Vì nhiều lý do chủ quan, một số tài xế xác định "nhầm" chiều cao, kích thước của gầm cầu vượt để rồi bị mắc kẹt tại đây. Vậy làm sao để tránh gặp phải tình huống này?
Những đoạn đường có cầu vượt thường hay xảy ra hiện tượng kẹt xe, xe chui không lọt do tài xế không ước lượng được kích thước thực tế, vô tình lái xe đi vào. Để tránh tình trạng này, tài xế cần lưu ý một số điều sau.
1. Chú ý đến chiều cao của gầm cầu vượt
Nghị định 186 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ năm 2004 nêu rõ, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần trên không được quy định từ tim đường đến điểm thấp nhất của gầm cầu là 4,75 m theo phương thẳng đứng.
Những lưu ý về chiều cao và cách thoát nạn khi bị mắc kẹt dưới gầm cầu vượt.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, nhiều tuyến đường huyết mạch có hầm chui, cầu vượt chỉ có chiều cao 4,5 m. Thậm chí có nơi gắn biển báo với chiều cao 4.5 m. Chiều cao này chỉ vừa đủ cho xe container chạy qua. Những xe chở hàng thiết bị, nguyên đai nguyên kiện từ các cảng biển, khu công nghiệp sẽ khó lọt bởi những xe này thường có chiều cao trên 4.5 m.
Một số tuyến đường trong nội đô cũng có hầm chui nhưng giới hạn chỉ khoảng 2,2 m tính đến điểm cao nhất. Tuy nhiên, một số tài xế không lường trước được hầm chui sẽ có một số đoạn có điểm thấp nhất hoặc một số đoạn đường được nâng lên khiến giới hạn an toàn bị thu hẹp, dẫn đến việc xe bị mắc kẹt hoặc va quệt gầm cầu.
Do vậy, trước khi đi vào hầm cầu, tài xế cần quan sát biển báo giới hạn chiều cao, tự ước lượng chiều cao thực tế thông qua việc quan sát chiều cao của những xe đi trước rồi mới đưa ra quyết định đi tiếp hay chuyển hướng chọn con đường khác.
2. Giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh
Để đảm bảo an toàn, tránh va chạm khi gặp sự cố bất ngờ, đặc biệt là khi không may ô tô mắc kẹt ở gầm cầu, tài xế nên giảm tốc độ và duy trì khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh.
Việc giữ khoảng cách giữa các xe giúp giảm thiểu nguy cơ va chạm trong trường hợp không may mắc kẹt ở gầm cầu.
Việc giữ khoảng cách giữa các xe sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ va chạm, tai nạn trong trường hợp gặp chướng ngại vật, gặp sự cố bất ngờ, phanh gấp. Theo các chuyên gia, khoảng cách giữa 2 xe di chuyển liên tiếp tối thiểu là 30 mm. Đây cũng là khoảng cách vừa đủ để người lái xe bao quát được tầm nhìn xung quanh và có đủ thời gian để ứng phó với các tình huống bất ngờ.
3. Không vượt xe, dừng đỗ, lùi xe, quay đầu
Khu vực gầm cầu thường là điểm giao cắt giữa các tuyến đường, lượng xe lưu thông lớn, đặc biệt trong giờ cao điểm. Do vậy, để đảm bảo sự thông suốt, tài xế cần xác định rõ lộ trình, hướng đi để tránh việc phải lùi xe, quay đầu hoặc dừng đỗ ở khu vực này. Không nên vượt xe khi đi qua gầm cầu bởi khi bị giới hạn về không gian, tài xế sẽ khó làm chủ được tay lái, dễ gây tai nạn.
Cần làm gì khi bị mắc kẹt, va quệt với gầm cầu đường bộ?
Khi nhận thấy xe khó chui lọt gầm cầu, bạn không nên tiếp tục thúc xe đi tiếp, cần bình tĩnh và phát ra tín hiệu dừng xe, tắt động cơ, xuống xe quan sát để tìm hướng giải quyết ổn thỏa, giảm thiểu thiệt hại. Nhiều trường hợp, tài xế buộc phải xì hơi 4 bánh cho xe thấp xuống để dễ dàng chui qua. Trong một số trường hợp khó khăn, bạn nên huy động thêm lực lượng cứu hộ và sự trợ giúp của người xung quanh để sớm thoát nạn, tránh gây ùn tắc.
Trên đây là những lưu ý về chiều cao hầm cầu đường bộ cùng những kinh nghiệm lái xe an toàn khi đi qua khu vực này. Hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn vững vàng tay lái khi đi qua gầm cầu đường bộ trong nội đô và các tuyến đường huyết mạch.
Theo oto