Honda CR-V, Mazda CX-5 tạo nên cuộc chiến căng thẳng phân khúc C, Fortuner lấn át SUV cỡ D.
Thị trường ôtô Việt 2017 sắp khép lại với điểm nhấn chính là nhiều cuộc đại hạ giá và toan tính cho cục diện 2018 giữa kế hoạch nhập khẩu, lắp ráp của các hãng.
Những mẫu xe mới ra mắt là bước chạy đà quan trọng cho cuộc chiến hậu 2017, thời điểm sức mua kỳ vọng tăng trưởng trở lại sau một năm phần nào sụt giảm về doanh số.
Honda CR-V, Mazda CX-5
Không nhiều bất ngờ khi Honda CR-V và Mazda CX-5 vẫn là hai cái tên nổi bật nhất ở phân khúc xe gia đình giá một tỷ. Giảm giá để tăng doanh số, đẩy hàng tồn cho đến 2017, chọn thời điểm ra mắt sát nhau theo kiểu "kẻ gọi người trả lời", hai mẫu xe Nhật tạo nên cuộc đua tranh hấp dẫn của thị trường ôtô Việt.
Honda CR-V mới trong bài chạy thử dành cho truyền thông tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Kể từ 2018, CR-V chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu để tận dụng lợi thế về thuế. Tuy nhiên, chính sách nhập khẩu siết chặt, lợi thế nghiêng về xe lắp ráp là bài toán khó cho hãng xe Nhật trong mục tiêu thúc đẩy doanh số CR-V.
Cách định giá bản cao nhất gần 1,1 tỷ, tức cao hơn đối thủ 100 triệu khiến những toan tính chiến lược đối với sản phẩm này của Honda có thể chưa lập tức thay đổi cục diện hiện tại trước CX-5. Thiết kế, động cơ và hộp số mới, kết cấu bảy chỗ là những điểm sáng thu hút khách hàng ở CR-V khi so sánh đối thủ đồng hương.
Mazda CX-5 thế hệ mới tại nhà máy của Trường Hài. Ảnh: Đắc Thành.
Nhờ hậu thuẫn về giá của Trường Hải kèm thiết kế hợp mắt người Việt, CX-5 sở hữu nhiều lợi thế với phần còn lại vào 2018, thời điểm tưởng chừng xe nhập chiếm ưu thế trước xe lắp ráp.
CX-5 thế hệ mới giá 859-989 triệu đồng tạo nên một sức ép vô hình lên CR-V, mẫu xe vẫn chưa có giá bán cụ thể cho các phiên bản. Mazda CX-5 cung cấp hai tùy chọn động cơ 2.0 và 2.5 kèm hộp số tự động 6 cấp, trong khi sản phẩm của Honda chỉ với động cơ tăng áp 1.5 và hộp số CVT.
Toyota Fortuner, Chevrolet Trailblazer, Ssangyong Rexton
Sự chờ đợi của người tiêu dùng với Fortuner thế hệ mới trong 2017 tương tự với Innova, mẫu MPV chủ lực của Toyota tại Việt Nam ra mắt giữa 2016.
Fortuner thế hệ mới ra mắt tại sự kiện họp báo ở TP HCM. Ảnh: Đức Quang.
Bỏ qua những chỉ trích về cảm giác lái nhàm chán, Fortuner mới thay đổi thiết kế, thêm trang bị vẫn là sức hút lớn trong phân khúc. Ford Everest, Hyundai Santa Fe, Mitsubishi Pajero Sport tốt nhưng chưa đủ. Ở thị trường mà thói quen mua sắm và nặng giá trị bán lại, thiết kế mới chưa hẳn chiếm ưu thế. Với mẫu xe của Toyota, bám đuổi doanh số vẫn là bài toán khó cho các đối thủ, chưa kể đến mục tiêu vượt mặt.
Mazda3
Nếu Toyota Vios khẳng định ưu thế tuyệt đối ở bảng xếp hạng các mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam, Mazda3 làm điều tương tự ở riêng phân khúc sedan hạng C.
Mazda3 2017 trong sự kiện ra mắt tại Hà Nội. Ảnh: Đức Huy.
Phiên bản lắp ráp Mazda3 ra mắt hồi tháng 5/2017. Cân đối trong thiết kế và các trang bị, thêm hẫu thuận về giá từ Trường Hải, mẫu xe Nhật trở thành cái tên khó bị đánh bại xét về lượng tiêu thụ. Phía sau là những Altis, Civic, Cerato, Focus, Cruze vẫn ở thế bám đuổi.
Mazda3 2017 cung cấp hai lựa chọn động cơ 1.5 và 2.0 kèm mức giá từ 690 triệu đồng.
Hyundai Grand i10, Hyundai Tucson
Tập trung cho kế hoạch lắp ráp và tiến tới xuất khẩu, Hyundai Thành Công dồn lực cho những mẫu xe chiến lược như Grand i10 và Tucson. Không thuộc VAMA kèm số liệu bán hàng cụ thể, nhưng không thể phủ nhận sức hút của cả hai trong cuộc đối đầu với các đối thủ Nhật.
Bản lắp ráp mẫu xe đô thị cỡ nhỏ Hyundai Grand i10 ra mắt hồi tháng 7/2017. Ảnh: Đức Huy.
Grand i10 mới ra mắt thị trường hồi tháng 7/2017 với thiết kế mới, giá từ 340 triệu đồng. Mục tiêu kinh doanh hướng đến phân khúc xe giá rẻ, chạy dịch vụ đang nở rộ tại Việt Nam. Chiến lược giá có thể là công cụ chính để sản phẩm Hyundai và đối thủ Kia Morning tiếp tục tạo ưu thế, trước khi những tân binh như Toyota Wigo, Suzuki Celerio gia nhập thị trường vào 2018.
Tucson hiện chưa thể là đối trọng thật sự của cả CX-5 lẫn CR-V bởi sức mạnh thương hiệu và độ tin cậy của hai mẫu xe Nhật được khẳng định không chỉ tại Việt Nam.
Tucson bản lắp ráp tại Việt Nam. Ảnh: Hyundai.
Phiên bản lắp ráp giá từ 815 triệu với ngoại hình nuột nà và chịu ảnh hưởng lớn từ đàn anh Santa Fe. Tucson đúng kiểu định vị xe Hàn tại Việt Nam, không ồn ào nhưng lấy không ít khách của đối thủ bởi kiểu dáng hiện đại, hướng đến người trẻ phóng khoáng.
Xe sang dồn lực cho SUV
Kém sôi động hơn về sự chờ đón như các mẫu xe phổ thông, thị trường xe sang 2017 chủ yếu mang đến sự mới mẻ ở phân khúc SUV. Porsche Cayenne, Audi Q5, Range Rover Velar, Jaguar F-Pace, Mercedes GLE 63, Volvo XC60 là những cái tên hâm nóng thị trường.
Range Rover Velar, một trong những SUV hạng sang được chờ đón nhất tại Việt Nam 2017. Ảnh: Đức Huy.
Với việc siết chặt điều kiện nhập khẩu ôtô từ 2018, các đơn vị kinh doanh nhập khẩu chính hãng tuy không bị đẩy vào thế chân tường như nhiều công ty tư nhân, nhưng cũng lo ngại về giá có thể tăng, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Theo VnExpress