+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Các cách cứu ôtô mùa lũ

Cập nhật: 19:31 10/09/2024
Sử dụng dốc nâng gầm, bao cát ngăn lụt, tháo ắc-quy là các cách hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra, nếu không có chỗ đỗ an toàn.
 
Trong điều kiện ngập lụt, các bảo quản xe tốt nhất vẫn là đưa xe đến các vị trí cao, trong những khu vực kín gió hoặc có mái che kiên cố, những vị trí nước không thể dâng tới. Nếu không thể kịp thời đưa xe đến nơi an toàn, chủ xe vẫn còn nhiều phương án có thể tự thực hiện để giảm thiệt hại đến xe do ngập lụt.
 
Kê cao bánh
 
Chủ xe kê xe lên cao để ngăn hư hại trong trận lụt trong cơn bão Harvey năm 2017 tại Mỹ. Ảnh: Cody W. Crochet
 
Đây là cách đơn giản nhất mà nhiều người nghĩ tới đầu tiên, vì có thể tận dụng những đồ vật có sẵn tại nhà như gạch, gỗ, nhựa để nâng cao bánh. Tuy vậy, cách làm này có nhược điểm là chân đế không vững chắc, nước lũ chảy siết có thể ủi đổ.
 
Dốc nâng gầm bằng nhựa
 
Dốc nâng gầm bằng nhựa (còn gọi là bục thay nhớt) là cách nâng cao bánh chắc chắn hơn so với dùng gạch, gỗ. Phụ kiện này thường được sử dụng như một giải pháp gọn nhẹ để nâng bánh trước của xe, nhằm thực hiện việc xả ốc dầu (nhớt) dưới gầm xe.
 
 
Dốc nâng gầm bằng nhựa. Ảnh: ifixit
 
Dốc nâng gầm có cấu tạo gọn gàng, chỉ khoảng vài kg nhưng có mức chịu tải 1-1,5 tấn, khi sử dụng không tốn thêm diện tích, phù hợp cho những nơi chật hẹp. Chủ xe chỉ cần kê hai dốc vào hai bánh trước, và nhích xe lên một đoạn. Nếu cẩn thận có thể kê cả 4 bánh. Trên thị trường Việt Nam, dốc nâng gầm nhựa có giá từ 600.000-1.000.000 đồng cho một chiếc.
 
Khi dùng dốc nâng gầm, mũi xe sẽ cao hơn khoảng 20-30 cm, giúp hạn chế nước lụt thâm nhập vào máy qua họng gió, áp dụng cho các mẫu xe có máy đặt ở phía trước. Lưu ý không lót thêm thảm hoặc giẻ khi dùng dốc nâng, vì làm mất khả năng chống trượt bằng đệm cao su.
 
Ngoài ra nên tham khảo về mức chịu tải của sản phẩm, ít nhất là 1 tấn/bánh, tức phải chịu được ít nhất một nửa trọng lượng xe, nhằm đảm bảo an toàn. Nên để dốc nâng gầm ở những mặt phẳng vững chãi, không bị xói lở. Nếu trong vùng lụt, đặt dốc nâng gầm và xe cùng hướng với dòng nước lũ.
 
Bao cát ngăn lụt
 
Một cách khác để giảm khả năng xe bị trôi do lũ quét là sử dụng bao cát, chèn xung quanh bánh, thân xe tạo hành hàng rào bảo vệ. Ngoài ra chủ xe nên chèn bao cát quanh cửa để hạn chế dòng nước lụt chảy vào nhà hoặc vị trí đỗ xe.
 
Trên thị trường đã có nhiều loại bao cát tự nở, vốn chỉ có trọng lượng 200-300 g khi khô, nhưng sẽ trở thành bao cát nặng 20-30 kg khi tiếp xúc với nước, được sử dụng chủ yếu cho công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa thiên tai.
 
Các cách khác
 
Ngoài ra, cách hạn chế nước lũ thâm nhập vào xe là sử dụng các tấm vải bạt dạng trùm kín, chống nước. Cách làm này không đảm bảo việc chống nước hoàn toàn, nếu nước lũ dâng quá cao xe vẫn có thể bị ngập, nhưng đây là cách gọn nhẹ, thuận tiện nhất, nếu chủ xe không thể bảo vệ xe bằng những cách khác. Giá của các loại vải bạt này khoảng 3-5 triệu đồng, tùy vào thương hiệu.
 
Trước khi bảo quản xe, chủ xe có thể tháo ắc-quy ra để hạn chế hư hại đến hệ thống điện. Có thể sử dụng thêm bọc nilon phía trong đựng quần áo, buộc chặt và nhét vào họng ống xả/khe hút gió động cơ, nhằm ngăn nước vào buồng đốt nếu ngập cao. Lưu ý không nhét các vật này quá sâu, vì có thể sẽ bị lọt vào trong, không lấy ra được, tốt nhất là làm thêm dây buộc kéo dài.
 
Cuối cùng, nên mua thêm gói bảo hiểm thân vỏ, có bồi thường khi thiên tai nếu thường xuyên sử dụng xe trong các khu vực dễ ngập lụt. Cần chụp ảnh xe trước khi ngập lụt xảy ra để công ty bảo hiểm có thể đánh giá khách quan và chính xác các hư hại, nhằm tiến hành bồi thường nhanh chóng hơn.
 
Theo vnexpress
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng