VinFast mới đây công bố kế hoạch đầu tư, trong đó có cả xây dựng một nhà máy sản xuất, tại Indonesia.
Hãng thông tấn Reuters mới đây đã hé lộ kế hoạch mới của VinFast tại một quốc gia ở Đông Nam Á. Cụ thể, trong một tài liệu mà VinFast nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Mỹ, VinFast cho biết có kế hoạch đầu tư dài hạn vào Indonesia với tổng mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD.
Tài liệu cũng thể hiện rằng VinFast sẽ dành ra từ 150 triệu đến 200 triệu USD (từ 3,6 nghìn tỷ đến 4,8 nghìn tỷ) để xây dựng nhà máy tại quốc gia này, sản lượng ước tính đạt từ 30.000 đến 50.000 chiếc mỗi năm. Trong khi VinFast kỳ vọng có thể bắt đầu bàn giao những chiếc xe đầu tiên từ năm 2024, nhà máy của VinFast dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026. Khi đi vào hoạt động, đây có thể sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast, và là nhà máy thứ 2 đặt tại nước ngoài (bên cạnh đó là nhà máy tại bang North Carolina - Mỹ).
Bên trong nhà máy VinFast tại Hải Phòng. Ảnh: VinFast
Indonesia được đánh giá là thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, và là công xưởng lớn thứ 2 sau Thái Lan. Quốc gia với gần 280 triệu dân này đã có mức tăng trưởng doanh số xe điện ấn tượng trong thời gian qua.
Nếu như năm 2010 chỉ có 125 chiếc xe điện được bán ra thì tới 2021, con số đã tăng lên 687. Tình thế chỉ thực sự thay đổi từ năm 2022 khi doanh số đã tăng hơn 1.500% - 10.327 chiếc. Trong năm nay, thị trường Indonesia đã đón nhận thêm 5.850 chiếc sau khi hết tháng 6.
VinFast từng thông báo về việc phát triển các mẫu xe tay lái nghịch để tiếp cận nhiều thị trường hơn. Ảnh: BAY ISMOYO | AFP | Getty Images
Trong khi ô tô điện đang là quân bài chiến lược của VinFast tại nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ hay châu Âu, Indonesia dường như nổi lên là một thị trường xe máy điện đầy tiềm năng.
Theo thống kê của trang motorcyclesdata.com, Indonesia đang là thị trường xe máy lớn nhất Đông Nam Á trong năm nay với mức tăng trưởng 41,5% tính đến tháng 8/2023. Điều quan trọng nhất là quốc gia này đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ có 9 triệu xe máy điện lăn bánh trên đường.
Góp phần lớn vào hiện thực hóa mục tiêu này phải kể tới các đơn vị giao vận với hàng triệu phương tiện di chuyển trên đường phố Indonesia mỗi ngày. Gojek được cho là đơn vị vận chuyển lớn nhất quốc gia này, dự kiến sẽ chuyển toàn bộ sang xe máy điện tới năm 2030. Gojek cho biết rằng công ty đang có khoảng 2 triệu tài xế hợp tác, cả xe máy và ô tô. Bên cạnh Gojek, sàn thương mại điện tử Lazada cũng dự kiến có khoảng 15.000 chiếc xe máy điện phục vụ giao hàng.
Anh Aswi Saiful (một tài xế Gojek 25 tuổi tại thủ đô Jakarta) cho biết rằng anh mới chuyển sang sử dụng xe máy điện. Anh sử dụng xe của Gogoro (thương hiệu của Đài Loan - Trung Quốc), có ưu điểm thay pin được mà không nhất thiết phải dành nhiều thời gian sạc.
Anh chia sẻ rằng trước đây, cứ vài ngày, anh sẽ phải đổ xăng với chi phí quy đổi khoảng 160.000 VNĐ, nhưng từ khi chuyển sang xe điện thì anh không tốn tiền đổ xăng nữa. Nở nụ cười trên môi, anh cho biết: "Tôi có thể tiết kiệm tiền, và khách hàng cũng rất thích một chiếc xe máy không khói xăng".
Theo Viện nghiên cứu Nomura, chi phí để một người sử dụng xe máy điện so với người sử dụng xe máy xăng cho quãng đường di chuyển hàng ngày khoảng 150km là tương đương nhau. Quãng đường nói trên được coi là quãng đường di chuyển trung bình của các tài xế dịch vụ.
Hiện nay, thị trường xe máy tại Indonesia mức doanh số khoảng 5 triệu chiếc mỗi năm. Thị trường xe máy điện tại Indonesia được dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai khi yêu cầu giảm phát thải các-bon ngày một thắt chặt.
Tại Việt Nam, VinFast đang cung cấp cho thị trường 7 mẫu xe máy điện, phủ từ phân khúc phổ thông, trung cấp tới cao cấp. Trong khi dòng xe máy điện phổ thông phù hợp với đối tượng học sinh/sinh viên, thì dòng trung và cao cấp lại phù hợp với nhóm sinh viên hoặc người đi làm.
VinFast chưa công bố cụ thể kế hoạch bán hàng tại Indonesia; song, với tiềm năng lớn của thị trường, nhiều khả năng hãng xe Việt sẽ bán cả ô tô điện và xe máy điện tại đây.
Theo autopro