Thương hiệu xe siêu sang Anh quốc tạo ra khối động cơ mạnh chưa từng có trong lịch sử của hãng, bằng cách cậy nhờ môtơ điện.
Kể từ khi Maybach không còn đủ sức đứng độc lập, thế giới xe siêu sang chỉ còn hai cái tên đều từ Anh quốc, Bentley và Rolls-Royce. Nếu Rolls-Royce luôn được coi có phần già dặn, lễ nghi của một bộ tuxedo phẳng tà, người mặc đung đưa chuẩn chỉ, không sai bước chân trong giai điệu waltz của một bữa tiệc đẳng cấp, thì Bentley lại hiện thân của bộ vest cũng rất đắt đỏ, nhưng người mặc sẵn sàng xắn tay, cởi khuy, xỏ giày thể thao cho một cú chạy nước rút trước lời thách thức của hội bạn trong tiệc rượu. Lối uy nghi của Rolls-Royce và sự trẻ trung, sẵn sàng thay đổi của Bentley và khiến hai thương hiệu này đứng vững trước khách hàng ngày càng khó tính. Ở lần thay đổi gần nhất, Bentley chọn điện hóa.
"Xe điện rất hay, nhưng thành thực mà nói, xe động cơ đốt trong hấp dẫn hơn rất nhiều, nhất là trong đường đua", Darren Purvin, trưởng dự án Bentley Continental & Flying Spur chia sẻ với VnExpress hôm 10/10 tại villa trên đỉnh núi của đường đua Magarigawa Club (Chiba, Nhật Bản).
Qua lớp cửa kính cách âm của villa, ở thung lũng sâu 80 m bên dưới, vẫn nghe rõ tiếng ống xả vang lên trầm đục khi 5 chiếc Continental GT coupe và bản mui trần GTC Speed nối đuôi nhau thoát cua, như một dẫn chứng thuyết phục cho câu trả lời của Purvin. Đây cũng là lý do không nhỏ để Bentley lùi kế hoạch Beyond 100 đưa ra vào năm 2020. Bốn năm trước, hãng muốn giới thiệu 5 mẫu thuần điện từ 2025, nhưng kế hoạch lúc này thay đổi: mẫu BEV đầu tiên vào 2026, ra mắt 2027.
Câu trả lời cho việc nhu cầu thuần điện của người dùng còn thấp là Bentley tạo ra động cơ mạnh nhất trong lịch sử của mình, với công nghệ hybrid. Thay vì 12 xi-lanh của cỗ máy W12 tiền nhiệm, GT Speed giờ đây dùng 8 xi-lanh xếp hình chữ V, tổng dung tích 4 lít, kết hợp hai cuộn turbo tăng áp và một môtơ điện. Đầu ra cho combo này là công suất 771 mã lực, mô-men xoắn cực đại 1.000 Nm. Công suất mạnh hơn 19%, mô-men xoắn hơn 11%, là kết quả của việc áp dụng công nghệ hybrid.
Sức mạnh mà Bentley vun đắp cho GT Speed mới, là để chiếc coupe siêu sang trở thành một chú hổ thực thụ. Hổ mọc thêm cánh. Đôi cánh đã có sẵn trên logo Bentley hơn 100 năm qua. Điều này không chỉ thể hiện trong trương lực cơ bắp, mà còn ngay ở vẻ ngoài táo bạo. Ở thế hệ mới, GT và GTC Speed mang đèn pha tạo hình mắt hổ, đuôi mắt trở thành hai tia đèn ban ngày cắt chéo sắc lẹm. Đôi mắt nếu ở trạng thái nghỉ ngơi rất dễ đánh lừa đối thủ bởi hiền dịu như một chú mèo, nhưng chỉ một tiếng gầm và thay đổi tư thế, nó lại trở thành một vũ khí phóng đi thông điệp hung tợn của chúa sơn lâm. Để hoàn thiện vẻ ngoài của một mãnh thú, bộ chân (la-zăng) của GT Speed cũng được tạo hình theo móng vuốt hổ.
Khi Bentley đã tạo ra một con hổ, thì cần cho nó một khu rừng. Và hãng xe Anh quốc chọn cách thả "hổ" về "rừng" là Magarigawa Club, đường đua tư nhân đầu tiên tại châu Á, nơi chỉ dành cho các thành viên với phí tham dự 36 triệu yen (khoảng 240.000 USD). Nằm gọn trên đỉnh núi, nơi chất lượng không khí đỉnh cao với chỉ số AQI chỉ là 39 (Hà Nội, TP HCM thường xuyên trên 120), Magarigawa là công trình mà một tỷ phú Nhật tạo ra để thỏa mãn đam mê lái xe tốc độ của mình, đồng thời vẫn có chỗ cho vợ và hai con gái thư giãn với spa, hồ bơi vào mỗi cuối tuần.
Với đường đua dài 3,5 km, tới 22 khúc cua và chênh lệch độ cao 80 m từ điểm thấp nhất của đường đua lên điểm cao nhất, Magarigawa là nơi thử thách thực sự với cả những tay đua chuyên nghiệp chứ không chỉ người đam mê xe thông thường. Tất nhiên, nếu so với các đường đua chuyên nghiệp, nơi này không có những khúc cua gắt để "ăn thua". Bởi lẽ, đây là đường đua sinh ra dành cho giới nhà giàu thỏa mãn đam mê lái xe, không phải nơi luyện ra những Lewis Hamilton hay Max Verstappen. Nhưng Magarigawa Club hoàn toàn là một nơi nạp adrenaline liều cao không thể tuyệt vời hơn cho các petro-head.
Sau 15 phút nghe phổ biến quy trình, vào một ngày nắng đẹp, thời tiết 18 độ C, gió nhẹ, thì khó lòng chờ đợi thêm khi những chiếc GT Speed bóng loáng nằm chờ sẵn trên đường pit. Đội trùm đầu, mũ bảo hiểm full-face, chỉnh tư thế thật chuẩn và làm chục nhịp thở bụng để ghìm sự háo hức, đưa cơ thể về trạng thái đề phòng bởi chưa biết điều gì đang chờ đợi phía trước.
"Bentley Mode!". Giọng tay đua chuyên nghiệp dẫn đoàn vang lên trong bộ đàm. Thay vì sử dụng Normal hay Comfort, Bentley tạo ra một chế độ sử dụng hàng ngày và đặt luôn theo tên hãng. Nhích ga để tiến dần ra đường đua, mọi thứ im phăng phắc vì lúc này đang dẫn động điện. Đổ dốc đầu tiên với góc cua trái rộng ở tốc độ 60 km/h nhẹ nhàng kiểu dạo phố, chưa thấy gì lạ lắm, như mọi xe điện khác mà thôi. Bỗng trước mắt là đoạn thẳng dài, nơi được hết ga, hết số trên đường đua.
"Sport Mode!" Hiệu lệnh mà các tay lái đang chờ đợi vang lên.
Xoay núm tròn sang Sport. "Tăng tốc". Sau câu lệnh này, gần như không cần nghe gì nữa, vì mọi thứ là không cần thiết với những thứ trước mắt, dưới chân.
Tì chân đạp mạnh ga, ống xả ùm ùm lên trầm đục. Bốn chân hổ của hệ dẫn động bốn bánh xoay hết cỡ, đẩy thân xe về trước trong giây lát. Tốc độ lên 100 km/h khi vừa thực hiện xong một nhịp thở. Lại cua. Rà phanh giảm tốc, thoát cua. Phía trước là thiên đường. Đoạn thẳng gấp đôi khi nãy.
Nội thất phối màu thể thao. Ảnh: Bentley
Lại đạp hết cữ. Hộp số 8 cấp ly hợp kép gần như không độ trễ, vì vậy khó lòng phát hiện xe đã sang số, giống như cảm giác đang lái một chiếc xe CVT. "Lý thuyết" đưa ra trước đó 5 phút là giới hạn tốc độ 100 km/h ở những đoạn đường thẳng. Nhưng lý thuyết mãi chỉ là lý thuyết. Không chắc chiếc Bentley của tay đua dẫn đoàn đang vút đi với tốc độ bao nhiêu, chỉ biết là cắm đầu đuổi theo, và khi tranh thủ liếc mắt nhìn HUD, con số đã lên gần 200 km/h.
Cơ chế phản vệ trước điều phấn khích khiến nhịp đập và tiếng tim trong lồng ngực dường như được cộng hưởng lên nhiều lần, mà sau đó kiểm tra lại đồng hồ đeo tay mới biết, nhịp tim đỉnh lên mức 125, tức tương đương chạy bộ. Trống ngực nhắc nhở phải cẩn thận với con mãnh thú này, nhưng adrenaline thì đang hừng hực muốn tiếp tục.
Hết đoạn thẳng là các khúc cua trái, phải liên tiếp, gắt gỏng. Giảm tốc về dưới 100 km/h và quăng lái. Sẽ là rất liều lĩnh nếu làm điều này ở đường công cộng hoặc ngay cả đường đua trên những xe phổ thông khác. Tỷ lệ phân bổ trọng lượng 50-50 giữa hai cầu trước-sau cùng khả năng đánh lái bánh sau giúp xe "ăn cua" rất ngọt, và vững như bàn thạch. Giảm chấn khí nén mới loại hai van đóng góp một phần không nhỏ vào điều này. Thế hệ mới của các sản phẩm cùng thuộc Volkswagen như Porsche, Bentley đều đang có bước tiến lớn trong công nghệ của hệ thống treo.
Ngay sau khi thoát đoạn cua lằng nhằng là đặc sản của đường đua trên núi: vừa cua vừa lên dốc. Chỉ sau một nhịp lấy đà, xe phía trước đã khuất sau chân hàng rào an toàn. Thúc ga đuổi theo, đã thấy bạn đồng hành trên đỉnh dốc. Và từ đây là một cú tàu lượn siêu tốc bắt đầu. Chân cứ thế đạp, xe cứ thế lao đi và bầu trời thì cứ thế mở rộng, xanh ngắt. Bởi lẽ lúc này, bên ngoài kính lái chỉ là màu xanh của khí quyển, thêm thắt vào đó những đám mây nhỏ, xe đang lên dốc dựng đứng.
Bên kia đỉnh dốc sẽ là gì? Một cú xuống vực thẳng tắp hay phải đánh lái sang bên nào? Khi vừa nghĩ xong, thì câu trả lời cũng có. Mũi tên nhỏ trên hàng rào báo hiệu cua trái. Sau cú lấy trái, thả dốc tốc độ cao là tiếp tục lấy phải và xuống dốc tiếp. Một bộ phanh tốt kết hợp phân bổ trọng lượng chuẩn chỉ khiến tài xế không phải nhao đầu về trước sau một đú đạp phanh rít bánh.
Hết dốc cũng là lúc một vòng đua 3,5 km vừa hoàn thành, từ trạng thái trống ngực, hơi sợ vì chưa thuộc đường đua, ngay lập tức cảm xúc chuyển sang thái cực ngược lại: chỉ toàn là phấn khích. Sự phấn khích đến từ việc đã nắm rõ bản đồ đường đua, và hiểu rằng chiếc xe siêu sang thể thao 771 sức ngựa không gặp khó khăn gì khi phải chinh phục đường đua này. Ở vòng thứ hai, tốc độ được đẩy lên cao hơn nữa, gắt gỏng hơn nữa, và mọi thứ cũng vẫn trong tầm kiểm soát của chú hổ từ Anh quốc. Bởi vậy, cảm xúc cuối cùng là sự tiếc nuối, khi bộ đàm vang lên "last lap" - vòng cuối.
Thứ cảm xúc mà đường đua 218 triệu USD, những chiếc xe hàng trăm ngàn, thậm chí triệu USD mang lại vào một ngày đẹp trời là câu trả lời cho việc vì sao xe thể thao, tốc độ luôn là thứ mà giới nhà giàu vẫn đổ tiền để hưởng thụ trong lịch sử loài người. Nhất là khi được spa, đằm mình xuống bể bơi sau cả giờ vần vô-lăng những mãnh thú.
Chủ nhân của những chiếc GT Speed tại Việt Nam có thể phải ghen tị với chủ xe tại những nước phát triển, vì có chỗ để chơi. Nhưng dù sao, họ vẫn có thể cầm lái GT Speed hàng ngày trên phố, tất nhiên là không băm bổ như đi đua. Mà ngược lại, có thể đằm thắm, tĩnh lặng, vì GT Speed chạy được 81 km với chế độ thuần điện.
Theo vnexpress