Những thông tin bạn học được từ khóa giảng dạy bằng lái xe có thể sẽ bị “mai một” theo thời gian, thay vào đó là sự hình thành những thói quen xấu khi ngồi sau vô-lăng. Hãy làm mới lại kỹ năng cầm lái an toàn của mình với 7 mẹo dưới đây.
1. Không dùng điện thoại trong lúc lái xe
Nghe có vẻ hơi dư thừa, tuy nhiên thực tế có rất nhiều người “sở hữu” thói quen xấu này. Nếu bạn cũng nằm trong số trên thì đây là lúc cần từ bỏ thói quen đó. Theo thống kê của tờ USA Today, điện thoại di động là một trong những nguyên nhân gây tai nạn phổ biến nhất, trung bình có 4 vụ tai nạn xảy ra thì sẽ có một vụ là do sử dụng điện thoại di động.
Cũng theo thống kê của tạp chí này thì vào năm ngoái, đã có tới 245.358 vụ tai nạn do người lái sử dụng điện thoại di động. Trong đó có khoảng 5% là do vừa lái xe vừa nhắn tin, 95 % số vụ tai nạn còn lại xảy ra do sự mất tập trung khi vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại.
2. Luôn đảm bảo cho các hệ thống an toàn trên xe
Việc thay thế hay sửa chữa phanh và các bộ phận khác thuộc hệ thống an toàn trên xe thường khiến bạn phải “xót” cho hầu bao của mình. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người thường không có thói quen bảo trì cho bộ phận này một cách định kỳ. Tuy nhiên đó lại là một việc làm thực sự cần thiết để đảm bảo cho tính mạng của bạn và những người ngồi trên xe. Cho tới khi nào bạn có đủ tiền để bảo dưỡng lại hệ thống an toàn cho chiếc xe của mình thì hãy sử dụng một phương tiện khác cho việc đi lại hàng ngày của mình.
3. Giữ tốc độ an toàn
Tốc độ an toàn tức là bạn chạy ở mức phù hợp với tốc độ của những chiếc xe khác đang lưu thông trên cùng cung đường với mình. Cố gắng nhận biết tốc độ của những xe xung quanh và điều chỉnh lại tốc độ của mình về mức trung bình chung. Điều này sẽ giúp bạn vừa giữ được khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trước và sau mình, đồng thời có đủ thời gian và khoảng cách để xử lý khi có sự cố đột ngột.
4. Giữ tỉnh táo khi lái xe
Điều này không chỉ ám chỉ việc không dùng rượu khi cầm vô-lăng mà còn là các chất kích thích khác như cần sa, thuốc lá… Sử dụng những chất này khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng lên gấp đôi khi bạn cầm lái. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cầm lái khi vừa sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ, thuốc kê theo toa.
5. Chắc chắn rằng bạn đã được nghỉ ngơi đầy đủ
Khi cơ thể mệt mỏi thì khả năng phản xạ sẽ trở nên chậm chạp hơn, do đó bạn sẽ khó để đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, thậm chí nếu quá mệt mỏi, bạn sẽ vừa ngủ vừa lái xe lúc nào không hay biết. Vì vậy trước khi cầm lái, hãy chắc chắn tinh thần của bạn thực sự minh mẫn và cơ thể thực sự khỏe mạnh.
6. Chú ý đến thời tiết
Cùng một chiếc xe đó nhưng ở mỗi điều kiện thời tiết khác nhau nó sẽ có những phản ứng khác nhau. Do đó nếu bạn cứ giữ nguyên thói quen lái xe hàng ngày khi điều kiện thời tiết đã có những thay đổi thì nguy cơ xảy ra tai nạn có thể tìm đến. Do đó, hãy để ý đến điều kiện thời tiết để chuẩn bị tâm lý, trang bị và những kỹ năng phù hợp hơn khi lái xe trong điều kiện sương mù, mưa bão…
7. Không cố vượt đèn đỏ
Bạn đã từng nghe câu “thà trễ một phút còn hơn chậm cả đời”? đó là câu nói áp dụng cho những người thường có thói quen vượt đèn đỏ. Họ thường cố gắng vượt lên trên khi đèn tín hiệu giao thông vừa chuyển sang màu đỏ, hậu quả là những cuộc va chạm và những thương tích, tiếp đến là cần thời gian để …phân bua, cãi vả, đền bù… bạn sẽ càng mất thời gian hơn so với việc đứng đợi đèn đỏ. Đó là chưa kể đến những thương tích nặng cho mình và người khác hay bị cảnh sát giao thông tuýt còi thổi phạt. Luôn luôn là thế, chậm nhưng chắc là bí quyết lái xe đơn giản mà an toàn nhất.
Theo Danhgiaxe