Đổi cách định vị, bỏ qua đối thủ Toyota Fortuner, Ford Everest thế hệ mới liệu có làm nên chuyện tại Việt Nam khi hướng tới mức giá cao hơn phiên bản cũ vài trăm triệu đồng?
Thay đổi thiết kế, nâng cấp công nghệ, Ford Everest là cái tên gây được nhiều chú ý trong khu vực Đông Nam Á từ nhiều tháng trở lại đây. Tuy nhiên, không chỉ nâng đời sản phẩm, Ford còn thay cách định vị sản phẩm cho Everest khi bỏ qua đối thủ quen thuộc Toyota Fortuner và nhắm tới phân khúc cao hơn.
Tại Việt Nam, dù chưa chính thức ra mắt nhưng mức giá dự kiến của dòng xe này đã rò rỉ quanh mức hơn 1 tỷ đồng, cao hơn phiên bản trước tới hàng trăm triệu đồng.
Việc đổi sân chơi, tăng giá mạnh liệu có gây khó cho mẫu xe này và những thay đổi trên phiên bản mới có thực sự đáng đồng tiền bát gạo?
Trải nghiệm thực tế trong 3 ngày ở vùng núi Chiang Rai, Thái Lan ít nhiều mang tới cho chúng tôi một cái nhìn mang tính tổng quan đầu tiên về mẫu xe khá được kỳ vọng này.
Với những người đã thử sức Everest phiên bản trước, sẽ rất khó để tìm thấy nét xưa cũ trên mẫu xe này. Nếu phiên bản trước mang tới ấn tượng về một mẫu xe có phần đơn giản với đầu nhỏ, thân thuôn dài thì Ford Everest mới sở hữu thiết kế ít nhiều "phức tạp" nhưng trẻ trung hơn.
Đầu xe có nhiều nét giống với mẫu bán tải Ranger mới được đưa về Việt Nam với cụm đèn pha, lưới tản nhiệt và nắp capo kết thành một khối liền mạch và vững chãi.
Thiết kế hệ đèn khá gọn gàng với khả năng chiếu sáng tương đối tốt. Thân xe ngắn hơn phiên bản trước và việc sở hữu những đường gân bo tròn cũng góp phần tạo cảm giác bề thế hơn cho xe.
Về mặt kích thước, Everest mới ngắn nhưng cao và rộng hơn. Chiều dài cơ sở cũng giảm 10mm so với trước. Thay đổi này giúp xe trở thành một khối liền mạch hơn hơn và có thể giảm nguy cơ bị lật ở tốc độ cao, một trong những nhược điểm của Everest đời trước.
Dù giảm chiều dài tổng thể lẫn chiều dài cơ sở nhưng nội thất xe vẫn mang lại cảm giác khá rộng rãi nhờ việc tăng bề ngang và chiều cao khoang xe. Tuy nhiên, không gian hàng ghế thứ 3 có phần hẹp hơn trước.
Nhắm tới đối tượng khách hàng gia đình nên cabin xe được trang bị tới hơn 30 ngăn chứa đồ lớn nhỏ quanh xe cùng các ổ cắm điện đa năng và ghế ngồi có thể điều chỉnh linh hoạt - gồm hàng ghế thứ 2 có thể gập phẳng và hàng ghế thứ 3 có điều khiển điện.
Giống như các mẫu xe khác trong gia đình, cabin là nơi Ford "đổ tiền" đầu tư nhiều nhất với hàng loạt công nghệ mới. Những người ưa thích các mẫu SUV mạnh mẽ và đơn giản hoặc từng gắn bó với Everest bản trước chắc chắn sẽ "mệt đầu" trước danh sách dài những tính năng và công nghệ trên phiên bản mới này.
Bên cạnh hệ thống kết SYNC thế hệ thứ 2 vốn đã khá quen thuộc với tính năng điều khiển giọng nói hay kết nối với các thiết bị di động hay màn hình cảm ứng 8 inch đi kèm dàn 10 loa tích hợp loa siêu trầm, Everest còn khiến chúng tôi phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu hàng loạt công nghệ hỗ trợ lái lần đầu có mặt trên một mẫu SUV tương tự.
Có thể kể đến là công nghệ hỗ trợ giữ làn với khả năng cảnh báo khi xe liên tục lệch làn. Hệ thống này sẽ báo trên màn hình hiển thị và chủ động tương tác nhẹ vào vô-lăng để quay lại làn và sẽ rung vô lăng cũng như ghìm động cơ nếu xe vẫn tiếp tục lệch làn nhiều hơn.
Đây là một tính năng hữu ích trong việc cảnh báo người lái khi buồn ngủ hoặc mất tập trung dẫn tới việc lấn làn gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, với điều kiện đường xá còn chưa tốt, tính năng này không phải lúc nào cũng có điều kiện phát huy tác dụng.
Công nghệ đáng chú ý thứ 2 trên mẫu xe này là Adaptive cruice control – tính năng ga tự động kiểm soát tốc độ theo khoảng cách. Đây là một tính năng tiên tiến cho phép xe đưa ra cảnh báo và tự giảm tốc độ khi xe tiến gần chướng ngại vật. Tuy nhiên, với mật độ giao thông đông đúc như Hà Nội hay TP HCM, người lái sẽ ít nhiều nhức đầu vì liên tục bị cảnh báo.
Everest mới còn được trang bị hệ thống kiểm soát an toàn ổn định điện tử và chống lật cùng hệ thống đỗ xe tự động vào chuồng.
Trong điều kiện thử xe khá lý tưởng khi có cảnh sát dẫn đoàn, mật độ giao thông vừa phải và địa hình đường đồi núi, chúng tôi có cơ hội để trải nghiệm hầu hết các tính năng an toàn trên xe.
Thử nghiệm thực tế với bản Everest Titanium 4 x 2 dẫn động cầu sau, sử dụng động cơ 4 xi-lanh Duratorq TCDi 2.2L, đi kèm hộp số tự động 6 cấp với SelectShift cho thấy với công suất tối 161 mã lực và mô-men xoắn 385 Nm, khả năng gia tốc xe chưa được như kỳ vọng nhưng vận hành khá ổn định, đầm chắc trên đường đồi núi.
Phiên bản máy dầu Duratorq TDCi 3.2L khoẻ hơn hẳn với công suất 147 kW và mômen xoắn 470 Nm. Với phiên bản này, chúng tôi có cảm giác phân khích hơn hẳn trong mỗi lần bứt tốc hay ôm cua.
Trên đường thử off-road riêng biệt, hệ thống dẫn động 4 bánh thông minh, hệ chuyển đổi mômen xoắn chủ động, hệ thống kiểm soát địa hình có cơ hội phát huy khả năng giúp chúng tôi vượt qua các địa hình dốc, trơn trượt một cách dễ dàng. Khoảng sáng gầm xe lớn 225mm và khả năng lội nước 800mm cũng là những ưu điểm giúp xe ghi điểm trong các bài thử khó.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại diện Ford Việt Nam cho biết 3 phiên bản Everest tại Việt Nam sẽ có đủ các trang bị như bản quốc tế và dự kiến tới tay khách hàng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, định vị xe sẽ có sự thay đổi khi giá xe dự kiến tăng mạnh. Việc điều chỉnh giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số của mẫu xe này tại Việt Nam và khiến nhiều khách hàng phải đắn đo khi nhắm tới Everest mới.
Thông số kỹ thuật Ford Everest 2015:
Chiều dài: 4.893 mm
Chiều rộng: 1.862 mm
Chiều cao: 1.836 mm
Chiều dài cơ sở: 2.850 mm
Dung tích động cơ: 2.2 lít
Động cơ: I4 2.2L High Power - Gen 3.5
Công suất: 160 mã lực/3.200 vòng/phút
Mô-men xoắn: 385 Nm/1.600 - 2.500 vòng/phút
Hộp số: tự động, 6 cấp
Hệ dẫn động: 4x2 hoặc 4x4
Thông số lốp: 265/65/R17
Chùm ảnh chi tiết Ford Everest mới:
Theo Laodong