Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới và VinFast đang sử dụng kim loại Lithium để sản xuất pin cho các loại ô tô điện. Vậy tỉnh, thành nào ở Việt Nam đang có trữ lượng lớn kim loại này?
Lithium là kim loại có trọng lượng nhẹ, mềm, độ nóng chảy thấp và điểm sôi cao nên được sử dụng trong việc sản xuất các bộ nguồn gọn nhẹ, sạc được dành cho laptop, điện thoại. Hiện nay, pin lithium được chú trọng phát triển trên những ứng dụng phương tiện di chuyển chạy bằng điện như: Xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện,... hoặc kỹ thuật ở các ngành quân đội, hàng không.
Pin Lithium chia ra làm 2 loại thường được sử dụng là pin Lithium và Lithium kim loại. Pin Lithium kim loại dùng mangan dioxit làm điện cực dương, điện cực âm làm từ kim loại lithium hoặc hợp kim, chất điện giải không dính. Nguyên liệu sản xuất pin xe điện Lithium-Ion gồm: Điện cực dương làm từ LiMnO4 và LicoO2; điện cực âm làm từ than chì và các vật liệu như cacbon; màng ngăn cách chất điện phân LiPF6, LiBF4 hoặc LiClO4 và dietyl cacbonat.
Các hãng ô tô sản xuất xe điện trên thế giới như Tesla, Toyota,... và cả VinFast đang sử dụng kim loại lithium để sản xuất ra pin phục vụ cho quá trình sản xuất xe điện. Trên thế giới, chỉ một số ít nước có nguồn tài nguyên quặng lithium, đứng đầu là Bolivia, Chile, Achentina, Trung Quốc, Úc.
Theo Cục khảo sát Hoa kỳ, kim loại lithium tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Mỹ. Với tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia đang ngày càng đầu tư hơn vào công nghệ xanh, công nghệ tái tạo, điển hình như là chuyển đổi từ xe ô tô chạy xăng sang xe điện. Do đó, lithium sẽ trở thành kim loại mà cả thế giới đều cần trong thời gian tới.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ước tính nhu cầu toàn cầu về lithium sẽ gấp 42 lần vào năm 2040 so với năm 2020.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra, đánh giá của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ giai đoạn 2005 - 2009 phát hiện tài nguyên quặng lithium tại vùng La Vi, Quảng Ngãi. Cụ thể, quặng lithium tại Quảng Ngãi gồm 40 thân quặng, thân khoáng hóa, chủ yếu là loại hình mạch pegmatoit chứa kim loại lithium và thiếc.
Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ xác định, mỏ quặng Lithium tại La Vi, tỉnh Quảng Ngãi có trữ lượng khoảng 1 triệu tấn quặng hay khoảng 10.000 tấn Li2O. Đây chính là phát hiện quan trọng cho ngành sản xuất pin lithium của Việt Nam. Theo đó, trữ lượng quặng lithium ở Quảng Ngãi có thể giúp Việt Nam tham gia vào nhóm các nước có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng lithium.
Theo Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, dựa vào trữ lượng lithium đang có thì có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước có quặng lithium của thế giới, đủ điều kiện để khai thác.
Tuy nhiên, đây là loại hình khoáng sản Việt Nam chưa thực hiện thăm dò nhiều, mức độ nghiên cứu, tài liệu tham khảo còn hạn chế, do đó rất cần được đầu tư thăm dò nghiên cứu địa chất và công nghệ khai thác chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và thế giới, để đem lại hiệu quả kinh tế cho quốc gia.
Bên cạnh lithium, niken cũng là một loại tài nguyên được dùng để sản xuất pin xe điện. Trong những năm gần đây, nhu cầu về nguyên liệu kim loại, pin điện được sử dụng rộng rãi. Tỷ lệ kim loại niken được sử dụng trong sản xuất pin hiện chiếm khoảng 4% tổng sản lượng niken thế giới.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), tổng trữ lượng và tài nguyên niken ở Việt Nam ước tính khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa hơn 3 triệu tấn, Sơn La khoảng 420.523 tấn và Cao Bằng khoảng 133.677 tấn.
Trong đó phần lớn tài nguyên niken tồn tại ở dạng khoáng vật đi kèm trong quặng crôm như vùng mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), hiện chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Quặng niken ở khu vực Sơn La và Cao Bằng chủ yếu là loại hình quặng niken - đồng xâm tán.
Theo autopro