Những thập kỉ gần đây với nhiều sự biến động và theo đó là các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khiến mối quan hệ giữa các tập đoàn xe lớn trở nên khá phức tạp. Một hãng lớn sở hữu một vài hoặc nhiều thương hiệu con mà các thương hiệu con đó cũng nổi tiếng không kém.
Bảng tóm tắt mối quan hệ giữa các hãng xe
Trước hết là các tập đoàn xe hơi ở Châu Á như: Toyota, Huynhdai, Honda,...
1. Toyota Motor Company: Tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất Thế giới năm 2012, với sản lượng năm đó khoảng 10,1 triệu xe. Theo thống kê thì Toyota có khoảng 333.500 nhân viên trên khắp Thế giới năm 2013 (1/3 triệu người), và nếu tính riêng tháng 1/2014 thì họ là tập đoàn có doanh thu lớn thứ 13 toàn cầu. Giá trị thị trường của Toyota đang đứng đầu Nhật Bản, gần gấp 2 SoftBank ở vị trí thứ 2).
Toyota đang sở hữu nhiều thương hiệu xe khác nhau là Lexus, Scion, Daihatsu, Hino Motors và Isuzu. Trong đó Lexus được họ thành lập năm 1989 để kinh doanh xe hơi hạng sang ở Mỹ. Lexus đang là hiệu xe sang của Nhật bán chạy nhất Thế giới hiện nay.
Toyota không nói rõ Lexus nghĩa là gì, họ chỉ đặt một cái tên đơn giản cho khách hàng dễ nhớ. Tuy vậy có giả thiết cho rằng Lexus nghĩa là Luxury Exports to US (LExUS - Xe sang xuất cho nước Mỹ). Hiện có 4 nhà máy sản xuất xe Lexus đặt ở Nhật, ở các nơi là Tahama, Kyushu, Araco và Motomachi. Mãi đến năm 2003, Toyota mới bắt đầu lập nhà máy Lexus ở Mỹ tại Cambridge, Ontario để sản xuất xe cho nước này, nhằm giảm bớt chi phí phát sinh do xuất khẩu từ Nhật qua Mỹ. Bước đi này được nhiều người đánh giá là đột phá vì sau gần 15 năm, Toyota mới bắt đầu "tin tưởng" rằng ở Mỹ có thể sản xuất được xe Lexus đạt tiêu chuẩn.
Danh tiếng của Lexus không chỉ nổi như cồn ở Mỹ mà còn vương ra khắp các châu lục khác. Lexus êm tới nỗi người ta có thể đặt 1 ly nước lên mũi xe và chạy bình thường mà ly nước không hề bị rớt một giọt nào hết. Lúc ra mắt dòng sedan LS 400 ở Mỹ, Lexus đã phát một clip quảng cáo trên tivi rằng họ xếp một tháp ly rượu lên mũi xe, nổ máy và chạy với tốc độ 230km/giờ thì chồng ly vẫn an toàn, không có cái nào rớt bể.
2. Honda được thành lập bởi Takeo Fujisawa và Soichiro Honda vào ngày 24/9/1948 ở Hamamatsu, Nhật Bản. Honda không chỉ kinh doanh xe hơi mà còn rất nổi tiếng với xe máy và mô tô, do đó đây là công ty sản xuất động cơ đốt trong lớn nhất Thế giới, với sản lượng hơn 14 triệu chiếc/năm.
Acura là thương hiệu xe sang mà Honda thành lập năm 1986 để kinh doanh ở Bắc Mỹ. Thời điểm đó, Acura trở thành hiệu xe sang đầu tiên của Nhật Bản kinh doanh ở nước ngoài, và nó liên tục bán chạy nhất ở Mỹ trong những năm cuối 1980. Gần đây thì Acura mới chính thức được giới thiệu cho thị trường Nhật Bản, với văn phòng đặt ở Minato, Tokyo.
3. Renault: Hãng xe hơi Pháp thành lập ngày 25/2/1899 bởi 3 anh em Louis Renault, Mercel Renault và Fernand Renault. Tập đoàn này hiện nay đang kinh doanh ở khoảng 118 quốc gia/vùng lãnh thổ trên Thế giới. Năm 2013 Renault xuất xưởng khoảng 2,7 triệu xe hơi, đạt doanh thu gần 41 tỉ Euro.
Renault hiện đang nắm lượng cổ phần khống chế ở hãng xe hơi Nhật là Nissan, với hơn 43% cổ phiếu. Trong khi đó Nissan lại có thương hiệu xe sang là Infiniti, thành lập năm 1989. Như vậy có thể coi như là Renault đang sở hữu Nissan và Infiniti. Doanh số của Infiniti không được cao như mong đợi, trong năm 2013 hãng này chỉ bán được gần 130.000 xe ở 3 thị trường lớn là Mỹ, Canada và EU.
4. Hyundai: Tập đoàn này được thành lập năm 1947, tuy nhiên Hyundai Motor hoạt động ở lĩnh vực xe hơi ra đời 20 năm sau đó, ngày 29/12/1967. Hyundai là hãng xe hơi lớn thứ 4 Thế giới và lớn nhất Hàn Quốc hiện nay, với sản lượng năm 2012 đạt hơn 7,1 triệu xe.
Năm 1998, sau nhiều biến động của thị trường tài chính châu Á, Hyundai đã mua lại hãng xe KIA và duy trì hoạt động độc lập cho tới ngày nay. Năm 2012, Hyundai bán được hơn 4,4 triệu xe hơi trên toàn Thế giới, cộng thêm của KIA nữa là khoảng 7,12 triệu xe. Hyundai đang là một trong những hãng sản xuất linh kiện xe hơi lớn nhất hành tinh hiện nay.
5. Volvo: Tiền thân là một công ty công nghiệp nặng ra đời năm 1915, đến ngày 14/4/1927 thì mảng sản xuất xe hơi của hãng này mới ra đời và hoạt động cho tới ngày nay. Hãng Volvo có trụ sở ở Gothenburg, Thụy Điển.
Tháng 8/2010, hãng xe hơi Trung Quốc là Zhejiang Geely tuyên bố hoàn tất thỏa thuận mua lại Volvo từ tay Ford, với giá trị tổng cộng 1,5 tỉ USD, trước đó Ford từng ra giá 1,8 tỉ USD cho thương hiệu Volvo.
6. Tata Motors (Ấn Độ): Một thương hiệu rất xa lạ ở Việt Nam, tuy nhiên họ lại sở hữu 2 hãng xe hạng sang nổi tiếng là Jaguar và Land Rover.
Jaguar Cars (một loài báo đốm Mỹ) được thành lập năm 1922, ban đầu tên là Swallow Sidecar Company, một công ty chuyên sản xuất Sidecar (xe mô tô thùng). Còn Land Rover được thành lập năm 1948 ở Anh.
Năm 1989 Ford mua lại hãng Jaguar và năm 2000 mua lại Land Rover từ BMW. Đến năm 2002 họ nhập 2 công ty lại thành Jaguar Land Rover như ngày nay. Và năm 2008 thì Ford bán tập đoàn Jaguar Land Rover cho Tata Motors (Ấn Độ).
Tiếp đến là các tập đoàn xe hơi ở châu Âu và Mỹ.
7. BMW: Hãng xe Đức này được Franz Josef Popp sáng lập ngày 7/3/1916 ở Milbertshofen-Am Hart, hiện đang sở hữu 2 thương hiệu xe hơi khác của Anh đó là Mini và Rolls Royce.
Mini từng một thời là dòng xe nhỏ gọn, giá rẻ của hãng British Motor Corp (Anh), là một trong những thương hiệu xe hơi từng được xem là biểu tượng của xứ sở sương mù những năm 1960. Đến khoảng 1980-1990 thì BMW đã mua lại Mini và duy trì kinh doanh cho tới ngày nay.
Với Rolls Royce, hãng xe siêu sang của Anh được thành lập ngày 15/3/1906 bởi Charles Stewart Rolls và Sir Frederick Royce, họ của 2 người này được ghép thành tên của công ty và duy trì cho tới ngày nay. Rolls Royce là một công ty đa quốc gia, hoạt động ở các lĩnh vực như sản xuất xe hơi siêu sang, động cơ máy bay, động cơ xe đua F1, động cơ xe hơi...
8. Volkswagen Group (viết tắt VW, từ này đọc là Folks va:ɡən, vì trong tiếng Đức vần V đọc là vần F). Vào khoảng năm 1933, Quốc trưởng Đức quốc xã thời đó là Adolf Hitler đã yêu cầu Ferdinand Porsche (người sáng lập ra hãng xe siêu sang Porsche ngày nay) hãy thiết kế một dòng xe hơi ít hao nhiên liệu, bền, hiệu quả và rẻ hơn, dành cho nhân dân Đức.
Ngày 22/6/1934, Porsche trình mẫu cho Hilter một chiếc xe hình con bọ của thời đó (tiền thân của Beetle ngày nay), Quốc trưởng rất vui mừng và đặc tên cho chiếc xe là Volkswagen, nghĩa là "chiếc xe của mọi người").
Sau này, VW được Chính phủ Đức thành lập ngày 28/5/1937. Qua nhiều sự kiện đổi tên, tách rời, sáp nhập thì ngày 4/7/1985, VW đổi tên thành Volkswagen AG như ngày nay.
Volkswagen AG hiện nay là tập đoàn xe hơi lớn nhất của Đức và sở hữu nhiều hãng xe sang khác, bao gồm Audi (Đức), Lamborghini (Ý), Bentley (Anh), Bugatti (Pháp), SEAT (Tây Ban Nha), Skoda (CH Séc), Volkswagen (Đức), Porsche (Đức) và có cổ phần lớn ở các hãng khác như: mảng xe máy của Suzuki với 24%, Scania (Thụy Điển, 49%), MAN (Đức, 56%).
Mặc dù sở hữu nhiều hãng xe sang trọng bậc nhất Thế giới, nhưng VW nổi tiếng với các dòng xe hơi phổ thông, kinh tế và hiệu quả, giống như tiêu chí vốn có của nó từ khi thành lập cho tới nay.
Audi, một trong những công ty con lớn nhất của VW hiện nay là "German big 3", tức 1 trong 3 hãng xe hơi lớn nhất ở Đức, cùng với Mercedes-Benz và BMW. Audi được thành lập ngày 29/6/1932 bởi August Horch. Năm 1964, VW mua 50% cổ phần của Audi và dần dần mở rộng quyền kiểm soát công ty, hiện nay họ sở hữu toàn bộ tài sản của Audi với 99,55% cổ phần.
Lamborghini (Ý, thành lập 30/10/1963), thương hiệu siêu xe thể thao được mọi người mơ ước cũng là công ty con của VW. Năm 1998, VW mua lại "Bò tót Ý" và đặt công ty này dưới quyền kiểm soát của Audi. Hãng xe mô tô Ducati thuộc Lamborghini, do đó đây cũng là tài sản của VW nói chung.
9. General Motors Company (GM): Hãng xe Mỹ được 3 người là William C. Durant, Charles Stewart Mott và Frederic L. Smith sáng lập ngày 16/9/1908. GM trước đây có tên là General Motors Corporation, năm 2009 tập đoàn này nộp đơn xin phá sản, Chính phủ Mỹ lúc đó đã ra tay cứu công ty này, và đổi tên nó thành GM như ngày nay.
GM hiện đang sở hữu nhiều thương hiệu xe sang của Mỹ là Buick, Cadillac, Chevrolet và GMC. Ngoài ra GM còn có cổ phần lớn ở Daewoo (Hàn Quốc), Opel và Vauxhall ở EU và Holden ở Úc.
10. Daimler AG: Tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất xe hơi của Đức, được thành lập vào năm 1926 với tên gọi là Daimler-Benz. Tới năm 1998 thì họ đổi tên thành Daimler AG như ngày nay. Tập đoàn này sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz và Smart.
Daimler hiện nay nổi tiếng với thương hiệu xe Mercedes-Benz, còn trong quá khứ, thời Thế chiến II thì hãng này kiêm luôn sản xuất khí tài quân sự cho Đức quốc xã như xe tăng, máy bay, tàu ngầm, vũ khí... Ngoài ra Daimler nói chung hay Mercedes-Benz nói riêng còn có một thương hiệu xe siêu sang là Maybach, tuy nhiên công ty con này đã bị khai tử cuối năm 2012 do doanh số quá thấp.
11. Ford Motor Company: Hãng xe hơi của Mỹ được sáng lập bởi Henry Ford ngày 16/6/1903. Hãng này đang sở hữu thương hiệu xe Lincoln và đang có một lượng cổ phiếu của hãng xe Nhật là Mazda.
Lincoln là một công ty con của Ford từ năm 1922, họ chuyên sản xuất và kinh doanh xe hơi hạng sang, trong đó có dòng xe Limosines (Limo, một dạng xe saloon có kích thước dài).
12. Fiat: Hãng xe này được Giovanni Agnelli thành lập ngày 11/7/1899 ở thành phố Turin của nước Ý. Tập đoàn này đang sở hữu những thương hiệu như Ferrari, Alfa Romeo, Chrysler, Dodge, Jeep, Lancia, Maserati và Ram.
Vào cuối tháng 1/2014 vừa qua, Fiat tuyên bố đã hoàn tất mua 41% cổ phần còn lại của hãng xe hơi lớn thứ 3 của Mỹ là Chrysler (thành lập năm 1925), với giá 4,35 tỉ USD. Thương vụ này biến Fiat thành hãng xe hơi lớn thứ 7 Thế giới hiện nay.
Có một thông tin thú vị nữa đó là Fiat đã mua lại nhiều hãng xe hơi nổi tiếng khác của nước Ý từ rất sớm, ví dụ mua lại Ferrari và Lancia năm 1969. Năm 1986 họ tiếp tục mua Alfa Romeo từ chính phủ. Hiện nay Fiat là hãng xe lớn nhất ở Ý.
Tổng hợp tinhte, baodautu