị gẫy: Trường hợp nạn nhân bị gãy xương, cần phải nẹp cố định chặt các phần xương bị gãy trước khi tiến hành đưa tới bệnh viện. Đối với xương chân, tay, dùng một thanh nẹp có độ dài tương đương chi gãy để cố định. Nếu không có thanh nẹp gỗ chuyên dụng, bạn có thể sử dụng bất kì thanh cứng nào dài và thẳng tương đương như cành cây, ô đi mưa, bìa cát tông (gấp thành hình tam giác để tạo độ cứng) để cố định chi gãy cho nạn nhân. Dùng băng hoặc vải buộc cố định chí gãy, chú ý không buộc quá chặt có thể gây phù nề chi. Treo tay gẫy trước ngực bằng một chiếc khăn để tránh cử động. Nếu gãy chân, ngoài việc dùng nẹp, tốt nhất nên buộc chân gãy cố dịnh vào chân còn lại rồi mới di chuyển tới bệnh viện.

Ô đi mưa cũng là một dụng cụ tốt khi cần dùng để nẹp chi gãy

10. Giữ ấm cho nạn nhân: Thông thường nạn nhân trong tại nạn giao thông sẽ cảm thấy rất lạnh do sốc, mất máu... Vì vậy giữ ấm cho nạn nhân là điều rất cần thiết đối với sự sống còn. Có thể sử dụng bất cứ thứ gì mà bạn có để làm việc này như áo thun, áo khoác...

11. Tránh cho nạn nhân ăn: Trong trường hợp nạn nhân vẫn còn sốc và không thực sự tỉnh táo, không đưa bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân như nước uống, thức ăn hoặc các loại nước hoa quả khác vì nó có thể khiến nạn nhân bị sặc phổi.

Vận chuyển nạn nhân sai cách có thể gây nên hậu quả trầm trọng

Những điều cần nhớ khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện

- Nạn nhân cần được vận chuyển trên cáng hoặc tấm bảng cứng. Điều này rất quan trọng vì làm giảm đáng kể các cử động mà nạn nhân phải chịu đựng để từ đó tránh được việc các tổn thương của nạn nhân trở lên xấu đi hơn.

- Giữ cổ và lưng của nạn nhân thẳng bằng cách đặt một cuộn khăn hoặc vải dày dưới cổ nạn nhân nếu như không có sự thay thế tốt hơn.

- Để nạn nhân nằm trên một mặt phẳng.

- Nếu chỉ có tổn thương chân tay, nạn nhân có thể được vận chuyển ở tư thế ngồi.

- Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Điều này giúp kiểm soát và cuối cùng là cầm được máu.

- Hãy luôn chắc chắn rằng nạn nhân còn mạch và còn thở trên đường tới bệnh viện. Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi hoặc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay trên xe vận chuyển.

Theo OtoFun News

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng