Không quá khi cho rằng màn hình HUD sẽ xuất hiện ngày một rộng rãi trên ô tô, thậm chí trở thành tính năng mặc định khi giá thành sản xuất dần rẻ hơn.
Ngay cả khi xe tự lái hoàn thiện ra đời, hệ thống này cũng vẫn sẽ có những ứng dụng riêng cho mình, nhất là ở mảng giải trí.
Trên một số dòng xe sang ngày nay, màn hình HUD đã trở thành trang bị tiêu chuẩn. HUD, tích hợp ngay trên kính lái, là hệ thống màn hình trong suốt hiển thị dữ liệu ngay trước mặt người lái thay vì buộc họ phải nhìn sang màn hình trung tâm hoặc táp lô để tìm kiếm thông tin như bình thường.
Vốn chỉ dành cho dòng máy bay quân sự trong thế kỷ trước, ngày nay HUD đã được sử dụng rộng rãi trên các dòng máy bay thương mại, ô tô... HUD thường có 3 bộ phận: máy chiếu, bộ kết hợp và máy tính xử lý.
Một hệ thống HUD thường thấy trên ô tô.
Nhiều thương hiệu xe thậm chí đã mang HUD lên tầm cao mới, chẳng hạn như Lincoln với Navigator 2018 trang bị công nghệ đèn chiếu ánh sáng kỹ thuật số giúp mang lại hình ảnh sáng, lớn và rõ nét nhất trong làng xe; hay Mercedes-Benz và Volvo với khả năng chuyển dịch vị trí màn hình HUD sao cho phù hợp nhất với vị trí ghế ngồi người lái.
Hệ thống HUD trên xe Mercedes-Benz.
Tính đến giờ, đã có nhiều cách để người dùng có thể trang bị một hệ thống HUD hoặc giả HUD cho riêng mình, từ ứng dụng smartphone chiếu màn hình điện thoại lên kính lái hay một số hệ thống HUD bán ngoài có giá dao động trong khoảng 200 USD.
Nguyên nhân cho sự xuất hiện của các "bản lỗi" này khá đa dạng, từ việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác hiện đại, sang trọng mà không phải mua xe sang; ưa thích sự tiện dụng của HUD khi hiển thị các dữ liệu lái cần thiết (tốc độ, định vị...) mà vẫn cho phép bạn nhìn đường thoải mái; cho tới việc... nhiều thương hiệu xe sang hoàn toàn không có tùy chọn HUD, đơn cử như Porsche, Tesla hay các dòng xe Audi cũ.
Tuy nhiên, trong năm 2017 một hệ thống HUD do bên thứ 3 phát triển toàn diện hơn, đa dụng hơn đang được nhen nhóm. Mới đây, một trong những tập đoàn ô tô danh tiếng là Renault đã lên tiếng công nhận và bao gồm một hệ thống HUD bên ngoài tới từ Navdy vào trong danh mục tùy chọn của mình trên toàn châu Âu bắt đầu từ năm 2018. Vậy so sánh với các phiên bản HUD trước đó, thế hệ HUD ngoài mới tương tự như của Navdy có gì khác lạ?
Thế hệ HUD mới.
Thế hệ HUD trong thời gian tới bao gồm bộ phận trung tâm kết nối trực tiếp với táp lô xe, hệ thống hiển thị đặt ngay trên kết nối từ và nút điều khiển dạng xoay gắn trên vô lăng. Bộ phận trung tâm sẽ chiếu hình ảnh qua 1 ống kính rộng 6 inch, cao 2 inch (tương tự cơ chế làm việc của HUD Mazda), kết quả thu được là một màn hình HUD khá ổn trên kính lái dù cách lắp đặt và sử dụng vẫn còn đôi chút bất tiện.
Lấy ví dụ từ hệ thống của Navdy, bộ xử lý trung tâm sẽ lấy dữ liệu từ 2 nguồn là smartphone người dùng (qua kết nối Bluetooth) và nền tảng ứng dụng do họ tự phát triển. Ngoài ra, các thông tin do chính xe thu về qua cảm ứng ngoài như tốc độ, nhiệt độ động cơ hay hiệu suất nhiên liệu... cũng sẽ được truyền tải tới bộ xử lý trung tâm thông qua cổng OBD-II – cũng là cổng sạc duy nhất của thiết bị này. Tuy vậy chính điểm này cũng làm HUD hơi mất thẩm mỹ một chút do phải dùng dây nối (đầu OBD-II thường nằm dưới vô lăng hoặc tại hộp cầu chì bên phải vô lăng).
Lắp đặt hoàn chỉnh một hệ thống khá nhanh, mất trung bình 15 phút nhưng giai đoạn làm quen sẽ ngốn của bạn kha khá thời gian. Chế độ mặc định hiển thị tốc độ và số vòng tua máy ở trang chủ với các thông tin "phụ" khác như thời gian, lực quán tính, nhiệt độ động cơ và phương hướng... ở các trang bên, người dùng có thể dùng nút xoay trên vô lăng để chuyển qua lại bất cứ lúc nào. Các cảnh báo về camera giao thông hay khi bạn vượt tốc độ cho phép trên đường được hiển thị đủ ấn tượng nhưng không gây mất tập trung. Trong chế độ GPS, hầu hết màn hình được sử dụng để hiển thị bản đồ. Giao thức điều khiển chủ yếu ở chế độ này là giọng nói, khi đó bạn chỉ cần bấm phím điều khiển ở vô lăng để nói điểm đến hoặc cung đường mình cần đi.
HUD ở chế độ GPS.
Ngoài chức năng cung cấp thông tin, thế hệ HUD mới cũng một phần đảm nhiệm trọng trách giải trí và liên lạc. Email và tin nhắn đến smartphone sẽ được hiển thị trong mục riêng hay thậm chí có thể được chuyển thành dạng file âm thanh nếu người dùng muốn, khi đó hệ thống sẽ tự động "đọc" cho bạn tương tự như các ứng dụng trên điện thoại. Với tính năng này Navdy cũng hỗ trợ cả thao tác điều khiển bằng cử chỉ, chỉ cần một cái phẩy tay nhẹ là tin nhắn sẽ được hiển thị hoặc ẩn đi.
Với nhiều ứng dụng như vậy, không khó hiểu khi phải qua vài tiếng sử dụng đầu tiên người dùng mới có thể quen dần với hệ thống HUD này. Khi đó, trừ phi cần truy cập các hệ thống giải trí trên xe, người dùng có thể toàn tâm toàn ý vào cung đường trước mắt mà không cần phải đảo mắt về táp lô. Nói thêm một chút về vấn đề này, thế hệ HUD mới cũng hứa hẹn sẽ tương thích tốt với cả các ứng dụng giải trí trong thời gian tới chẳng hạn như Spotify.
Với những ưu điểm của mình, có lẽ không quá khi cho rằng màn hình HUD sẽ xuất hiện ngày một rộng rãi trên ô tô, thậm chí trở thành tính năng mặc định khi giá thành sản xuất dần rẻ hơn. Ngay cả khi xe tự lái hoàn thiện ra đời, hệ thống này cũng vẫn sẽ có những ứng dụng riêng cho mình, nhất là ở mảng giải trí.
Theo Autopro