Nghề lái taxi ở Nhật Bản cũng lắm điều hay mà người Việt có thể học hỏi từ họ.
"Bảy giờ sáng mai dưới sảnh khách sạn, taxi sẽ đón các anh để đi Yokohama", trưởng đoàn nói với chúng tôi sau bữa tối.
Buổi sáng như đã hẹn, chiếc taxi Toyota JPN màu đen như đã đậu trước cửa từ bao giờ để chờ khách, không chậm trễ một giây phút nào. Luôn đúng giờ, văn hóa nổi tiếng của người Nhật mà trước đây chỉ nghe qua báo chí, bạn bè là khách du lịch, đến hôm nay chúng tôi mới được kiểm chứng.
Một chiếc taxi trên đường phố Nhật Bản.
Takeshi Mori, một tài xế trung niên mặc vest lịch sự cúi đầu chào khách. Khi hai người chúng tôi đã thắt dây an toàn, tài xế mới bắt đầu cho xe lăn bánh. Chậm rãi, từ tốn.
Sau lời chào hỏi ban đầu, điều lạ là người lái không nói một lời nào. Hỏi ra mới biết, việc nói chuyện khi lái xe đối với tài xế taxi Nhật là điều hiếm. An toàn quan trọng hàng đầu, họ luôn ý thức rất cao cho bản thân và hành khách.
Anh Chính, phiên dịch viên đi cùng chúng tôi từng sống nhiều năm tại Nhật nói rằng, tài xế taxi ở Nhật hầu như đều mang găng tay trắng. Anh không rõ vì sao, nhưng có lẽ họ muốn tạo cảm giác lịch sự, sạch sẽ cho hành khách đi xe. Điều đó cũng giống như bạn sẽ hầu như không thấy rác, lá cây bừa bãi trên đường phố.
Anh Chính còn kể, nếu taxi hẹn trước, họ sẽ đứng chờ ở sảnh và mở sẵn cửa. Nhưng nếu bạn bắt taxi trên đường, sẽ không có ai mở cửa cho bạn, vì đó là cửa tự động. Xe dừng, tài xế ấn nút hoặc gạt cần ở phía trên để mở cửa phía sau, bạn chỉ việc lên xe và bỏ đồ vào cốp. Cách làm này giúp bạn dễ dàng ra vào nếu đang xách theo nhiều hành lý và cũng an toàn hơn.
Đường phố Nhật từ góc nhìn trên taxi thật sạch sẽ và toàn ôtô nội địa, đặc biệt xe cỡ nhỏ Keicar. Thỉnh thoảng mới thấy xe sang Mercedes, BMW. Xe Mỹ hiếm hơn, còn xe Hàn thì hầu như không có.
Những chiếc xe "ngoại quốc" chiếm số lượng không đáng kể trên đường phố Nhật.
Nếu bạn bước lên xe và bắt gặp một tài xế hơn 50 tuổi thì cũng đừng lấy đó làm lạ. Tài xế taxi ở đất nước này đa phần là người già. Có người nói rằng người Nhật yêu lao động. Chỉ có làm việc mới khiến họ thấy thoải mái và cũng là cách để rèn luyện sức khỏe. Sự kỹ tính và kiểu lái xe điềm đạm của họ cũng khiến hành khách an tâm khi bước lên xe.
Giá taxi ở Nhật thuộc vào hàng đắt đỏ ở châu Á. Tiền mở cửa là hơn 5 USD, tức gấp khoảng 10 lần ở Việt Nam. Chặng đường từ khách sạn ở Shinjuku đi Yokohama không lần nào thấy tài xế bấm còi. Kể cả khi đèn báo chuyển xanh nhưng vẫn còn người đi bộ phía trước.
Người lái taxi cũng không có chuyện tạt đầu những lúc kẹt xe. Tài xế bật xi-nhan xin đường, nếu được chấp thuận mới đánh lái nhập làn và không quên đá đèn hai lần thay cho lời cảm ơn.
Tới điểm đến, tài xế Takeshi nhanh chóng bước xuống xe và mang hành lý từ cốp phía sau lại cho khách. Tiền thối là 20 Yên Nhật, tức khoảng 4 nghìn đồng tiền Việt. Chúng tôi muốn "boa" cho người tài xế nhưng anh nhất quyết không nhận. Lại thêm một cái cúi đầu chào khách kèm lời cảm ơn từ tài xế, dù chúng tôi trông còn trẻ hơn anh ấy nhiều.
Đi taxi ở Nhật rồi nghĩ về Việt Nam khiến tôi cảm thấy chạnh lòng. Có những điều đã trở thành văn hóa giao thông, chứ không riêng gì nghề taxi. Người Việt chúng ta vốn cầu tiến và ham học hỏi. Tôi nghĩ rằng nếu biết tiếp thu những điều hay từ người khác, văn hóa giao thông ở Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể.
Độc giả Thành Nhân (VnExpress)