Liệu khách hàng Việt có muốn tìm đến thương hiệu BMW nổi tiếng với cảm giác lái thể thao để chọn mua một chiếc MPV 7 chỗ?
Phân khúc sedan không còn được ưa chuộng như trước. Khách hàng cần đến một dòng xe thực dụng, phục vụ được nhiều hơn nữa nhu cầu sử dụng của họ. Đó là lý do cho sự tăng trưởng vượt bậc của dòng xe SUV, MPV trong vài năm trở lại đây.
BMW 2 Series Gran Tourer.
Đó là cũng là vấn đề của BMW trước khi ra mắt 2 Series Gran Tourer. Lúc ấy, họ cứ mãi quẩn quanh câu hỏi một chiếc xe 7 chỗ có giá bán nằm giữa 3 Series và 5 Series. Câu trả lời SUV cũng đã được đưa ra nhưng không thành hiện thực do vấn đề về kích thước và chi phí. Cuối cùng, BMW mạo hiểm phá vỡ truyền thống và quy luật, đưa ra chiếc MPV hạng sang đầu tiên trên thế giới.
Nói là vậy nhưng dòng xe này chỉ là một chiếc Active Tourer lớn hơn và thêm hàng ghế thứ 3. Cả hai tồn tại dưới dạng biến thể của dòng 2 Series. Qua đó, có thể thấy, 2 Series Gran Tourer chỉ là cách mà BMW mở rộng danh mục sản phẩm, thay vì một sản phẩm chiến lược. Có tổng cộng 6.698 chiếc 2 Series Gran Tourer đến tay khách hàng trên toàn cầu trong 2 tháng đầu năm 2016.
Đến Việt Nam, BMW 2 Series Gran Tourer mở ra khái niệm MPV hạng sang. Kích thước đồng hạng với Toyota Innova, Kia Rondo, Chevrolet Orlando hay Suzuki Ertiga. Nhưng giá bán lại cạnh tranh ở phân khúc MPV cỡ lớn (hay còn gọi là Minivan) như Kia Sedona, Honda Odyssey hay Mercedes-Benz V-Class.
Cách định giá như vậy không quá bất ngờ đối với một thương hiệu hạng sang như BMW, vẫn thường xếp cạnh Mercedes-Benz và Audi. Họ luôn có giá bán cao hơn nhiều so với những đối thủ Nhật và Hàn dù tương đồng kích thước xe. Câu chuyện BMW 2 Series Gran Tourer cũng tương đồng với chiếc Mercedes-Benz V-Class (2,4 tỷ) nếu đem so với Kia Sedona (1,18 tỷ đồng) và Honda Odyssey (1,99 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng Giám Đốc Euro Auto, giá bán 1,5 tỷ đồng của BMW 2 Series Gran Tourer đã được giảm theo ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với động cơ dưới 2.0 lít, áp dụng từ tháng 7 sắp tới. Điều này nhằm kích thích khách hàng mua xe ngay ở thời điểm hiện tại, thay vì đợi đến 3 tháng nữa.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là khi bỏ ra số tiền như vậy, khách hàng nhận được gì từ chiếc MPV hạng sang của BMW? Câu trả lời là sự khác biệt. MPV tại Việt Nam thường dùng trong kinh doanh taxi hoặc đối tượng khách hàng không có nhiều tiềm lực về tài chính. Trong khi đó, người mua MPV cỡ lớn thường muốn tận hưởng hàng ghế sau thay vì cầm lái. Dĩ nhiên, đối tượng khách hàng của 2 phân khúc vẫn là những hộ gia đình.
BMW 2 Series Gran Tourer hướng đến kiểu khách hàng đặc biệt hơn, dồi dào về tài chính. Đòi hỏi một mẫu xe gia đình, có đôi chút sang trọng và mang lại cảm giác lái khi cầm vô-lăng. Vì lý đó mà Tập đoàn BMW dự đoán rằng, chỉ có 60% khách hàng của họ mua 2 Series Gran Tourer đơn thuần vì gia đình.
Về phía Euro Auto, họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào BMW 2 Series Gran Tourer tại thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng Giám Đốc Euro Auto cho biết, mẫu xe này hứa hẹn sẽ đột phá về doanh số và giúp BMW chinh phục phân khúc MPV mà trước đây họ còn bỏ ngỏ.
Ông lý giải thêm: “Không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trong khu vực Đông Nam Á, MPV là phân khúc luôn chiếm 30-50% thị phần của thị trường ôtô du lịch. Phản ánh đúng truyền thống của châu Á, đó là gia đình thường sống 3 thế hệ, ông bà cha mẹ và con cái. Hoặc mỗi khi các hoạt động giải trí như du lịch, picnic thường rủ thêm bạn bè. Qua đó, nhu cầu xe MPV tại nơi đây thường rất cao. 20 năm qua, phân khúc MPV tại thị trường Việt Nam luôn có doanh số rất tốt”.
Nhìn chung, sự xuất hiện chậm trễ của BMW 2 Series Gran Tourer chưa hẳn là “trâu chậm uống nước đục”. Bởi BMW tấn công vào một phân khúc và kiểu khách hàng khác biệt. Nhưng khả năng có màn bứt phá doanh số là không cao. Khách hàng cần thời gian để làm quen với một chiếc MPV 7 chỗ gắn logo BMW. Tuy nhiên, thị trường vẫn là nơi phản ánh rõ ràng nhất sự thành bại của BMW 2 Series Gran Tourer trong tương lai.
Theo Autodaily