Cách đây hai năm, tưởng chừng như Accent có thể vượt Vios tại phân khúc sôi động này, nhưng kết thúc 2020, Vios bỏ xa các đối thủ.
Phân khúc nhộn nhịp nhất thị trường với tổng doanh số đạt 73.354 chiếc so với 394.836 chiếc được bán ra trong năm 2020, chiếm 18,5% tổng dung lượng thị trường. Điều này có được bởi đây là phân khúc phù hợp với nhu cầu sử dụng và tài chính của nhiều khách hàng.
Với 30.251 xe bán ra, Vios chiếm 41% thị phần phân khúc sedan cỡ B, vẫn là mẫu xe được nhiều khách hàng lựa chọn, cả gia đình và dịch vụ với giá và trang bị phù hợp. Vios phiên bản mới có mức giá 470-540 triệu đồng, hợp lý hơn nhiều so với mức 600 triệu cho bản G cao cấp nhất trước đây.
Trang bị trên Vios cũng được cải thiện đáng kể với cảm biến lùi trước, sau, camera lùi, ga tự động, điều hòa tự động, đèn projector halogen. Đi kèm với trang bị tốt, Vios là mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, bền bỉ. Mức ưu đãi 50% trước bạ cho xe lắp ráp trong nước càng khiến chiếc sedan cỡ B bán chạy, hơn cả sự tính toán của hãng.
Vios vẫn chưa đủ thời trang để thuyết phục khách hàng trẻ như kiểu Accent hay cảm giác lái cũng khá nhạt nhòa, không thú vị như City, nhưng việc mọi thứ ở mức độ vừa phải lại là câu trả lời để chinh phục số đông khách hàng nhất có thể.
Mẫu xe Vios tại đại lý. Ảnh: Toyota Mỹ Đình
Ngay dưới Vios là Accent, mẫu xe từng tạo ra cơn sốt khi ra mắt vào năm 2016 với nhiều trang bị, kiểu dáng trẻ trung và nhiều trang bị. Chiếc xe nhà Hyundai tưởng chừng đã tạo nên cơn sốt trong năm 2017-2018 khi có thể bám sát và có thể vượt qua Vios nhưng tới nay Accent đang bị chậm lại và bị Vios bỏ khá xa với khoảng cách gần 10.000 xe.
Soluto và Attrage cùng nằm ở phân khúc B nhưng kích thước ngắn, hẹp hơn đôi chút, có thể coi là B-. Giá xe vì thế cũng dễ tiếp cận hơn, chỉ nhỉnh hơn cỡ A một chút. Hai mẫu xe cũng là sự lựa chọn hợp lý cho các khách hàng không đủ tài chính để mua B nhưng muốn một mẫu xe rộng hơn cỡ A, tất nhiên động cơ sẽ yếu hơn.
Doanh số của cả hai mẫu xe đều khá ấn tượng khi nằm ở mức hơn 8.000 xe của Soluto và hơn 4.000 xe của Attrage. Nếu như tại thời điểm ra mắt hai mẫu xe có doanh số bám sát nhau thì tới nay, việc chủ động nguồn cung trong nước giúp Soluto đến tay khách hàng nhiều hơn, trong khi Attrage nhập Thái Lan nên thường xuyên phải chờ đợi, đơn hàng chờ lên tới cả nghìn chiếc.
City có vẻ ngoài mạnh mẽ, trang bị tốt kèm cảm giác lái hay trong phân khúc nhưng giá cao, đi kèm kiểu dáng hơi nam tính khiến tập khách hàng và doanh số của City không quá tốt. Cuối năm 2020 hãng xe Nhật Bản cũng đã giới thiệu bản mới của City với việc tăng trang bị và giữ nguyên giá bán và đặc biệt là mở rộng giải sản phẩm với việc thêm một phiên bản giá rẻ 529 triệu đồng, mục tiêu của City trong 2021 gia tăng cạnh tranh với thủ.
Mazda2 là mẫu xe có nhiều biến thể, bao gồm cả sedan, hatchback, đồng thời dải phiên bản cũng khá rộng. Vấn đề của mẫu xe Nhật gặp phải đó là không gian hẹp, độ ồn lớn và giá cũng không quá hợp lý so với đối thủ. Đi kèm nhiều trang bị hiện đại như HUD, cảnh báo an toàn chủ động là những trang bị không quá cần thiết với một mẫu xe thực dụng cỡ B.
Sunny bảo thủ, lười thay đổi nhiều năm nay. Không gian rộng, nhưng kiểu dáng già nua và trang bị nghèo nàn khiến Sunny đã gần như bị lãng quên. Người dùng kỳ vọng bản 2021 sẽ là một cú hích cho Sunny trên thị trường khi phiên bản mới sẽ dùng động cơ Turbo và một vẻ ngoài lột xác.
Ciaz có nhiều yếu tố để trở thành một hiện tượng trong phân khúc xe cỡ B, khi thời điểm ra mắt Ciaz có nhiều ưu điểm như rộng, thiết kế trẻ và trang bị vừa đủ. Nhưng thương hiệu Suzuki yếu, hệ thống đại lý nghèo nàn và phụ tùng thay thế đắt khiến Ciaz làm cho doanh số của mẫu xe này đứng cuối phân khúc.
Theo VnExpress