Trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trị giá 2,25 nghìn tỷ USD, các thương hiệu Nhật Bản có thể mất vị thế dẫn đầu.
Khán giả đến với giải đua Nascar Cup Series hồi tháng 11 năm ngoái đã có dịp tranh luận về tương lai ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, sau khi chiếc máy bay tài trợ bởi nhóm phi lợi nhuận Public Citizen bay ngang qua Đường đua Phoenix kèm biểu ngữ: “Muốn phấn khích? Hãy lái xe điện. Muốn nhàm chán? Hãy lái Toyota!”.
Sự kiện này diễn ra sau khi một bức thư ngỏ được gửi tới Akio Toyoda - Giám đốc điều hành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, với nội dung “không đồng tình với công cuộc triển khai xe điện chậm chạp”, theo SCMP.
“Không nhà sản xuất ô tô nào có thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với xe điện. Tuy nhiên, Toyota thậm chí còn không cố gắng đáp ứng nhu cầu đó. Họ cần nhanh chóng chuyển sang xe điện hoặc chấp nhận bị lỗi thời”, bức thư viết.
Thông điệp này phản ánh mối bận tâm trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trị giá 2,25 nghìn tỷ USD - nơi Toyota và các thương hiệu Nhật Bản có nguy cơ mất vị thế do không bắt nhịp cùng công cuộc điện khí hóa, thậm chí còn tụt lại phía sau.
Giải đua Nascar Cup Series hồi tháng 11 năm ngoái
Theo Bloomberg Intelligence, Tesla hiện là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới xét về lượng xe bán ra, theo sau là BYD của Trung Quốc và Volkswagen AG của Đức. Trong khi đó, không một nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nào lọt vào top 20.
“Nó đang trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp nhưng cho đến nay, người Nhật lại đang bỏ lỡ điều đó”, Colin McKerracher, chuyên gia phân tích của Bloomberg NEF cho biết.
Trước đây, các thương hiệu ô tô lớn tại Nhật Bản rất được lòng người tiêu dùng, đồng thời chiếm hơn 30% doanh số bán ô tô mới tại Mỹ và thống trị một loạt các thị trường từ Đông Nam Á đến Châu Phi.
Chính vì vậy, sự vắng mặt của những thương hiệu này trong phân khúc EV đặc biệt gây quan ngại, nhất là khi họ đã bắt đầu ra mắt thị trường sớm các dòng xe thân thiện với môi trường. Toyota Prius, chiếc hybrid được bày bán cách đây một phần tư thế kỷ, là ví dụ điển hình.
Mẫu crossover SUV chạy điện Toyota bZ4X được ra mắt vào năm 2022.
Đáng buồn, sự nhiệt tình đối với các mẫu xe điện đời đầu nhanh chóng phai nhạt do doanh số bán hàng ảm đạm. Tin chắc rằng cuộc cách mạng pin sẽ chỉ diễn ra từ từ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản quyết định tập trung vào xe lai hybrid - thứ công nghệ mà họ cho là có tiềm năng.
Vào tháng 9, Giám đốc điều hành Toyoda cho biết các phương tiện chạy bằng pin “sẽ mất nhiều thời gian hơn những gì giới truyền thông muốn dẫn dắt dư luận”. Công ty cũng khẳng định sẽ không giới hạn sự tập trung vào mỗi ô tô điện bởi “thật khó để khiến mọi người hài lòng với chỉ một lựa chọn”.
Dẫu vậy, ngay cả khi giá xăng tăng cao, còn các ưu đãi của chính phủ thúc đẩy nhu cầu đối với xe điện, người tiêu dùng vẫn không thực sự bị thu hút bởi các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản. Xe của họ đôi khi còn gặp lỗi kỹ thuật và phải tạm dừng bán.
“Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cần phải bắt kịp”, Masato Inoue, cựu Giám đốc điều hành Nissan hiện đang giảng dạy tại Istituto Europeo di Design ở Turin, Italy, cho biết. “Có thể mọi thứ đã quá muộn”.
“Nissan đã đánh mất lợi thế của người đi đầu. Có thể các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp đối thủ, trong đó nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc. Thông báo đầu tư cho điện khí hóa bây giờ là quá ít và quá muộn”, cựu Chủ tịch Nissan nói.
Theo SCMP, các chuyên gia đang vô cùng quan ngại, rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể đang lặp lại sai lầm trong quá khứ của ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tiêu dùng. Những công ty này từng thống trị thế giới nhờ chip bộ nhớ của NEC và Walkman của Sony, song cuối cùng cũng phải lép vế trước sự đột phá của Apple. “Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có vẻ như đã bị bỏ lại phía sau và không có khả năng vươn lên dẫn đầu”, Shingo Ide, Giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại Viện Nghiên cứu NLI của Bảo hiểm Nhân thọ Nippon, nhận định.
Thực tế này, đến chính Akio Toyoda cũng phải thừa nhận. Vị lãnh đạo này mới đây đã quyết định trao chìa khóa cho một tân Giám đốc điều hành mới Koji Sato - người mà ông cho là có thể có những ý tưởng mới mẻ.
“Khi nói đến số hóa, điện khí hóa và kết nối, cá nhân tôi cảm thấy mình thuộc thế hệ cũ,” ông Toyoda, 66 tuổi, nói. “Đối với tôi, lùi lại một bước là điều quan trọng”.
Quyết định chuyển đổi diễn ra tại một thời điểm mang tính bước ngoặt, không chỉ với riêng ngành công nghiệp xe hơi mà còn tác động lên quá trình xanh hóa toàn cầu. Một số công ty, nhà đầu tư và chính phủ đang thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, với lập luận rằng người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng sẽ bắt kịp cuộc cách mạng lớn. Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp xe hơi, Toyoda lại nằm trong số ít những người ủng hộ việc chuyển đổi chậm và thận trọng.
Dẫn chứng cho quan điểm này, đại diện Toyota còn thực hiện một thí nghiệm ước tính lượng khí thải điển hình trong vòng đời 100 phương tiện không sử dụng điện. Theo đó, sử dụng toàn bộ nguồn cung cấp pin để điện khí hóa hoàn toàn 1 chiếc ô tô giúp giảm 1% tỷ lệ phát thải, trong khi thay thế 90 chiếc ô tô bằng xe hybrid sử dụng pin 1,1 kWh cho tỷ lệ cắt giảm tới 18%.
“Chúng ta có thể tranh luận về lượng khí thải carbon trung bình mà tôi đã giả định. Kết quả không thay đổi đáng kể, bởi yếu tố chi phối nằm ở số lượng các phương tiện được thay thế với cùng một lượng pin. Đây là cách giải thích cơ bản cho lối tiếp cận đa dạng của Toyota”, đại diện hãng cho biết.
Trước đó, trong ngày ra mắt phiên bản Prius thế hệ mới nhất của Toyota, hãng này khẳng định xe hybrid (loại ô tô sử dụng song song động cơ đốt trong và động cơ điện) sẽ vẫn là một lựa chọn khả thi để Toyota đạt các mục tiêu trung hòa carbon. Thông điệp 18 năm về trước cũng được lặp lại như một cách để Toyota lấy lại niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng: “Đã lâu rồi kể từ khi mạng lưới giao thông vận tải thực sự phát triển, chúng tôi vẫn luôn chuyển động không ngừng…”.
Theo autopro