Ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi và không quá 12 năm tuổi; không được cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine chở khách; phải cung cấp thông tin khi ký gửi hàng trên xe khách, hay xe ô tô du lịch theo tuyến phải có phù hiệu,…đều là những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 9/2022.
Từ đầu tháng 9/2022 sẽ là thời điểm có hiệu lực của hàng loạt các chính sách, quy định mới về giao thông vận tải. Trong đó bao gồm:
Ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi và không quá 12 năm tuổi
Theo Nghị định số 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, các xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
Ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi và không quá 12 năm tuổi.
Đồng thời, không được phép cải tạo ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên hoặc các phương tiện có cùng kiểu dáng, kích thước tương tự xe từ 9 chỗ trở lên thành xe có kết cấu dưới 9 chỗ ngồi, tính cả vị trí tài xế để phục vụ mục đích kinh doanh vận tải hành khách.
Trường hợp xe quá niên hạn sử dụng mà vẫn đưa vào lưu hành thì cá nhân điều khiển phương tiện sẽ phải chịu mức phạt hành chính từ 4 - 6 triệu đồng theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Mức phạt đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ taxi "sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng, niên hạn sử dụng không đảm bảo điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký" sẽ bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng theo quy định tại điểm i, Khoản 6, Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Không được cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine chở khách
Theo Nghị định số 47 do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1/9, các mẫu xe từ 10 chỗ trở lên sẽ không được phép cải tạo thành các mẫu ô tô dưới 10 chỗ (bao gồm cả ghế của tài xế) để kinh doanh vận chuyển hành khách.
Điều đó đồng nghĩa với việc các mẫu xe 16 chỗ cải tạo thành các mẫu limousine 10 chỗ bao gồm cả ghế tài xế sẽ không được phép sử dụng để kinh doanh dịch vụ chở khách.
Cũng theo Nghị định 47, những trường hợp xe trên 10 chỗ đã được cải tạo xuống dưới 10 chỗ và đã được cấp biển số trước ngày Nghị định có hiệu lực sẽ tiếp tục được phép sử dụng cho mục đích kinh doanh cho đến hết thời hạn sử dụng.
Không được cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine chở khách.
Các mẫu xe 16 chỗ (chủ yếu từ hãng xe Ford) thường được các nhà xe cải tạo xuống dưới 10 chỗ để phục vụ cho dịch vụ chở khách liên tỉnh dưới hình thức đưa, đón tận nơi. Dòng xe này thường được gọi dưới tên xe limousine.
Như vậy, những xe Limousine được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022 thì vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng. Còn những xe Limousine được cải tạo từ ngày 1/9/2022 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.
Gửi hàng trên xe khách phải khai báo ít nhất 5 thông tin
Để bảo bảo công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa ký gửi trên xe khách, khoản 1 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hoá cung cấp đầy đủ, chính xác ít nhất 5 thông tin cho nhà xe, lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có).
Cụ thể, 5 thông tin gửi hàng bao gồm: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Quy định này cũng có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2022.
Xe ô tô du lịch theo tuyến phải có phù hiệu
Cũng trong Nghị định số 47/2022/NĐ-CP có nêu, các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải có phù hiệu "xe tuyến cố định" được dán cố định ở kính trước của xe.
Ngoài ra đối với các xe được dùng để tăng cường phục vụ vận chuyển hành khách trong thời gian cao điểm lễ Tết, phía đơn vị khai thác cần sử dụng những xe đã có phù hiệu "xe tuyến cố định", "xe ôtô vận tải khách du lịch" hay "xe hợp đồng" còn giá trị sử dụng.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng yêu cầu các xe vận tải hành khách theo hợp đồng cần trang bị đủ các phù hiệu "xe hợp đồng" trên xe. Phù hiệu được dán cần làm bằng vật liệu phản quang, có kích thước tối thiểu là 6x20cm được dán ở cả kính trước và sau của xe.
Các xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch cần có biển hiệu "xe ô tô vận tải khách du lịch" được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Cụm từ "xe du lịch" cũng cần được in trên vật liệu phản quang với kích thước là 6x20cm.
Ô tô - xe máy nhập khẩu phi thương mại bị siết chặt
Thông tư số 45/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Thông tư này có hiệu lực từ 10/9.
Theo đó, với xe nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện được quy định cụ thể, chi tiết hơn và kèm theo các chế tài xử lý nếu vi phạm về quá thời hạn khai bổ sung xác định giá trị hải quan, vi phạm về bảo quản hàng hóa, thời hạn nộp giấy chứng nhận đăng kiểm,...
Cụ thể, Thông tư quy định hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện gồm các giấy tờ như tờ khai, vận đơn hoặc chứng từ, giấy đăng ký kiểm định, giấy ủy quyền… bản giấy hoặc nộp qua phương thức điện tử theo mẫu quy định.
Bỏ giới hạn chỉ được nhận 1 xe/năm dưới dạng biếu tặng
Ngoài các quy định siết chặt, Thông tư số 45/2022/TT-BTC cũng có một số hướng mở hơn cho tổ chức, cá nhân nhận xe dưới dạng biếu tặng. Cụ thể, Thông tư đã bãi bỏ giới hạn số lượng xe mỗi tổ chức, cá nhân được nhập trong năm là 01 xe ô tô và 01 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng như quy định cũ trước đây.
Thay vào đó, Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 45/2022 nêu rõ: "Chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Ngoài ra, Thông tư 45/2022/TT-BTC còn quy định "Người làm thủ tục thực hiện khai hải quan tại Chi cục Hải quan qua hình thức điện tử hoặc trực tiếp và chịu trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm được phép đưa về bảo quản 30 ngày để chờ kết quả kiểm tra xe của cơ quan kiểm tra chuyên ngành”. Đây được coi là hướng mới về việc bảo quản xe trong thời gian chờ làm thủ tục hải quan.
Theo oto