Volvo tạo khác biệt trong giới xe sang bằng cách phát triển những tính năng an toàn, phân tích hơn 50.000 chiếc xe tai nạn và 80.000 hành khách liên quan.
Từ những năm 1970, Volvo thành lập trung tâm nghiên cứu về an toàn tại Thụy Điển để thu thập các dữ liệu về những vụ tai nạn, mức độ chấn thương của hành khách. Qua hàng thập kỷ, hãng xe này cho biết đã phân tích hơn 50.000 chiếc xe gặp nạn, hơn 80.000 người liên quan để hướng đến mục đích: tạo ra những chiếc xe an toàn hơn.
"Nhiều năm qua, những chiếc xe của Volvo ngày càng sang trọng và nhiều tiện nghi hơn, nhưng có những điều bất biến không thay đổi là giới hạn tốc độ, ghế sau chỉnh cơ và không có cửa hít", đại diện hãng tại Việt Nam nói.
XC90, mẫu SUV cao cấp nhất của Volvo trên đường phố. Ảnh: Volvo
Công nghệ an toàn theo cách riêng của Volvo
"Mục tiêu không có ai chết hay chấn thương nghiêm trọng trong xe Volvo, chúng tôi không biết có đến được vạch đích đó không, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng", Thomas Broberg, chuyên gia cấp cao thuộc trung tâm nghiên cứu an toàn của Volvo ở Gothenburg, Thụy Điển nói với giới truyền thông.
Hãng cho biết họ không muốn đề cao số lượng công nghệ an toàn có trên xe, thay vào đó là những hiệu quả mà chúng tạo ra khi xe gặp nạn. "An toàn không phải là một dạng tùy chọn (option) nâng cấp độ sang trọng của xe, đó phải là tiêu chuẩn không thể thiếu để tạo ra những chiếc xe cao cấp, do đó tất cả phiên bản của các dòng Volvo tại Việt Nam được trang bị các công nghệ an toàn như nhau", đại diện hãng ở Việt Nam cho biết.
Để phục vụ triết lý an toàn, Volvo vẫn giữ nhiều chi tiết không chỉnh điện để duy trì sự tập trung của tài xế, hạn chế rủi ro khi xảy ra tai nạn. Hãng này quan niệm vô-lăng chỉnh điện dễ dàng có thể khiến người lái chủ quan, xao nhãng khi muốn chỉnh trong lúc lái xe. Thay vào đó, trước mỗi hành trình, tài xế cần thiết lập chiều cao vô-lăng thích hợp với tạng người của mình.
Hàng ghế sau vẫn chỉnh cơ truyền thống, bởi nghiên cứu của hãng này chỉ ra rằng, người ngồi sau tiếp nhận va chạm một cách thụ động và đối diện nguy cơ mắc kẹt cao. Thiết kế ghế chỉnh cơ có thể giúp họ thoát ra ngoài dễ dàng hơn, hoặc đội cứu hộ dễ dàng thay đổi vị trí ghế để cứu người, không phụ thuộc vào hệ thống điện trên xe có đang hoạt động hay không.
Với tốc độ, Volvo đặt giới hạn tối đa 180 km/h cho tất cả các mẫu xe từ đời 2021 trở đi, dù là sedan S60 mạnh 249 mã lực, hay XC90 mạnh 462 mã lực – tốc độ tối đa là như nhau. Ngoài ra, chìa khóa thông minh Care Key còn cho phép chủ xe thiết lập tốc độ tối đa cho người thân hoặc bạn bè mượn xe.
Volvo thừa nhận những quyết định của hãng có thể gây ra tranh cãi. Thậm chí nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về quyền của các hãng sản xuất ôtô trong việc áp đặt những hạn chế như vậy. Nhưng Volvo nói rằng họ chấp nhận những điều đó để cứu mạng người, ngay cả khi có thể khiến hãng mất đi những khách hàng tiềm năng.
Sự cầu toàn của Volvo còn ở những chi tiết nhỏ, thậm chí ít được quan tâm. Hãng này cho rằng luôn có một ranh giới rất nhỏ giữa sự hữu ích của các tính năng an toàn chủ động và việc làm phiền đến mức khó chịu cho người ngồi trong xe. "Với một tính năng nào đó, chúng tôi phải bảo đảm 8 trên 10 người thấy hữu ích thì thì tính năng đó mới được coi là có hữu ích", Thomas Broberg nói thêm.
Tính năng an toàn City Safety trên Volvo giúp nhận diện các phương tiện tham gia giao thông, người đi bộ... đang di chuyển trên đường. Ảnh: Volvo
An toàn trong tâm trí
Trong vụ tai nạn trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hôm mùng 7 Tết Nguyên đán, hay gần đây nhất là sự việc tương tự trên cầu Phú Mỹ, TP HCM vào 8/8, những chiếc Volvo bị dập nát, kéo lê đoạn đường dài nhưng hành khách trong xe vẫn còn sống. Hai trường hợp này giống những câu chuyện được kể trên website toàn cầu của Volvo, nơi hãng này dành riêng một mục để khách hàng tri ân những chiếc xe bảo vệ mình.
Volvo cho rằng, sự an toàn của hành khách trên xe và những người xung quanh là vô giá. Tất cả công nghệ an toàn trên xe được tích hợp để tạo ra ra một vòng bảo vệ nhiều lớp cho con người. Người dùng của Volvo tại Việt Nam không cần quan tâm trên xe có những công nghệ nào, bởi tất cả các phiên bản đều trang bị lượng an toàn giống nhau.
Công nghệ an toàn của Volvo có hai lớp chính, thụ động và chủ động. Lớp thụ động là những trang bị thuộc về kết cấu khung gầm liền khối, hệ thống dây đai an toàn, túi khí... Lớp chủ động là các tính năng hỗ trợ lái (ADAS).
Năm 1991, Volvo tạo ra hệ thống bảo vệ cho hành khách khi bị tác động lực từ bên hông, gọi là SIPS. Đến 2014, cấu trúc hoàn toàn mới SPA được hoàn thiện và ứng dụng cho tất cả các mẫu xe Volvo hiện nay. SPA tạo nên bộ khung cứng vững nhờ thép cường lực cao và thép siêu cường. Volvo thêm vào thép một vật liệu gọi là boron. Đây là loại á kim có sức chịu kéo giãn cao nhất trong các loại vật chất. 7% thép cường lực thuộc kết cấu SPA có thêm boron, giúp độ cứng tăng gấp 4 lần so với các loại thép gia cường thông thường. Nó có thể chịu được áp lực lên tới 1400 N/mm2 (tương đương áp suất khoảng 203.000 psi).
Nền tảng SPA được ví như một cái lồng ôm lấy hành khách bên trong. Cấu trúc này như một tấm khiên ngăn những tác động lực từ bên ngoài. Nhờ bổ trợ của hệ thống túi khí, dây đai an toàn, nguy cơ chấn thương cho hành khách được giảm thiểu.
Với các công nghệ an toàn chủ động (ADAS), loạt tính năng hiện đại như cảnh báo va chạm, phanh chủ động tiền va chạm, hệ thống duy trì làn đường, camera toàn cảnh... đều là những thứ có sẵn trên xe Volvo. Tầm nhìn của hãng Thụy Điển không chỉ là tương lai điện hóa ở động cơ, mà còn trở thành thương hiệu sở hữu công nghệ lái an toàn, tiên tiến.
Nhưng dù sở hữu hàng tá trang bị, tính năng an toàn chủ động lẫn bị động, Volvo cho rằng con người là yếu tố quan trọng. Ý thức và trách nhiệm của tài xế sau vô-lăng là thứ quyết định hành trình liệu có trọn vẹn hay không. Volvo đứng đằng sau, tập trung toàn bộ công nghệ an toàn để tài xế có được sự bình an trong tâm trí.
Theo vnexpress