+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Người đàn ông chặn ô tô biển xanh ở Hà Nội: 2 vấn đề cần làm rõ

Cập nhật: 20:56 22/12/2023
Ô tô biển xanh có đang được ưu tiên hay không thì đợi làm rõ, nhưng hành động cố tình chặn đầu ô tô biển xanh là sai vì đó là việc của CSGT.
 
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại chiếc ô tô biển xanh đang phát tín hiệu ưu tiên (đèn nháy, còi hụ) đi ngược chiều đường Chu Văn An, quận Ba Đình (TP Hà Nội).
 
 
Clip gây tranh cãi trên mạng xã hội.
 
Một người đàn ông đi xe máy không nhượng bộ đã chặn đầu xe biển xanh này, đồng thời dùng điện thoại quay lại, yêu cầu xe biển xanh lùi lại, đi đúng chiều đường.
 
Clip gây nhiều tranh cãi sau khi được đăng tải lên mạng xã hội.
 
Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho hay Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, xe biển xanh được xác định là loại xe ô tô, gắn máy thông thường được gắn biển xanh để thực hiện như loại xe chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Xe biển xanh gắn biển số có nền màu xanh; chữ, số trên biển có màu trắng.
 
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và đoàn xe tang được quyền ưu tiên đi trước.
 
Trừ đoàn xe tang, những xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
 
Từ những căn cứ trên, có thể thấy xe biển xanh chỉ được ưu tiên và được quyền đi ngược chiều nếu đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm đang đi làm nhiệm vụ, có tín hiệu còi, đèn ưu tiên và có cờ ưu tiên theo quy định. Không phải tất cả các loại xe biển xanh đều được ưu tiên mà chỉ khi những xe đó đang thực hiện nhiệm vụ, phát tín hiệu xe ưu tiên thì mới được quyền ưu tiên.
 
"Không phải lúc nào các xe biển xanh cũng được hưởng các quyền lợi ưu tiên khi tham gia giao thông. Xe biển xanh chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ và đang bật các tín hiệu ưu tiên như còi, cờ, đèn theo quy định. Nếu đang không thực hiện nhiệm vụ, phương tiện không được hưởng các quyền ưu tiên, trong đó bao gồm đi ngược chiều" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nhấn mạnh.
 
Trường hợp chặn đầu xe biển xanh trên mạng xã hội, có 2 vấn đề cơ quan chức năng nên làm rõ là xe ô tô có thực sự đang đi làm nhiệm vụ hay không và phương tiện này đã trang bị đầy đủ đèn, còi, cờ, bật đầy đủ tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật hay chưa.
 
Trường hợp xe biển xanh đang không đi làm nhiệm vụ và không trang bị đầy đủ thiết bị phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật, việc di chuyển vào làn đường ngược chiều là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.
 
Còn hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019. Cụ thể, đối với ô tô, người vi phạm có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng còn với xe máy, mức phạt là phạt tiền 600.000 đến 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
 
Trường hợp cản trở xe ưu tiên, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như gây ra thiệt hại về người và tài sản thì người cản đường xe ưu tiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
 
Xe biển số xanh có đang làm nhiệm vụ và được ưu tiên theo đúng quy định hay không thì đợi lực lượng chức năng làm rõ, nhưng hành động cố tình chặn đầu phương tiện khác trên đường là sai vì đó là việc của CSGT.
 
Người đàn ông điều khiển xe máy trong tình huống này sai hoàn toàn. Vì tất cả các hành vi vi phạm Luật Giao thông đều phải do cơ quan chức năng xử lý, người dân không được phép tự ý can thiệp, lại càng không có quyền thay CSGT bắt họ phải quay ngược lại.
 
Trong trường hợp này người dân chỉ được phép quay video gửi cho cơ quan chức năng xác minh xem đúng chiếc xe này có đi làm nhiệm vụ hay không và tuyệt đối không nên có hành động tự phong mình là người đại diện cho pháp luật, có quyền điều khiển người khác.
 
"Cần xử lý nghiêm người đàn ông đi xe máy nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu cho xã hội. Sau này sẽ có người khác thấy xe cứu hoả, cứu thương, hay xe công an đi bắt tội phạm cũng đòi chặn lại kiểm tra thì sao?" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nêu ý kiến.
 
Theo autopro
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng