+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Những hiểu nhầm của tài xế Việt về chống ồn ôtô

Cập nhật: 09:29 01/02/2021
Có 5 vấn đề phổ biến mà người dùng thường hiểu lầm về tiếng ồn trên ôtô và phương pháp chống ồn.
 
Dán chống ồn là một trong những nhu cầu thường xuyên của người sử dụng ôtô, nhưng dán như thế nào để hiệu quả và không mất tiền "oan" thì không nhiều người hiểu. Dưới đây là những vấn đề nhiều người hiểu sai.
 
Miếng dán vào tấm tôn trên cửa và sàn có tác dụng gì?
 
Tác dụng của nó là giảm rung động của tôn thân xe. Việc dán thêm này tạo thành những khu vực rung động với tần số khác nhau và sẽ triệt tiêu rung động của nhau. Diện tích và trọng lượng của tấm dán được tính toán kỹ lưỡng để tạo ra những khu vực rung động với tần số ngược pha nhau và kết quả là chúng triệt tiêu rung động của nhau.
 
Có nên dán toàn bộ xe?
 
Không. Khi dán toàn bộ xe thì hiệu quả chống rung như trên không được phát huy mà còn có thể làm thay đổi cách tấm tôn rung động, làm giảm hiệu quả chống ồn. Mặt khác, việc tăng trọng lượng tôn sẽ khiến tấm tôn dao động ở tần số thấp hơn, khi đó người ngồi trên xe sẽ cảm nhận tiếng ù, khó chịu hơn cả tiếng ồn trước khi làm cách âm.
 
Tôn xe dày có cách âm tốt hơn hay không?
 
Đáp án là Có hoặc Không đều đúng, tùy loại âm thanh.
 
Trường hợp thứ nhất: Có. Tôn dày có khả năng ngăn âm thanh từ bên ngoài lọt vào xe tốt hơn một chút theo nguyên tắc - vật liệu có khối lượng lớn hơn sẽ ngăn âm thanh tốt hơn.
 
Trường hợp thứ hai: Không. Tôn dày không giúp giảm âm thanh tạo ra từ chính rung động của thân xe (từ bánh xe truyền lên và từ động cơ truyền qua), bởi vậy không làm hành khách dễ chịu hơn. Mặt khác, tôn càng dày thì rung động với tần số càng thấp, càng dễ gây đau tai.
 
Tiếng ồn khó chịu nhất vẫn là tiếng ồn tạo nên bởi chính rung động thân xe như trường hợp thứ hai. Do đó hiệu quả chống ồn cho xe khi tăng bề dày tấm tôn là không đáng kể. Lấy ví dụ như những xe ở thập niên 90 có tôn cực dày nhưng khả năng cách âm kém xa các xe hiện đại.
 
Phân biệt tiếng ù và tiếng ồn?
 
Tiếng ù chính là tiếng ồn ở tần số thấp dưới 150Hz. Tiếng ù ở cường độ cao thì cực kỳ khó chịu, gây cảm giác đau tai. Khác với tiếng ồn, tiếng ù rất khó cách âm hay tiêu âm vì mang năng lượng lớn.
 
Trong xây dựng, có một số cách triệt tiêu tiếng ù hiệu quả là dùng tường gỗ hoặc gạch, 2 lớp tường đặt cách nhau khoảng 20 cm, sau đó dán vào bên trong tường những tấm tiêu âm và vẫn giữ một lớp không khí có độ dày tương đối. Trên ôtô thì việc làm này hoàn toàn không khả thi vì không gian hạn chế. Một khi tiếng ù đã phát sinh trên xe thì việc triệt tiêu là cực khó.
 
Gõ vào lớp tôn, đóng thử cửa xe để xác định xe cách âm tốt hay kém?
 
Thực tế, cách này không đúng. Khi đóng cửa thì tiếng kêu tạo bởi ba thứ sau:
 
Thứ nhất: tiếng va chạm của ron cửa vào thành cửa.
 
Thứ hai: thân cửa rung lên tạo tiếng ồn. Đây là khác biệt lớn nhất giữa các xe do trọng lượng khác nhau. Cửa có trọng lượng lớn thì kêu "phịch" hay "bịch" với âm trầm nhiều hơn; cửa nhẹ thì kêu "cộp" hay "cạch", nghe âm cao hơn.
 
Thứ ba: tiếng của không khí trong xe bị nén và thoát ra khe hẹp khi đóng gần sát. Tiếng này phụ thuộc vào không gian trong xe lớn hay nhỏ. Cũng không quá khác biệt.
 
Như vậy, tiếng đóng cửa khác nhau tạo ra chủ yếu bởi trường hợp thứ hai, là trọng lượng của cánh cửa. Ngoài ra, việc đóng cửa nghe tiếng kêu cũng không đủ cơ sở để đánh giá việc xe có êm ái hay không. 
 
Bọc nilon trần xe và lót simili sàn xe có làm cách âm tốt hơn hay không?
 
Không. Lớp nilon quá mỏng và nhẹ nên không thể cách âm. Trong khi nilon lại làm giảm hiệu quả tiêu âm (triệt tiêu tiếng ồn trong xe). Bởi lẽ, lớp nilon phẳng, làm dội lại âm thanh chứ không hấp thụ như lớp nỉ trần xe. 
 
Lót sàn bằng simili cũng tạo hiệu ứng giống hệt bọc ni-lông trần xe, tức giảm hiệu quả tiêu âm và làm xe ồn hơn.
 
Phun gầm có cải thiện tiếng ồn trên xe?
 
Có hoặc Không.
 
Có là bởi: bản thân nhà sản xuất cũng phun cao su ở các vị trí như hốc bánh xe, lườn xe. Mục tiêu là làm giảm tiếng ồn do cát/đá bắn vào hốp lốp/lườn xe. Cát, đá va chạm với cao su cũng tạo ra ít tiếng ồn hơn do cao su có tính đàn hồi nên hấp thụ va chạm và tránh làm thân xe rung lên.
 
Không là bởi: không có nhiều cát đá bắn vào gầm khi vận hành. Mặc khác, lớp cao su gầm làm tăng trọng lượng xe khiến âm thanh phát ra do gầm xe rung động sẽ thay đổi (phát ra tần số thấp hơn). Điều này có thể làm thay đổi hiệu quả tiêu âm nguyên bản do nhà sản xuất đã tính toán trước đó.
 
Tài xế nên làm gì để cải thiện cách âm trên xe?
 
Muốn giảm tiếng ồn cần kết hợp cả hai yếu tố là ngăn chặn tiếng ồn phát sinh và tiêu âm. 
 
Ngăn chặn tiếng ồn phát sinh: Có nhiều cách, đơn giản nhất là thay lốp chống ồn. Cách này nhiều người áp dụng và hiệu quả rõ rệt. Một số cách khác đòi hỏi can thiệp về kỹ thuật nhiều hơn nhưng cũng mang lại hiệu quả cao là:
 
- Cải thiện cao su liên kết chassis với thân xe, làm chúng mềm hơn để hấp thu rung động tốt hơn. Cụ thể như kiểm tra lực siết đai ốc cao su gầm, đưa chúng về giá trị nhỏ nhất mà nhà sản xuất cho phép. Cách khác là gọt dũa lại để lực ép vào các gối cao su này khi siết đai ốc là nhỏ hơn. Cách khác nữa là dùng các gối cao su chassis đã được hãng cải thiện.
 
- Cao su chân máy cũng là chỗ đáng quan tâm. Nếu xe bị rung, ù khi tăng tốc thì hãy nghĩ ngay đến cao su chân máy. Cách cải thiện cũng giống như cách làm cho cao su chassis đã nêu trên.
 
Tiêu âm: Cách làm cũng giống như trong các bộ loa hoặc phòng thu: nhét thêm bông tiêu âm, nỉ vào các khoang, hốc hoặc dán thẳng vào vách. Nói chung, cách làm tiêu âm trên ôtô chỉ cải thiện được tiếng ồn ở tần số trung và cao. Nếu đã là tiếng ồn ở tần số thấp (hay còn gọi là tiếng ù) thì cực khó làm tiêu âm hiệu quả.
 
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng