Hao hụt xe nhập khẩu khiến Toyota đi xuống. Lợi thế lắp ráp sẽ giúp Mazda đi lên. Đồ thị doanh số của hai thương hiệu Nhật rất có thể giao nhau trong thời gian tới.
Báo cáo VAMA cho thấy, doanh số của Toyota Việt Nam thường gấp đôi đối thủ đồng hương. Tổng kết cả năm gần nhất là lượng bán 59.355 xe của Toyota và 38.023 xe của Mazda trong cả năm 2017.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, hai tháng đầu năm đang chứng kiến khoảng cách bị thu hẹp đáng kể. Trong tháng 1, Mazda bán được 5.040 xe, trong khi lượng xe Toyota tiêu thụ chỉ nhỉnh hơn khoảng 90 chiếc. Bước sang tháng 2, cả hai thương hiệu Nhật đều tụt giảm lượng tiêu thụ theo xu thế chung của thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách không còn gấp đôi như giai đoạn trước đây.
Sự bám đuổi doanh số của Mazda so với Toyota trong 2 tháng đầu năm 2018. Số liệu: VAMA. Đồ hoạ: Đức Khôi.
Nguyên nhân chính là bởi Toyota Việt Nam (TMV) chưa nhập được xe về. Giấy chứng nhận kiểu loại những mẫu xe phổ thông như Fortuner (doanh số trung bình hơn 1.200 xe/tháng), Yaris (doanh số trung bình 300 xe/tháng) hay Hilux (doanh số trung bình 100 xe/tháng) vẫn chưa có. Nguồn hàng tồn 2017 cạn kiệt khiến khách có nhu cầu mua xe thời điểm này không thể mua được, ngay cả khi bỏ thêm cả trăm triệu đồng mua phụ kiện tại các đại lý.
"Trong toàn tháng 2, với sự xuất hiện của Nghị định 116, hầu hết các hãng xe tại Việt Nam gặp khó khăn và không thể nhập khẩu ô tô về nước. Trong đó, doanh số các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc và phân phối bởi TMV cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đạt tổng cộng 14 xe," bà Hoàng Thị Như Quỳnh, Phó Trưởng ban Truyền thông & Trách nhiệm xã hội, Khối Hoạch định Chiến lược của TMV, cho biết.
TMV chỉ bán được 3 xe Fortuner trong tháng 2. Từ một mẫu xe gặt hái cả lợi nhuận và thành công cho TMV, liên tục đứng top xe bán chạy nhất cả nước, Toyota Fortuner trở nên cạn nguồn hàng. Yaris và Hilux không có một chiếc nào sót lại. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn tới doanh số bán hàng của liên doanh Nhật Bản tại Việt Nam.
Không thể nhập xe về, Toyota gặp khó trong việc thúc đẩy doanh số bởi mất đi nhiều mẫu xe chủ lực.
Trong giai đoạn 2-3 tháng tới, doanh số của Toyota Việt Nam sẽ chính thức không có sự đóng góp của xe nhập khẩu vì ngay cả khi có được giấy chứng nhận kiểu loại, các xe nhập về sẽ còn trải qua khâu kiểm định như trường hợp của Honda Việt Nam với lô 2.000 xe đang nằm cảng.
Anh T, nhân viên kinh doanh đại lý Toyota tại Bình Thuân, chia sẻ: "Sắp tới sẽ về thêm Fortuner máy dầu số tự động. Thời gian dự kiến chưa có, nhưng theo ước tính về đại lý sớm cũng phải cuối tháng 6, đầu tháng 7."
Doanh số của Toyota vì thế đứng trước sự tăng trưởng âm.
Trong khi đó, Mazda sẽ có lợi thế hơn về nguồn cung khi toàn bộ sản phẩm đều lắp ráp trong nước. Ngay trong tháng 3 này, nhà máy Mazda lớn nhất Đông Nam Á dự kiến khánh thành tại Chu Lai. Công suất lên tới 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm) sẽ là cơ sở để nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời kéo doanh số đi lên ngay trong tương lai gần.
Khoảng thời gian ít nhất 3 tháng mà Toyota chưa thể nhập xe về là cơ hội để Mazda vươn lên, giành vị trí bán chạy nhất Việt Nam, hoặc chí ít cũng có doanh số gần tương đương lượng xe Toyota bán ra. Chỗ đứng của Toyota hiện nay phụ thuộc phần lớn vào 3 mẫu xe lắp ráp, gồm Camry (xếp trên Mazda6), Corolla Altis (xếp dưới Mazda3) và Vios (xếp trên Mazda2).
Theo Trí Thức Trẻ