+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Khác biệt của bán tải với xe SUV và sedan khi đi đường đồi núi

Cập nhật: 15:18 06/12/2017

Có thể chở gần một tấn hàng trên thùng sau, xe bán tải còn có những đặc điểm vận hành rất khác so với các dòng SUV, crossover hay sedan.

Hầu hết các phiên bản đầy đủ của các dòng bán tải ngày nay đều trang bị không thua kém các dòng xe con hạng trung hoặc cao cấp. Tuy nhiên, nhược điểm của xe bán tải là giảm xóc sau cứng, thân xe dài và cồng kềnh. Như một chiếc Ford Ranger Wiltrak có tổng chiều dài 5.362 mm, có thể chở tới 946 kg hàng hóa.

Nhưng cũng chính vì thiết kế để tải nặng, xe bán tải lại bộc lộ những nhược điểm khi không chở hàng, hoặc trọng lượng hàng không đáng kể.

Khi không chở hàng, đuôi xe nhẹ hơn nhiều so với phần đầu. Cùng với giảm xóc cứng, trong khi lốp căng mà không có hàng hóa đè xuống, độ bám của lốp sau kém và có hiện tượng xóc nảy.

Có người chia sẻ từng có trải nghiệm đuôi bán tải bị văng khi ôm cua ở tốc độ cao khi thùng sau không có hàng. Để hạn chế rủi ro, nên giảm áp suất lốp phía sau xuống còn khoảng 2 kg/cm2 nếu không có hàng hóa. Khi đó, diện tích tiếp xúc của lốp với mặt đường tăng lên.

Một trong những đặc tính khác của xe bán tải là chiều dài thân xe lớn, số vòng quay vô-lăng từ khóa trái sang khóa phải cũng lớn, thường trên 3 vòng - những yếu tố làm giảm độ linh hoạt khi ôm cua tại những khúc cua hẹp.

Ngoài việc luôn tuân thủ làn đường, người lái xe bán tải khi đi đường đèo dốc cần bám làn sát phải khi cua trái, đồng thời tránh giật vô-lăng, vừa hạn chế văng xe, vừa kịp xử lý nếu có xe ngược chiều bất ngờ xuất hiện. Còn khi cua phải, chỉ mở cua trong điều kiện an toàn cho phép và tầm nhìn tốt.

Trên đường trơn trượt, một trong những kinh nghiệm căn bản nhưng quan trọng của người lái là cần duy trì đà ở tốc độ phù hợp. Nếu mất đà, cần nhanh chóng lùi và lấy đà lại, nếu không sẽ làm cho bánh xe lún sâu hơn.

Hãy đi theo vệt bánh của xe trước nếu vệt bánh không quá sâu đến mức bị đội gầm. Khi di chuyển theo vệt bánh xe cũ, ghì nhẹ tay lái về một bên sẽ giúp thành lốp cào vào một cạnh của rãnh, tăng độ ma sát. Trường hợp phải tránh sống trâu, chọn bên ta-luy dương sẽ an toàn hơn.

Đá hộc cũng là những trở ngại cần lưu ý ở địa hình đồi núi. Nên cho xe di chuyển chậm để vừa có thể lắng nghe từng va chạm nhỏ bên dưới gầm, vừa tránh làm rách lốp. Nên lưu ý rằng hệ thống vi sai cầu sau (là vị trí thấp nhất) ở giữa trục sau, nên tuyệt đối không lùa các mỏm đá nhọn vào giữa gầm xe.

Cuối cùng, nhưng là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với nhiều người sử dụng xe bán tải ngày nay là hãy học cách sử dụng chiếc xe cho đúng. Thực tế, nhiều người không biết cách sử dụng hệ thống dẫn động, có thể do không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Như hệ thống gài cầu trên Ranger rất thông minh, nhưng nếu dùng sai có thể bị treo mô-tơ điều khiển gài cầu.

Ngoài ra, khóa vi sai sẽ phát huy công năng trên địa hình trơn trượt, nhưng phải tắt đi khi di chuyển trên mặt đường có độ bám tốt. Nhiều người nghĩ rằng cứ đi đường đồi núi đèo dốc là dùng 4H với khóa vi sai là không đúng.

Cũng liên quan đến việc dùng xe, một trong những điều tối thiểu mà mỗi người lái xe bán tải nói riêng, ôtô nói chung, cần biết là cách tháo và lắp lốp dự phòng. Khi đi dã ngoại trên địa hình khó khăn, rủi ro về lốp sẽ lớn hơn nhiều so với việc di chuyển trên đồng bằng.

Lốp dự phòng của xe bán tải treo dưới gầm. Khá nhiều trường hợp người sử dụng bán tải gọi trợ giúp khi cần thay lốp dọc đường. Tốt nhất là hãy tập tháo lắp lốp ngay khi sở hữu xe.

Theo VnExpress

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng