Nhiều chủ ô tô bất ngờ khi bị hãng xe từ chối bảo hành vì một số lý do, còn hãng cho rằng những quy định này đều đã được đề cập trong sách hướng dẫn sử dụng
Ông Phạm Viết Dũng (quận 12, TP HCM) mua chiếc Ford Everest không được bao lâu thì xe bị mất garanti dẫn đến bị tắt máy khi xuống ga. Đưa xe đến đại lý của hãng để kiểm tra, ông Dũng bị đổ thừa là "sử dụng chưa quen dòng xe này" và từ chối khắc phục lỗi.
Nhiều quy định làm khó
Dùng dằng cả năm trời, cho đến khi hết hạn bảo hành, đại lý chính hãng mới kiểm tra bộ ly hợp của xe và phát hiện có vấn đề rồi yêu cầu ông Dũng thay mới với chi phí 14 triệu đồng. "Chỉ đến khi thay mới bộ ly hợp thì xe mới hoạt động tốt, không còn tình trạng tắt máy khi xuống ga như trước đó. Nhưng tại sao đại lý không xử lý sớm mà lại kéo dài thời gian như vậy?" - ông Dũng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Hùng (quận Tân Bình, TP HCM) mua chiếc Santa Fe được một thời gian ngắn cũng bị trục trặc động cơ, máy phát ra tiếng kêu lạ. Ông Hùng mang xe đến đại lý chính hãng để kiểm tra và được yêu cầu tháo máy ra nhưng ông không đồng ý. Do còn trong thời hạn bảo hành, ông Hùng yêu cầu đại lý cũng như hãng xe phải thay động cơ mới song không được đáp ứng mà chỉ chấp nhận sửa chữa đúng phần linh kiện hư hỏng.
Sở hữu chiếc Veloz bị phát tiếng kêu lạ, chị Thủy (quận 8, TP HCM) cũng bị đại lý từ chối bảo hành dù còn trong thời hạn vì lý do "linh kiện này không nằm trong danh sách bảo hành của hãng". Nếu muốn khắc phục, chủ xe phải đồng ý thay linh kiện mới và phải chịu toàn bộ chi phí.
Liên quan việc đại lý chính hãng từ chối bảo hành ô tô dù chưa hết hạn bảo hành, nhiều đại lý giải thích phần lớn trường hợp bị từ chối đều hỏng hóc ở phần gầm xe. Khi gầm xe bị va quệt sẽ tác động và gây hư hỏng đối với các chi tiết phía dưới như thước lái, mô tơ điện, trục láp... Ngoài ra, có chủ xe gắn thêm phụ kiện liên quan hệ thống điện, có dấu hiệu sửa chữa ở garage bên ngoài không phải là đại lý chính hãng. "Những trường hợp vi phạm quy định bảo hành của từng hãng đều sẽ bị từ chối bảo hành. Nhiều chủ xe không đọc kỹ quy định nên không nắm được, dẫn đến có thắc mắc hoặc bức xúc" - đại diện một đại lý chính hãng cho biết.
Nhiều chủ ô tô bị đại lý chính hãng từ chối bảo hành mà không biết các điều kiện bảo hành này đã được hãng xe thông báo từ khi ký hợp đồng mua xe
Chủ xe cần chú ý gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết hãng xe bắt buộc khách hàng sử dụng nhiên liệu, dầu bôi trơn đúng quy định của nhà sản xuất, không được gắn thêm bất kỳ linh kiện, phụ kiện nào vào xe và phải bảo dưỡng đúng định kỳ. Ngoài ra, khi xe xảy ra sự cố, chủ phương tiện phải mang xe đến đúng đại lý chính hãng để sửa chữa, không được tùy tiện sửa ở bên ngoài. Nếu không tuân thủ những quy định này, chủ xe sẽ bị từ chối bảo hành.
Bên cạnh đó, hãng ô tô còn đưa ra hàng loạt điều kiện ràng buộc chủ xe để được bảo hành. Chẳng hạn, không được bảo hành nếu sử dụng xe sai mục đích; cẩu thả, thiếu chăm sóc và cất giữ xe không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; sử dụng phụ tùng không chính hãng; bề mặt sơn, bề mặt mạ, bọc đệm hoặc các phụ tùng như lõi lọc, má phanh, bugi, lá côn, cầu chì... hao mòn theo thời gian sử dụng.
Đáng chú ý, không ít hãng xe có chế độ bảo hành đối với thị trường Việt Nam khắt khe hơn với các nước khác. Chẳng hạn, có hãng xe chấp nhận bảo hành màu sơn trên thân vỏ, các chi tiết bị gỉ sét, thậm chí bảo hành động cơ, hộp số... lên đến 10 năm. Bên cạnh đó, gầm xe cũng được nhiều hãng bảo hành trong 2 năm. Trong khi đó, cũng hãng xe này từ chối bảo hành ở Việt Nam bởi muốn đẩy phần khó cho khách hàng và thu lợi nhiều hơn.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng lưu ý chủ xe nếu muốn độ, chế các linh kiện thì phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, an toàn thì mới được hãng chấp nhận bảo hành. Một số trường hợp độ cho động cơ mạnh hơn, hệ thống nhúng cứng hơn cũng sẽ được nhà sản xuất chấp nhận bảo hành với điều kiện chủ xe cung cấp bản vẽ để đại lý, hãng xe xác nhận. Ngoài ra, một số hãng xe có quy định sẵn về việc không nhận bảo hành trong trường hợp động cơ bị hư hỏng ở những bộ phận quan trọng như pít tông, tay dên... mà buộc chủ xe phải thanh toán chi phí sửa chữa, thay linh kiện.
Tăng số năm bảo hành nhưng giữ nguyên số km
Trước đây, các hãng xe trong nước thường bảo hành cho thời gian 1 năm sử dụng hoặc 100.000 km, tùy điều kiện nào đến trước. Tuy nhiên, gần đây do cạnh tranh nên các hãng tăng số năm bảo hành lên 2-3 năm, thậm chí 5 năm, song số km sử dụng lại được giữ nguyên hoặc tăng nhẹ đến 150.000 km. Đơn cử, các hãng xe lớn như Toyota, Honda, Ford... tăng thời gian bảo hành lên 3 năm nhưng giữ nguyên 100.000 km. Với việc tăng thời hạn bảo hành nhưng giữ nguyên số km bảo hành, người sử dụng xe thực chất vẫn không được tăng quyền lợi bảo hành.