+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Tài xế Việt đầy thói quen xấu, đường phố khi nào văn minh?

Cập nhật: 08:02 10/11/2017

Bật đèn pha, tuýp còi vô tội vạ, đi sai làn đường hay say xỉn khi điều khiển phương tiện… là những tật xấu “kinh điển” của tài xế xe máy lẫn ô tô khiến đường phố Việt trở nên bát nháo.

Câu chuyện về văn minh giao thông tại Việt Nam dường như chưa bao giờ hết “nóng”, bởi ý thức của một bộ phận (nếu không nói là bộ phận lớn) người sử dụng xe còn quá kém. Mấy bác tài ô tô thì đổ lỗi do xe máy quá đông, lái xe không theo trật tự nào là nguyên nhân chính dẫn đến giao thông hỗn loạn, ngược lại chủ xe máy than phiền người lái ô tô thể hiện thái độ khinh khỉnh, dành đường… Vì tính chất công việc phải đi lại nhiều nên ngày nào tôi cũng phải đối mặt với vô vàn thói quen xấu của nhiều tài xế Việt, ở bài viết này tôi chỉ xin chia sẻ với bạn đọc Thanh Niên một số tật xấu nổi bật mà tôi nghĩ chắc hẳn ai cũng từng chứng kiến.

Nhấn còi quen tay

Đối với tôi, lái xe đi làm mỗi sáng và giờ tan tầm trở về nhà thật sự là thảm họa, không chỉ mệt mỏi vì tắc đường mà còn phải chịu “tra tấn” bởi đủ thứ âm thanh xen lẫn, mà kinh khủng nhất là tiếng còi inh ỏi. Chẳng thể nào hiểu nổi, đường thì không còn chỗ để nhích, mà các bác phía sau cứ liên tục tuýp còi như thể người ở trước cố tình không đi vậy.

Ngay tại các ngã ba, ngã tư, đèn đỏ còn 3 - 4 giây hoặc vừa mới chuyển sang xanh là đã nghe vô vàn tiếng còi phía sau thúc giục, thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu kiểu như sao không chịu chạy nhanh lên, hoặc phải nhường đường cho họ đi trước. Thói quen này gây khó chịu cho rất nhiều người bởi họ đang dừng xe theo đúng tín hiệu đèn giao thông nhưng vẫn phải cố di chuyển lên phía trên để thoát khỏi tiếng còi dai dẳng. Nguy hiểm hơn, khi đang tập trung điều khiển xe mà đột ngột nghe tiếng còi lớn bên tai rất dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Khó có thể kể hết thói quen xấu của tài xế Việt

Lái xe không đúng làn đường

Quy định cụ thể về làn đường đã được đưa vào phần lý thuyết của bài thi lấy bằng lái xe, thế nhưng dường như ít ai ứng dụng vào trong thực tế, cả người mới lái lẫn các bác tài có kinh nghiệm thường vô tình hay hữu ý đi sai làn đường, và dù trên các đoạn đường vắng, đường cao tốc rộng thênh thang đều dễ dàng bắt gặp lỗi này. Đặc biệt, tình trạng luồn lách không theo một trật tự nào còn thường xuyên diễn ra trên những đoạn đường ùn tắt.

Rất dễ thấy, các lái xe ở VN khi gặp chướng ngại vật như xe trước phanh gấp, người qua đường… đều có phản xạ tự nhiên là đánh tay lái sang một bên, đôi khi còn lạng lách đủ hướng thay vì giảm tốc độ. Hành động này vô cùng nguy hiểm cho mọi người xung quanh và góp phần lớn khiến tình hình giao thông thêm phức tạp. Không những vậy, nhiều tài xế còn lười bật đèn xi nhan để phát tín hiệu xin chuyển làn, trong khi đây là hành động vô cùng cần thiết thể hiện sự văn minh và tôn trọng người khác, đồng thời hạn chế xảy ra những va chạm bất ngờ.

Không biết sử dụng đèn pha

Không chỉ tôi mà chắc rất nhiều người Việt đã được “rèn luyện” cả phần nghe lẫn nhìn khi đi đường. Nếu tiếng còi gây ám ảnh về âm thanh, thì đèn pha lại là mối đe dọa tầm nhìn của người tham gia giao thông. Quy định về sử dụng đèn pha đúng lúc, đúng nơi đã được phổ biến, nhưng có vẻ như nhiều người vẫn không biết. Rất khó hiểu, đi trong phố sao lại phải bật đèn pha, từ các bác đi ô tô tiền tỉ cho đến những chị em điệu đà trên chiếc xe tay ga, ai cũng vô tư bắn thẳng đèn pha vào xe ngược chiều, gây chóa mắt nên dễ đâm vào phương tiện khác.

Biến đường phố thành… sọt rác

Có lẽ do chưa được đưa vào luật nên nhiều người tham gia giao thông vẫn đang hồn nhiên xả rác xuống đường phố. Chắc do quá quen thuộc nên chẳng ai cảm thấy ngạc nhiên khi thấy hình ảnh một tay thò từ cửa chiếc ô tô sang trọng chỉ để ném rác xuống đường, hay phía sau xe máy của các bậc phụ huynh là những cô cậu vội ăn nốt hộp xôi hay uống hộp sữa cho kịp giờ học rồi vứt lại phía sau một cách mau lẹ.

Hành động tưởng chừng như rất nhỏ này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, mà nghiêm trọng hơn còn tác động trực tiếp đến những phương tiện khác trên đường. Khi xe đang chạy ở tốc độ cao, rác sẽ bay rất nhanh về phía sau, nhiều khi sẽ đập vào kính chắn gió của xe khác, hoặc kinh khủng nhất là những túi nôn hay đờm khạc tấp thẳng vào mặt, mất vệ sinh vô cùng, lại khiến lái xe mất lái và dẫn tới tai nạn.

Say xỉn vẫn vô tư lái xe

Ai cũng biết câu nói “đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhưng tới lúc say thì còn mấy ai làm chủ được chính mình, nhiều người thậm chí còn “hăng máu” chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng khi cơ thể lẫn đầu óc đã không còn tỉnh táo và minh mẩn. Lái xe trong tình trạng say sỉn dẫn đến mất lái, đạp nhầm chân phanh - chân ga,… là nguyên nhân của vô vàn vụ tai nạn thương tâm, không những ảnh hưởng đến tính mạng của chính bản thân mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và mạng sống của người khác. Thế nhưng, những bài học trước mắt chưa đủ sức lay chuyển tư duy của bộ phận lớn người điều khiển phương tiện giao thông.

Ngoài những thói quen kể trên, vẫn còn rất nhiều tật xấu khác mà tài xế Việt thường mắc phải như đỗ xe sai quy định, không dùng gương chiếu hậu, không bật xi nhan khi rẽ… Tôi cũng như mọi người đôi khi cũng hay quên và vô tình mắc lỗi, nhưng hơn thua nhau ở ý thức, có nhận thấy được lỗi sai và sửa chữa thì phải do ý thức của mỗi người, phải thực hành thường xuyên để trở thành phản xạ tự nhiên chứ đừng làm theo kiểu đối phó.

Độc giả Xuân Vinh (Thanh Niên)

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng