Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp thuế cao hơn cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc nhằm đối phó với các khoản trợ giá mà nước này dùng để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, bất chấp những lo ngại về khả năng Trung Quốc trả đũa.
Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp thuế lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc vào cuối tháng 10 với mức thuế lên đến 45,3% kéo dài trong vòng 5 năm. Biện pháp này đã được phê duyệt và công bố trên tạp chí chính thức của EU vào ngày 29/10 và bắt đầu đi vào hiệu lực từ 30/10/2024.
Trong đó, mức thuế suất cụ thể tùy thuộc vào từng hãng xe. BYD chịu thuế 17%, Geely là 18,8%, trong khi SAIC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc chịu mức cao nhất là 35,3%. Khi cộng thêm thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% của EU, các mức này tăng lên lần lượt thành 27%, 28,8% và 45,3%. Những công ty khác sản xuất xe tại Trung Quốc như Volkswagen và BMW chịu thuế suất 20,7%, còn Tesla là 7,8%.
Ủy ban châu Âu, đơn vị chịu trách nhiệm chính sách thương mại của EU, cho biết các mức thuế bổ sung này nhằm đối phó với việc chính phủ Trung Quốc trợ giá không công bằng cho các hãng xe nội địa, giúp họ có thể bán xe tại châu Âu với giá thấp hơn đối thủ. Theo ước tính, thị phần của các thương hiệu xe Trung Quốc tại EU đã tăng từ dưới 1% vào năm 2019 lên 8% hiện nay, và có thể đạt 15% vào năm 2025, nhờ giá xe rẻ hơn khoảng 20% so với xe sản xuất tại EU.
Ngoài ra, EU lo ngại rằng nếu không áp dụng biện pháp kiểm soát, châu Âu có thể tràn ngập xe điện từ Trung Quốc do Hoa Kỳ và Canada hiện đã áp thuế 100% lên các mẫu xe này. Điều này có thể đe dọa khả năng sản xuất công nghệ xanh của châu Âu và ảnh hưởng đến việc làm trong khu vực.
Tuy nhiên, không phải tất cả thành viên châu Âu đều ủng hộ biện pháp áp thuế này. Đức là nước đi đầu trong việc phản đối, lo ngại rằng nếu Trung Quốc trả đũa, các dòng xe động cơ xăng của các hãng Đức sẽ chịu thiệt hại lớn. Nhiều hãng xe Đức lo ngại Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách tăng thuế hoặc áp dụng các biện pháp khác.
Tất nhiên, Trung Quốc phản đối quy định áp thuế mới này và tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán để đạt một thỏa thuận khả thi. Bộ Thương mại Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên nhằm tránh xung đột thương mại leo thang. Ủy ban châu Âu và Trung Quốc đã có tám vòng đàm phán và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, bao gồm các cam kết giá tối thiểu đối với xe nhập khẩu, dù hiện vẫn còn nhiều khác biệt lớn.
Theo autopro