+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Làm gì để phòng tránh nguy cơ tử vong do ngạt thở và sốc nhiệt trên ô tô?

Cập nhật: 08:21 08/08/2019

Sự việc một học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt của trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội) suốt cả ngày hôm qua 6/8 đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Để trẻ em ngồi trên xe ô tô bao lâu thì an toàn? Cần lưu ý những gì để đề phòng tử vong do ngạt thở trên ôtô? Và các hãng xe đã có những công nghệ gì để phòng tránh nguy cơ này? 

Nếu bị bỏ lại một mình trên ô tô, một đứa trẻ có thể tử vong chỉ trong vòng 10 phút vì nhiệt độ trong xe có thể tăng thêm 7-10 độ (tuỳ nhiệt độ ngoài trời), và đứa trẻ còn quá nhỏ để biết cách cầu cứu, ra tín hiệu cần sự trợ giúp.
 
Khi thân nhiệt vượt ngưỡng 41,5oC, trẻ có thể tử vong.
 
Sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp trẻ tử vong trên ô tô không liên quan tới va chạm, theo thống kê của Cơ quan An toàn đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA).
 
Do không gian bị đóng kín, lượng ôxy bên trong xe giảm dần, trong khi nhiệt độ tăng lên, nên người ngủ trên xe (cả người lớn và trẻ nhỏ) sẽ bị ngạt khí, thân nhiệt tăng cao, lịm dần rồi tử vong. Với người lớn, nếu bị bỏ quên trên xe, có thể tìm được cách ra tín hiệu cấp cứu, thu hút sự chú ý của người bên ngoài... để được trợ giúp, nhưng trẻ em còn quá nhỏ thường không có các kỹ năng này. 
 
Khi bị bỏ quên trên xe ô tô, ban đầu trẻ sẽ toát mồ hồi, sau đó, khi có thể "cạn" nước, huyết áp sẽ hạ, rồi tim ngừng đập.
 
An toàn cho trẻ nhỏ trên ô tô
 
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng phụ huynh cần tìm hiểu các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe ô tô. Việc lắp đặt ghế ngồi trên xe và móc chốt đai an toàn cho bé đúng kỹ thuật rất quan trọng, nhưng cũng cần lưu ý không để trẻ ngồi trên ghế ô tô quá lâu.
 
Theo bà Jessica Zablan - chuyên gia trẻ em của công ty Birth & Baby (Mỹ), an toàn nhất là cố gắng đưa trẻ ra khỏi ghế ô tô sau mỗi giờ chạy xe. Bà Zablan cũng gợi ý rằng nên có các nhân viên kỹ thuật kiểm tra ghế ngồi của xe ô tô kỹ càng trước mỗi chuyến đi dài. Trong khi đó, Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo nên tạm dừng sau mỗi 2 giờ chạy xe.
 
Điều quan trọng nhất cần lưu ý là ghế ngồi trên xe ô tô không phải chỗ để ngủ và bạn không bao giờ được để trẻ nhỏ lại trên xe một mình mà không có sự giám sát của người lớn.
 
Theo NHTSA, thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40oC và nếu đạt mức gần 42oC có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, giải pháp cho tình huống này chỉ là lời khuyên dành cho tất cả các ông bố, bà mẹ, người lái xe ôtô là cần phải quan tâm, chú ý tới trẻ nhỏ, không để lại mình trẻ trên xe.
 
 
 
Các biện pháp phòng tránh 
 
Theo tổ chức An toàn Trẻ em và Ô tô Mỹ, trung bình mỗi năm tại nước này có 37 trẻ tử vong do bị kẹt trong ô tô giữa thời tiết nóng bức, gồm có trường hợp người lớn bỏ quên trẻ trong xe, hoặc trẻ vô tình tự khóa mình trong xe khi chơi đùa; hoặc trong một số ít trường hợp trẻ em bị người lớn cố ý để lại trong xe.
 
Ngay cả những người cẩn thận và có trách nhiệm cũng vẫn có nguy cơ để quên trẻ trên xe, do vội hoặc quá tập trung vào một việc gì khác.
 
Để đề phòng nguy cơ này, mỗi người hãy tập cho mình một số thói quen sau:
 
- Kiểm tra toàn bộ bên trong xe trước khi khoá cửa.
 
- Để một thú nhồi bông hoặc món đồ chơi của trẻ ở ghế ngồi của trẻ và chuyển nó lên ghế trước, trong tầm mắt để nhắc bạn nhớ tới sự hiện diện của trẻ nhỏ trong xe.
 
- Nếu con bạn đi ô tô cùng với người khác, hãy nhớ kiểm tra xem con bạn đã tới nơi an toàn chưa.
 
- Luôn khoá cửa xe và không để trẻ nhỏ nghịch chìa khoá xe, vì chúng có thể tự mở khoá vào xe chơi một mình và bị sốc nhiệt.
 
Trong nỗ lực nhằm phòng tránh nguy cơ này, một số hãng xe cũng đã trang bị cho xe tính năng cảnh báo nguy cơ trẻ nhỏ bị bỏ quên trong ô tô. 
 
Cụ thể, từ năm 2018, mẫu SUV7 chỗ Nissan Pathfinder đã được trang bị hệ thống cảm biến có thể phát hiện cửa sau được mở trước khi xe lăn bánh, để nếu lái xe quên mở cửa sau một lần nữa sau khi xe đã dừng, còi xe sẽ phát lên một vài lần để nhắc nhở. Bằng cách này, tài xế sẽ phải kiểm tra lại ghế sau của xe để đảm bảo chắc chắn rằng họ không “để quên” bất kỳ đứa trẻ nào trong xe trước khi rời đi.
 
Hệ thống mới cũng sẽ hiển thị một cảnh báo ở đồng hồ phía sau tay lái, để kịp nhắc nhở tài xế trước khi họ rời khỏi xe.
 
Hệ thống cảnh báo này sẽ ghi nhận việc tài xế mở cửa sau (để đặt một đứa trẻ, vật nuôi, hoặc đồ vật vào hàng ghế sau) trước khi bắt đầu chuyến đi, và khi dừng xe, nếu tài xế không mở cửa sau một lần nữa (để mang đứa trẻ hoặc đồ vật) ra khỏi xe, hệ thống sẽ hiểu nhận rằng tài xế có thể quên và sẽ phát lên tín hiệu để cảnh báo.
 
Trước đó, GM cũng đã trang bị tính năng với tên gọi “nhắc nhở ghế sau” trên một số mẫu xe của mình, sẽ phát ra âm thanh và đèn thông báo trên bảng điều khiển để nhắc nhở tài xế kiểm tra ghế sau trước khi rời xe. 
 
Một số nhà sản xuất ô tô khác, như Audi, Hyundai, Toyota... cũng đã nhập cuộc.
 
Nên làm gì khi phát hiện một đứa trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô dưới trời nắng?
 
- Đừng đợi hoặc tìm gọi tài xế quay lại mở cửa xe, hãy gọi cấp cứu hoặc cứu hoả. Dù qua điện thoại, lực lượng này cũng có thể hướng dẫn bạn cách xử lý tình huống khẩn cấp.
 
- Nếu thấy trẻ đã bất tỉnh, hãy tìm cách nhanh chóng giúp trẻ ra khỏi xe, và đưa vào chỗ râm mát, thoáng đãng hơn.
 
- Cởi, nới lỏng quần áo trẻ để giảm thân nhiệt, dùng khăn mát lau người trẻ.
 
- Nếu trẻ đang hoảng loạn ở trong xe, hãy ở lại cho đến khi các nhân viên y tế, lực lượng cứu hộ... tới và nhờ ai đó đi tìm tài xế.
 
Ngủ trên xe ô tô
 
Trong trường hợp bất khả kháng, cần phải ngủ lại ở trong xe ôtô, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:
 
- Chọn đỗ xe nơi thoáng đãng, râm mát
 
- Tuyệt đối không ngủ trên xe đỗ trong không gian chật hẹp và dưới trời nắng nóng, vì trong trường hợp này ngay cả khi mở hết cửa xe, người ngồi trong xe vẫn có thể bị thiếu ôxy, sốc nhiệt, và/hoặc ngộ động khí CO thải ra từ động cơ.
 
- Khi ngủ trên xe, cần hạ kính xuống một chút để đảm bảo sự lưu thông không khí giữa bên trong và bên ngoài xe. 
 
- Hãy đặt báo thức mỗi giờ một để tránh nguy cơ người ngủ quá say, có thể lịm dần, không kiểm soát được tình huống. 
 
Theo Dantri
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng