Ôtô tải hạng nhỏ, xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở dưới 950 kg được coi là xe con, trong khi quy định cũ là dưới 1,5 tấn.
Bộ GTVT mới ban hành quy chuẩn 41/2019 về báo hiệu đường bộ, trong đó sửa đổi quy định về cách định nghĩa xe con và xe tải so với quy chuẩn đang áp dụng là 41/2016. Định nghĩa mới sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.
Quy chuẩn mới viết, xe bán tải (xe pick-up), xe tải van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con. Trong khi đó, cũng những mẫu xe này nhưng nếu khối lượng chuyên chở từ 950 kg trở lên được gọi là xe tải.
Ở quy chuẩn cũ, cùng là xe bán tải, tải van nhưng có khối lượng hàng chuyên chở dưới 1.500 kg được coi là xe con. Sự khác biệt giữa hai định nghĩa nằm ở khối lượng hàng chuyên chở (số kg hàng mà xe có thể chở) thay đổi từ 1.500 kg về 950 kg.
Điều này có nghĩa, nếu một chiếc Ford Ranger có khối lượng chuyên chở 951 kg sẽ không còn được coi là xe con khi lưu thông như hiện tại. Quy định này thắt chặt hơn giới hạn kỹ thuật của dòng xe pick-up.
Khối lượng chuyên chở hàng cho phép khi tham gia giao thông 991 kg trên một mẫu Ford Ranger XLS đời 2013. Từ 1/7, xe này không còn được coi là xe con. Ảnh: Đức Công
Ví dụ, một mẫu Ford Ranger XLS đời 2013 có khối lượng chuyên chở cho phép khi tham gia giao thông là 991 kg, nhưng ở đời 2015, 2016, con số lần lượt là 957 kg, 827 kg. Như vậy với cùng một mẫu xe, cùng dòng xe nhưng khác đời sản xuất, khái niệm xe con lại thay đổi theo quy chuẩn 41:2019. Ba đời xe Ranger XLS nhưng chỉ bản sản xuất năm 2016 mới được coi là xe con từ 1/7 tới.
Những mẫu xe tải có khối lượng chuyên chở 1,5 tấn như Hyundai Porter H150, Veam Star, Tera 100 chỉ còn hơn ba tháng để lưu hành như một mẫu xe con trên đường.
Việc thay đổi khái niệm xe con, xe tải từ 1/7 buộc tài xế và chủ xe phải tuân thủ tốc độ, làn đường và giờ hoạt động tại các trung tâm thành phố. Nếu không, tài xế bị xử phạt hành chính nếu vi phạm.
Tuy vậy, định nghĩa này không làm khó xe bán tải phổ thông. Bởi lẽ, hiện nay hầu hết các mẫu xe như Ranger, BT-50, Hilux, Triton... đều có khối lượng chuyên chở dưới 950 kg, thậm chí chỉ khoảng 600-800 kg. Quy định mới nhắm tới xe tải nhỏ nhiều hơn, những dòng xe vốn được sử dụng khá phổ biến trong thành phố. Khi thay đổi cách hiểu, các xe đồng nghĩa sẽ phải thay đổi cách sử dụng hàng ngày, ví dụ bị kiểm soát thời gian ra vào thành phố, ra vào các tuyến đường...
Giấy chứng nhận kiểm định ghi khối lượng chuyên chở cho phép 897 kg trên một mẫu Mazda BT50. Xe này vẫn được xem là xe con khi tham gia giao thông từ 1/7/2020. Ảnh: Đức Trong
Theo VnExpress