Từ những tháng giữa năm nay, thị trường Ô tô tại Việt bắt đầu có những biến động lớn và ngày càng khó lượng do tâm lý chờ "thuế nhập khẩu về 0%" của người tiêu dùng.
Những dòng xe đã nhập khẩu về nước, các mẫu xe chưa kịp về nước đến các xe lắp ráp trong nước đều chịu tác động của lần biến động thị trường này.
Giá xe trong nước biến động khó lường
Từ giữa năm 2017, giá xe trong nước liên tục biến động và gây "sốc" cho thị trường. Đây là lần đầu tiên, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến những đợt giảm giá với mật độ lớn như vậy, hầu hết các hãng xe trong nước đều áp dụng chính sách giảm giá. Mức giảm từ vài chục triệu thậm chí đến hàng trăm triệu đồng.
Đáng chú ý nhất gần đây là hãng xe Nhật Bản Toyota đã đưa ra mức giá điều chỉnh cho hàng loạt mẫu xe CKD. Theo đó, hầu hết các xe trong danh mục xe CKD của hãng đều được điều chỉnh giảm giá, không ngoại trừ mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam là Vios.
Bất ngờ hơn, hãng xe của Đức Volkswagen cũng tham gia vào cuộc đua giảm giá này và còn "chơi lớn" khi không đưa ra chương trình khuyến mại như các hãng xe khác mà giảm trực tiếp vào giá niêm yết của xe, trong vòng 5 tháng kể từ đầu tháng 6, mẫu xe Touareg được giảm giá niêm yết với mức giảm lên đến 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, ông lớn Thaco lại đi "ngược dòng", tăng giá cho hàng loạt các mẫu xe Mazda như Mazda CX-5, Mazda3, Mazda BT-05... với mức tăng từ 10 - 20 triệu đồng.
Đường về nước của xe nhập khẩu ngày càng hẹp
Ngay tại thời điểm này, Nghị định 116/2017/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2017. Nội dung của Nghị định quy định chặt chẽ điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô của các đơn vị sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Trong đó, nổi bật là quy định về việc kiểm định từng lô xe về nước.
Sau nghị định, hàng loạt xe mới đã bị trì hoãn ra mắt như Toyota Wigo hay Toyota Fortuner phiên bản mới. Các nhà nhập khẩu đã bắt đầu lên tiếng về những tác động của Nghị định 116 đến doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam) cũng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ vào ngày 25/10, cho biết hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi quy định mới.
Doanh số bán xe sụt giảm
Theo thường lệ, thời điểm cuối năm là thời điểm thị trường Ô tô trong nước "khởi sắc" nhất do nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bối cảnh năm này lại hoàn toàn ngược lại, càng về cuối năm, doanh số bán hàng của các hãng càng "ảm đạm".
Trong 4 tháng trở lại đây, theo con số thống kê từ VAMA cho thấy, doanh số bán của các hãng có luôn cầm chừng và có dấu hiệu đi xuống. Tính từ đầu năm đến nay, doanh số đã giảm 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù các chính sách khuyến mại, giảm giá liên tục được đưa ra để kích cầu.
Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, số lượng xe du lịch và xe thương mại bán ra đều giảm 7% so với tháng 8. Xét riêng xe CBU,có khoảng 5.000 xe được đưa về nướcvào tháng 9, đạt giá trị kim ngạch 132 triệu USD, như vậy con số này giảm mạnh cả lượng và giá trị so với tháng 8 (8.000 chiếc, giá trị 188 triệu USD).
Nguyên nhân dẫn đến những biến động kể trên phần lớn là do tâm lý chời đợi thời điểm thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, về cuối năm hàng loạt các mẫu xe mới được giới thiệu và hứa hẹn chính thức phân phối và năm 2018 cũng khiến nhiều người quyết tâm chờ đợi.
Thị trường có thể khởi sắc hơn vào năm 2018
Bước sang năm 2018, khi hàng rào thuế nhập khẩu được gỡ bỏ, thị trường ô to Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Nắm bắt được điều đó, hiện tại các hãng xe đã bắt đầu đưa ra hãng loạt các mẫu xe chiến lược tại các triển lãm như VMS hay VIMS để thăm dò phản ứng của khách hàng. Nhiều mẫu xe thuộc nhiều dòng đã được các hãng hé lộ, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh sôi nổi vào năm sau.
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô