Suzuki Swift là mẫu xe có doanh số thấp nhất phân khúc, đồng thời rơi top xe "ế" nhất tháng 2/2021 và đây cũng là cục diện chung của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ có 11 chiếc Suzuki Swift đến tay khách hàng trong tháng 2/2021, cộng gộp hai tháng đầu năm nay là 107 xe. Với kết quả này, Swift bị đưa vào vị trí số 7 trong số 10 mẫu xe bán "ế" nhất tháng qua.
Nhìn lại cả năm 2020, doanh số mẫu hatchback cỡ B của Suzuki là 648 xe. Trong khi đối thủ Toyota Yaris là 1.569 chiếc hay Mazda2 bản hatchback đạt 692 xe. Riêng Honda Jazz rút khỏi thị trường từ giữa năm ngoái khi có kết quả kinh doanh ở mức thấp.
Như vậy ngoài đại diện của Toyota, các mẫu hatchback cỡ B khác tại Việt Nam đều bị "thất sủng". Thậm chí, doanh số không đạt đủ dung lượng để lắp ráp khiến tất cả các hãng chỉ nhập khẩu. Sân chơi càng trở nên thu hẹp khi Honda Jazz ngừng bán, Ford Fiesta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Suzuki Swift có giá 499 triệu đồng cho bản GL và 549 triệu đồng cho bản GLX. Thiết kế là chi tiết gây tranh cãi khi mẫu xe này được nhận xét có nhiều nét giống với dòng Mini. Trong khi đó, nội thất và trang bị trên Swift chỉ ở mức đủ dùng, có phần cục mịch hơn do xe giữ nguyên "option" từ năm 2018.
Một chiếc xe tầm 500 triệu như Suzuki Swift GL nhưng chỉ được trang bị điều hòa cơ, đèn halogen, không có gập gương tự động, vô-lăng urethane với một vài nút bấm. Ngay cả bản GLX đắt hơn 50 triệu nhưng vẫn dùng ghế nỉ, hệ thống an toàn với hai túi khí phía trước, trong khi Yaris là 6 túi khí.
Động cơ trên Swift là loại 1,2 lít, công suất 83 mã lực ở vòng tua máy 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 113 Nm tại 4.200 vòng/phút, kết hợp cùng hộp số vô cấp CVT. Cỗ máy này có ưu điểm là tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại chỉ ngang các xe cỡ A như Morning, Grand i10... thậm chí thua máy 1,4 lít trên VinFast Fadil. Ngược lại, đối thủ Yaris hay Mazda2 hatchback dùng động cơ 1,5 lít.
Bản thân thương hiệu ô tô Suzuki cũng chưa có độ phủ cao đối với khách hàng Việt, cộng đồng người sử dụng xe tương đối bó hẹp. Đó là chưa kể đến việc các đối thủ mạnh tay áp dụng các chương trình ưu đãi thì Swift gần như không có động thái gì.
Việc hệ thống đại lý, bảo dưỡng thưa thớt, chỉ tập trung ở một vài khu vực trung tâm cũng khiến người quan tâm tới Suzuki Swift phải e dè. Mức phí dịch vụ và linh kiện không đồng nhất giữa các đơn vị là một lý do khác khiến khách hàng phải cân nhắc.
Ô tô Suzuki ảm đạm tại Việt Nam
Trong khi các hãng khác bán kém ở riêng phân khúc hatchback cỡ B thì Suzuki ở mọi phân khúc mà hãng tham gia đều xếp trong nhóm cuối. Tháng vừa qua, Ciaz chỉ đạt doanh số 158 xe, chỉ bằng khoảng 1/6 so với Accent. Hay nếu tính cả năm thì lượng xe sedan cỡ B của Suzuki chưa bằng một tháng bán hàng của Vios.
Celerio trước sức ép của VinFast Fadil, Hyundai Grand i10… đã phải rút khỏi Việt Nam từ giữa năm ngoái, kết thúc năm 2020 chỉ vỏn vẹn 201 chiếc. Ertiga với giá bán rẻ nhất phân khúc MPV 7 chỗ tại Việt Nam nhưng yếu tố ấy không đủ thuyết phục khách hàng.
XL7 thì khá hơn một chút nhưng chỉ là so với các xe khác của Suzuki chứ nếu đặt lên bàn cân với Xpander thì chỉ bằng 1/4 doanh số tính, trong năm 2020. Khoảng cách này càng nới rộng thêm trong hai tháng đầu năm nay khi doanh số XL7 thường trồi sụt.
Theo ý kiến của một số khách hàng, khi chọn xe Suzuki họ thường phải đắn đo rất nhiều trước chính sách bán hàng và hệ thống đại lý hạn chế so với các thương hiệu khác. Mặc dù hãng cho biết đã tăng nguồn dự trữ linh kiện nhưng người dùng vẫn e dè khi trước đó xe cần sửa chữa vẫn phải chờ lâu, đặc biệt với những xe không may gặp tai nạn nghiêm trọng phải thay thế nhiều.
Theo Dantri