Một ngày nọ, những bộ phận trên chiếc xe ô tô ngồi lại với nhau cùng thảo luận xem ai đang phải làm việc vất vả nhất.
Sau cả năm ròng rã rong ruổi trên những nẻo đường Hà Nội, chiếc xe rốt cuộc cũng được người chủ đưa vào xưởng bảo dưỡng. Được một ngày nghỉ ngơi, từng bộ phận chính cùng ngồi lại pha ấm trà thảo luận xem ai phải làm việc vất vả nhất.
Được lời như cởi tấm lòng, anh Vô lăng lên tiếng đầu tiên. Và đó là một lời kêu cứu.
"Anh em không biết tôi phải làm việc vất vả và áp lực đến nhường nào đâu. Đầu tiên là áp lực và ức chế. Ức ở chỗ cậu chủ lắm lúc uống say mềm người, ngồi lên xe lái như mất trí. Gây tai nạn xong 10 cậu thì hết 9 đổ cho tôi: Mất lái".
"Lắm chiếc xe động cơ 2, 3 chấm trở lên, chạy tốc độ cao mất lái nghe còn lọt lỗ tai. Lắm cậu lái xe 1.3, 1.6, chạy ẩu gây tai nạn cũng học đòi mất lái. Trong tất cả các anh em, ai bị đem ra đổ lỗi nhiều bằng tôi nào?"
Có không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân đều "đổ lên đầu" vô lăng. Ảnh minh hoạ
"Ngoài những lúc ức chế thì cường độ làm việc cũng khiến tôi stress nặng. Ga, phanh, còi còn có lúc nghỉ, còn tôi lúc nào cũng bị vần vò chóng cả mặt".
"Đường xá kẻ vạch rõ ràng, cứ bám làn mà đi có chết ai đâu mà cậu chủ cứ lượn từ làn này sang làn khác. Ở nước ngoài cũng có tắc đường, cũng đông đúc, nhưng người ta cứ một làn mà đi".
"Bên nước mình, chẳng riêng gì cậu chủ, cậu nào cũng chuyển làn liên tục. Về cơ bản là thấy làn nào thoáng là phi vào làn đó, chẳng cần quan tâm xe đằng sau thế nào hay làn đó là đi thẳng hay rẽ trái".
"Lắm lúc xem phim tây, phim Hàn, thấy mấy anh vô lăng ở bển thảnh thơi một đường thẳng mà tiến, trong khi đó mình thì bị xoay chóng hết cả mặt suốt ngày.
Có ai hiểu cho tôi không? Tôi chỉ phục vụ cho nhu cầu chuyển hướng thôi chứ không khoái đánh võng trên đường đâu", anh Vô lăng gào lên thảm thiết.
Một chiếc xe gặp tai nạn nghiêm trọng vì... mất lái. Ảnh minh hoạ
Thấy vậy cặp bạn thân Ga và Phanh vội vàng chạy tới an ủi: "Bác ơi, bọn em cũng khổ kém gì đâu mà nào dám kêu ai".
"Đi trong thành phố, chân ga, chân phanh cũng hoạt động ngang ngửa với số lần vần vô lăng của cậu chủ chứ chẳng chơi. Đang bon trên đường, đùng một cái có bà cô tạt đầu, cậu lại phải đạp phanh".
"Rồi ti tỉ những tình huống mà nói thật chỉ mỗi giao thông Việt Nam có. Nào là mấy anh taxi đi lúc thì nhanh quá, lúc lại chậm rề rề giữa đường mặc kệ thiên hạ phía sau".
"10 xe trên đường thì khéo phải có 8 anh hơi tí là chuyển hướng loạn xạ cả lên. Đến đi qua cái đèn xanh vốn chỉ cần đạp ga, cũng chẳng yên thân với mấy ông thích vượt. Cứ phanh, ga, phanh, ga suốt cả ngày thôi".
Anh Còi cũng góp câu chuyện: "Anh em không biết, chứ đám bạn tôi ở nước ngoài chúng nó nghỉ hưu non hết rồi. Cả ngày chả nghe tiếng còi nào, hạn hữu lắm người ta mới nhấn".
"Ở Việt Nam các cô chủ, cậu chủ thì nhấn lấy được. Tôi có anh bạn rơi vào tay cậu chủ buồn cười lắm: Đường chả có gì phía trước cậu cũng phải nhấn còi cho vui tai".
"Mà tôi bị nhấn cũng tùy theo cảm xúc. Lúc vui thì các cậu nhấn nhẹ lắm, lúc bực thì vừa đấm, vừa dí cả hồi dài. Đèn xanh chưa bật các cậu đã dí còi rồi, chẳng lẽ tôi lại không chịu kêu".
Chung quy lại, mỗi bộ phận đều có cái khổ riêng và nếu so sánh với đám bạn của chúng ở các nước phát triển, thì đám vô lăng, phanh, ga, còi… ở Việt Nam đúng là khổ hơn thân con trâu. Hoạt động thì nhiều mà số lần được bảo dưỡng thì đếm trên đầu ngón tay.
Điều quan trọng hơn cả là cách chúng hoạt động cho thấy một bức tranh giao thông cực kỳ lộn xộn, bát nháo và không quy luật ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Thời đại