Nhiều người quan niệm đem xe check hãng là cách tốt nhất để nắm rõ được tình trạng, các lỗi, hỏng hóc, lịch sử sửa chữa. Do không có kinh nghiệm nên có nhiều vụ người mua rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang".
Đa số người mua ô tô đều không đủ kiến thức, kinh nghiệm để nhận diện những chiếc xe đã từng bị tai nạn, đâm đụng, thủy kích hay từng trải qua đợt "đại trùng tu" do hư hỏng nặng. Trong khi thị trường xe cũ "vàng thau lẫn lộn". Người dùng không thiếu cách để phù phép chiếc xe trông đẹp hơn, mới hơn so với tình trạng thực với mục đích dễ chốt giá.
Kinh nghiệm check xe chính hãng tránh "tiền mất, tật mang" khi mua ô tô cũ.
Cũng không ít người cố tình che giấu "lịch sử" của chiếc xe để việc bán xe, đổi xe thuận lợi. Trong khi người mua ô tô cũ hiện nay nghĩ rằng, cứ đem xe vào hãng nhờ check dịch vụ là có thể nắm rõ hết "quá khứ" của chiếc xe. Quan niệm này không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng và trong một vài trường hợp hi hữu, người mua vẫn nhận về cái kết đắng dù đã cẩn thận check hãng. Vậy mấu chốt vấn đề ở đây là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu để có thêm kinh nghiệm mua bán ô tô bổ ích, hạn chế tối đa rủi ro không mong muốn.
1. Không phải hãng xe nào cũng có dịch vụ check xe cũ
Hầu hết các showroom xe cũ và người đang có nhu cầu bán xe ô tô cá nhân đều sẵn sàng cho khách mang xe vào hãng để check xe. Việc này vừa tăng độ tin cậy, vừa đảm bảo uy tín đối với người mua, tạo chất xúc tác để đôi bên tin tưởng, dễ đi đến đích cuối cùng là hoàn thành giao dịch mua bán nhanh gọn.
Trong quá trình sử dụng, mọi hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tại hãng xe được lưu lại trên hệ thống. Do đó, việc check hãng bạn có thể biết được số ODO thực tế, chế độ chăm sóc bảo dưỡng và những đợt trùng tu, sửa chữa lớn liên quan đến chiếc xe.
Xem thêm: Nghịch lý xe mới chào bán 900, xe cũ cũng hơn 900 triệu: Nên mua mới hay cũ?
Thế nhưng tại Việt Nam rất ít hãng xe có dịch vụ check xe cũ. Một số hãng kết hợp thu mua xe cũ chính hãng có thể có dịch vụ này, trong khi những hãng xe phổ thông như Mazda, Mitsubishi,... thì không.
Tuy nhiên, đại lý chính hãng vẫn tiếp đón khách hàng mang xe cũ đến kiểm tra nhưng việc kiểm tra ở đây là kiểm tra theo yêu cầu, có mô tả chi tiết tình trạng hiện tại, đôi khi đại lý có thể trích xuất cho bạn lịch sử sửa chữa, bảo dưỡng tại hãng nhưng không đưa ra biên bản check xe kèm kết luận xe bị thủy kích, đâm đụng,... mà chỉ ghi phiếu kiểm tra xe theo yêu cầu của khách. Như vậy, bản chất việc check xe ở đây giống như test chất lượng xe sau khi sử dụng.
2. Check hãng không kiểm tra hết được chất xe, tuổi thọ,...
Hãng chỉ lưu lại lịch sử sửa chữa của người dùng khi thực hiện dịch vụ chính hãng. Nhưng thực tế thì nhiều chủ xe chuộng việc thay thế linh phụ kiện, sửa chữa tại các gara ngoài do giá thành rẻ, hợp túi tiền. Nên check hãng sẽ không kiểm tra hết được chất lượng, tuổi thọ và không tìm hiểu được hết những gì đã từng diễn ra với chiếc xe nếu sau vụ tai nạn, thủy kích, chiếc xe đó không được đưa vào hãng để khắc phục lỗi hư hỏng.
3. Không phải cố vấn dịch vụ nào cũng có nghiệp vụ check tai nạn, đâm đụng
Như đã nói, nhiều hãng xe chỉ có dịch vụ kiểm tra máy, hệ thống điện. Không check đâm đụng, thủy kích,... Nếu check được theo yêu cầu cũng cần phải có mối quan hệ, nhờ vả. Việc check đâm đụng, tai nạn liên quan đến kinh nghiệm của người check. Nếu là người thường xuyên trải nghiệm, có nhiều kinh nghiệm xử lý xe tai nạn, thủy kích mới dễ dàng tìm ra dấu hiệu nhận biết. Trong khi các kỹ thuật viên của hãng chủ yếu mạnh về chuyên môn sửa chữa, dễ đưa ra một kết quả mang tính chủ quan.
Do đó, người mua xe cũ phải đề cao sự cẩn thận và thật kỹ tính, không nên tin tưởng tuyệt đối vào một đơn vị nào. Xác định mua xe và muốn kiểm tra tình trạng chiếc xe, người mua nên chi tiền check ở nhiều gara khác nhau. Dân rành xe, chỉ cần nhìn qua cũng có thể nhận diện được xe "Bùa".
4. Không nên tin tưởng, phó mặc người bán thực hiện check xe
Đôi khi, người bán có ý đồ gian dối sẽ móc nối với đơn vị làm dịch vụ để đưa ra một kết quả sai lệch thực tế khiến bạn sập bẫy. Do đó, bạn nên chủ động trong việc tìm đơn vị thứ 3 hỗ trợ check xe, không nên phụ thuộc, tin tưởng vào người bán. Đồng thời, khi check phải nêu rõ yêu cầu "check lịch sử sửa chữa, bảo dưỡng", không phải check tình trạng xe tại thời điểm giao dịch.
Theo autopro