Trung tâm đăng kiểm vẫn hoạt động bình thường trong thời gian giãn cách xã hội nhưng chủ xe khó "thông chốt" kiếm soát dịch trên đường. Có nơi cho rằng đây là hoạt động không thiết yếu.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này khiến nhiều địa phương, thành phố lớn tập trung thực hiện giãn cách xã hội, số lượng ô tô quá hạn đăng kiểm tăng vọt. Nhiều chủ xe nhận được thông báo đăng kiểm nhưng bị kẹt tại chốt kiểm soát trên đường.
Địa phương siết chặt Chỉ thị 16, ô tô đi đăng kiểm khó thông...chốt
Chiếc ô tô của anh V.T (sống tại Mê Linh, Hà Nội) đã quá hạn kiểm định 2 tuần. Do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên anh T vẫn chưa đi đăng kiểm. Thế nhưng, do vợ bầu bí, phải đi thăm khám thai định kỳ, anh buộc phải sử dụng xe bình thường.
Đăng kiểm ô tô mùa giãn cách: Kẻ đỏ dễ dàng thông chốt, người đen quay xe về thẳng.
"Vài hôm trước đưa vợ đi khám thai, qua chốt huyện Mê Linh, xe tôi được cho qua. Người kiểm tra không quên nhắc nhở xe đã hết hạn đăng kiểm. Thấy vậy, hôm sau tôi quyết định mang xe đi đăng kiểm. Tại chốt Mê Linh, tôi được thông chốt sau khi trình bày lý do nhưng đến chốt huyện Đông Anh thì phải quay xe về vì cán bộ không đồng ý với lý do trên".
Trước khi đi, anh cẩn thận điện thoại hỏi bên đăng kiểm và được biết trung tâm vẫn hoạt động bình thường trong thời gian này. Anh lưu lại tin nhắn bên đăng kiểm đề phòng qua điểm chốt chặn sẽ trình bày, nhưng vẫn bị chốt lập luận là việc chưa thiết yếu.
Không riêng gì anh T, trong các hội nhóm ô tô, rất nhiều người lo lắng, muốn sớm đăng kiểm để yên tâm mỗi khi ra đường giải quyết việc đột xuất. Theo ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, trung tâm vẫn hoạt động bình thường 6 ngày/tuần, chỉ nghỉ ngày lễ, chủ nhật.
Trung bình mỗi tháng trung tâm này thực hiện đăng kiểm cho hơn 3.000 xe nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng xe đến đăng kiểm giảm còn 1/4 so với ngày thường. Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm cho thấy, tính đến giữa tháng 8, Hà Nội có hơn 17.400 xe; TP.HCM có 29.000 xe; Bình Dương có 3.600 xe con, 2.700 xe tải - đầu kéo… đến hạn đăng kiểm. Một con số "tồn" lớn nhất tới nay.
Tính đến giữa tháng 8, Hà Nội có hơn 17.400 xe đến hạn đăng kiểm.
"Cũng trong những ngày qua, rất nhiều người điện thoại đến trung tâm hỏi xe đã hết hạn đăng kiểm trong thời gian giãn cách, đi đường có bị phạt lỗi này không? Chúng tôi không phải cơ quan chức năng phụ trách mục này nên không biết trả lời ra sao cho thỏa đáng", ông Hải chia sẻ thêm.
Nên đăng kiểm sớm hay chờ kết thúc giãn cách?
Thực tế, có rất nhiều chủ xe hoàn thành đăng kiểm ngay trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều địa phương tăng cường siết chặt thực hiện Chỉ thị 16, không phải ai đưa xe đi đăng kiểm cũng "thuận buồm, xuôi gió".
Ở thời điểm hiện tại, không phải ai đưa xe đi đăng kiểm cũng "thuận buồm, xuôi gió".
Ghi nhận của phóng viên tin tức pháp luật, hiện tại cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn xử lý những trường hợp xe quá hạn kiểm định trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Ngày 13/8, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông; Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông không xử phạt hành chính đối với xe ô tô quá hạn đăng kiểm tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT chia sẻ với báo chí truyền thông sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an và làm việc với đại diện Bộ GTVT để đưa ra giải pháp khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, xe hết hạn đăng kiểm chỉ được linh động tạo điều kiện đến trung tâm đăng kiểm, nếu tham gia giao thông vào mục đích khác vẫn xử lý theo quy định.
Do đó, nếu chưa thực sự cần dùng đến ô tô, người dân nên chờ hết giãn cách hãy đưa xe đi đăng kiểm.
Theo oto