+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Muôn vàn bất cập của biển báo giao thông ở Việt Nam

Cập nhật: 19:27 11/10/2017

Biển báo cắm khuất tầm nhìn, chữ quá nhỏ, khó hiểu là những bất cập trong hệ thống báo hiệu đường bộ ở Việt Nam.

Tôi vừa có hành trình chơi Tết từ Hà Nội vào tới Tuy An (Phú Yên), tổng cộng hơn 3.100 km từ 29 đến mồng 9 Tết. Đây là lần tự lái dài nhất (ở Việt Nam) và đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Về cơ bản, đường tương đối tốt dù thu tiền hơi nhiều. Tôi có một vài nhận xét về giao thông như sau.

1. Các biển hướng dẫn giao thông ở Việt Nam hơi nhỏ

Biển báo sát nhau, cái nọ che cái kia, phổ biến là bị cột điện che. Các biển nên to hơn khoảng 20% đến 30% diện tích. Chính quyền địa phương phải đảm bảo dân cư không để vật dụng hay cây che các biển này.

Khi tôi đi một đoạn ở Huế đã đi vào đường cấm, vì cái biển bị những cái ô che nắng to của người bán hàng che mất. Lúc đó mà gặp cảnh sát giao thông là thành cãi nhau.

Ở trục giao thông chính, biển chỉ dẫn nên treo cả trên cao chứ không chỉ là cắm ven đường. Nhiều phương tiện to như xe tải, xe container chạy làn trong hoặc đỗ ven đường che mất là các phương tiện khác không thể theo dõi nhưng nếu treo cả phía trên thì sẽ tiện. Hơn nữa, lái xe quan sát thẳng thì an toàn hơn là cứ phải ngó sang bên liên tục.

2. Cắm biển quá sát với vị trí có hiệu lực

Khi đi xe với tốc độ cao 80-90 km/h ở nơi có giải phân cách cứng, khó giảm tốc độ kịp thời để xử lý. Ví dụ như khi đi từ Đà Nẵng ra Huế, sát tới vị trí đọc được hứơng đi đèo hay hầm Phú Gia thì đã không kịp xử lý hướng cần đi. Đặc biệt vào buổi tối. Vì vậy, nên cắm biển chỉ dẫn sớm hơn một chút, và có thể hướng dẫn là bao nhiêu mét nữa sẽ tới vị trí.

3. Ngôn ngữ nên ngắn gọn, trực tiếp

Bởi khi đi tới vị trí hầm hay đèo Phú Gia, lái xe sẽ quan tâm chú ý tới chữ Hầm hay chữ Đèo. Vì thế biển nên ghi Hầm Phú Gia – Đèo Phú Gia thay vì ghi "Hướng đi hầm Phú Gia – Hướng đi đèo Phú Gia". Thừa chữ, phải đọc nhiều mà không hiệu quả.

4. Biển phản quang không đồng bộ

Chỉ có những đường mũi tên là phản quang, dòng chữ trên biển thì không. Đi buổi tối không thể đọc được hướng đi như thế nào cho chuẩn. Chỉ rất ít biển cả hai dấu hiệu mũi tên và chữ cùng có khả năng phản quang. Một vài biển ở đường tránh thành phố Thanh Hoá có khả năng đọc được cả hai phần chữ và hình mũi tên. Chuyến đi này tôi dùng GPS lái nên điều chỉnh hướng không cần biển hướng dẫn và nếu cần đọc biển thì chỉ có cách đi chậm sát lề đường hoặc phải dừng lại để đọc.

5. Góc đặt biển nên điều chỉnh

Không nên để vuông góc 90 độ với chiều dọc của đường mà nên hướng vào lòng đường một vài độ để người lái xe có góc nhìn tốt hơn đặc biệt là vào buổi tối. Bởi vào buổi tối, khi đèn chiếu, phản quang hướng đi hướng khác với góc nhìn khi lái xe và không thể đọc được biển.

Biển báo giao thông bị che khuất

6. Nên có tên trên biển khu dân cư

Trong sách luật có hướng dẫn là biển khu đông dân cư ngoài biểu tượng nhà cao tầng đô thị còn có tên nhưng hầu hết giờ không có tên. Nếu có tên, rất thuận tịên cho lái xe biết mình đã đến đâu. Suốt hành trình, thấy mỗi khu vực Gò Găng, thuộc Bình Định có ghi chữ Gò Găng bên dưới hình khu đô thị.

7. Khu đô thị nên có biển hạn chế tốc độ

Đoạn đô thị dài, nên có biển nhắc lại hạn chế tốc độ bởi nhiều nơi, sau khi đi quá dài, lái xe có thể bị quên mình đang đi trong điều kiện như thế nào bởi có chỗ vẫn thuộc đô thị nhưng lại vắng nhà hai bên đường. Hoặc có những đoạn nhiều nhà hai bên đường , tôi nghĩ là khu đô thị bởi mình không dám chắc là có nhìn thấy biển báo đô thị hay không nên giảm tốc độ xuống 60 km/h nhưng đi chừng vài km vẫn thấy các xe khác đi nhanh trong khi nhà cửa vẫn đông đúc.

8. Biển hạn chế tốc độ nên có ghi độ dài hiệu lực của biển

Cái này thì nhiều tài xế hiểu cảm giác không biết mình đang đi đúng hay sai dù rõ ràng đang có ý thức đúng luật. Nếu không, khi qua các giao cắt cần có biển nhắc lại.

9. Nên có biển cảnh báo sớm

Cái này phổ biến ở Canada. Tức là chuẩn bị có biển đô thị, có biển hạn chế tốc độ thì có biển nhắc rằng 500 m hay 200 m nữa sẽ có biển hạn chế. Bởi như thế, lái xe sẽ ý thức được việc điều chỉnh tốc độ, tránh giảm đột ngột. Trong luật Việt Nam chưa có loại biển này thì phải, nên nghiên cứu để đưa ra loại biển này.

10. Biển báo đường xấu

Nhiều đoạn đường xấu, đang thi công hoặc bị xuống cấp, cần có biển thông báo để các phương tiện có thể tính đến phương án chuyển đổi hướng đi hoặc điều chỉnh tốc độ. Đặc biệt có cảnh báo về độ dài của đoạn xấu.

Trên đây là một vài nhận xét khi lái xe mấy hôm Tết vừa rồi. Những thứ như trên có thể điều chỉnh được. Những thứ khó chịu khác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng khó điều chỉnh như việc người địa phương lái xe ngược chiều, băng qua đường đột ngột hoặc lái xe không có đèn chiếu sáng thì chịu.

 

Độc giả Nguyễn Huy Khâm (VnExpress)

Ý kiến bạn đọc (1)
Quá chuẩn bộ gtvt lên cho ra nước ngoài học tập nhất là tai wan, ko rea , ja pan
Nguyễn mạnh sùng - 15:32 12/10/2017
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng