Trên địa hình khá phức tạp tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Toyota Hilux mới với những thay đổi về động cơ, hộp số... đã phô diễn được những thế mạnh trong khả năng vận hành.
Toyota Hilux mới chinh phục địa hình tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội
Khi thế hệ thứ 8 của Hilux được bán ra tại Việt Nam vào tháng 10.2015, nhiều người cho rằng, đây là cuộc cách mạng còn dang dỡ của Toyota đối với dòng bán tải này. Bởi, ngoài những thay đổi đột phá về kiểu dáng, việc tiếp tục sử dụng loại động cơ mang mã KD-FTV, khiến Hilux vận vào mình cái danh “bình mới, rượu cũ”... Mãi đến khi phiên bản nâng cấp Hilux 2016 trang bị động cơ diesel thế hệ mới nhất được trình làng vào tháng 11.2016, mẫu xe này mới cho thấy rõ sự khác biệt đáng kể trong khả năng vận hành.
Bản thân Toyota dường như cũng đã rút ra “bài học” về sự thay đổi “nửa vời” đối với Hilux. Chính vì vậy, trong lần nâng cấp này, ngoài việc bổ sung thêm hai tùy chọn màu sắc mới, mọi sự thay đổi mà Toyota tạo ra trên Hilux, như: dời vị trí hốc hút gió của bộ phận làm mát khí nạp chuyển từ nắp capô lên phần đầu xe, lắp đặt thêm đầu DVD hay thay mới động cơ, hộp số… đều nhằm mục đích cải thiện khả năng vận hành cho mẫu bán tải này.
Toyota Hilux 2016 (trước) không có nhiều thay đổi về thiết kế so với phiên bản cũ (sau)
Mạnh mẽ trên địa hình Off-road
Chúng tôi có dịp kiểm nghiệm sự thay đổi trong khả năng vận hành của Hilux phiên bản 2.8G AT 2016, khi tham gia các bài lái thử mẫu xe này trên địa hình Off-road tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Ở phiên bản cao nhất, Hilux 2016 dù chỉ được trang bị động cơ diesel 1GD-FTV dung tích 2.8 lít, nhỏ hơn dung tích động cơ trên phiên bản cũ (3.0 lít), nhưng sự cải tiến về hệ thống turbo tăng áp kết hợp Intercooler cũng như hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp dử dụng đường dẫn chung… giúp xe đạt hiệu suất vận hành cao hơn. Cụ thể, động cơ trên phiên bản nâng cấp Hilux 2.8G AT 2016 sản sinh công suất 174 mã lực tại vòng tua máy 3.400 vòng/phút, mô men xoắn 450 Nm tại 1.600 - 2.400 vòng/phút, tăng 13 mã lực và 90 Nm so với động cơ cũ.
Khi đỗ dốc xuống hố sâu, Hilux 2016 cho thấy xe bám đường khá tốt
Ngay ở thử thách đầu tiên, khi hệ thống truyền động 2 cầu chậm (4Low) được kích hoạt, hộp số tự động 6 cấp sẽ lựa chọn các cấp số thấp, động cơ tăng cường mô men xoắn ở mức 360 - 450 Nm, tạo lực kéo giúp người lái đưa xe vượt qua con dốc được thiết kế gần như dựng đứng. Thậm chí, khi đỗ dốc xuống hố sâu, Hilux vẫn mang lại cảm giác rất tự tin sau vô lăng, bởi độ bám đường của xe khá tốt.
Ở bài trải nghiệm thứ hai, người lái phải đưa xe vượt qua sườn dốc nghiêng 20 độ được thiết kế như một chiếc lòng chảo. Đây là thử thách không nhỏ cho các tay lái, bởi độ nghiêng của xe rất lớn. Tuy nhiên, việc thiết kế khung gầm cứng vững, khớp nối bánh xe lớn cùng sự hoạt động ổn định của hệ thống truyền động… mang lại cảm giác khá an toàn cho cả người lái và hành khách phía sau khi vượt thử thách này.
Khung xe cứng vững, giúp việc chinh phục địa hình dốc nghiêng không mấy khó khăn
Sang các địa hình tiếp theo, người lái có dịp cảm nhận sự ổn định của hệ thống khung gầm và hệ thống treo khi đưa Hilux mới liên tiếp vượt qua nhiều đoạn đường gập ghềnh quanh co. Kỹ năng phối hợp nhịp nhàng giữa chân ga, chân phanh của người lái là một trong những yếu tố để đưa chiếc xe lần lượt vượt qua địa hình này một cách êmm ái nhất. Trong trường hợp một trong bốn bánh xe không thể bám đường, hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động A-TRC sẽ ngay lập tức tác động để duy trì lực kéo trên tất cả các bánh xe.
Khi 1 trong 4 bánh xe không thể bám đường, hệ thống kiểm soát lực kéo A-TRC ngay lập tức can thiệp
Ngoài ra, ở thử thách cuối cùng của bài offroad, khi điều khiển Hilux trên địa hình đồi dốc phức tạp, sự hỗ trợ của hệ thống khởi hành ngang dốc HAC giúp người lái khá thoải mái trong từng thao tác xử lý. Trong trường hợp gặp chướng ngại vật và phải hãm phanh cho xe dừng giữa dốc, hệ thống HAC sẽ phát huy tác dụng giúp xe không bị trôi về phía sau, tạo khoảng thời gian để người lái chuyển từ chân phanh sang chân ga giúp xe tiếp tục vượt dốc.
Toyota Hilux mới được trang bị hệ thống khởi hành ngang dốc HAC
Linh hoạt hơn trên đường trường
Vượt qua những thử thách trên địa hình Off-road, người lái tiếp tục có cơ hội cảm nhận độ phản hồi của động cơ ở bài trải nghiệm các cung đường On-road. Trong điều kiện không tải trọng, với một cú miết chân ga sát sàn động cơ ngay lập tức phản ứng giúp xe xe vọt lên khá nhanh. Vì vậy, xét về sự linh hoạt Toyota Hilux mới đã được cải thiện tốt hơn nhiều so với phiên bản cũ. Động cơ mới cho phản ứng nhanh nhạy hơn, trong khi các thao tác sang số cũng trở nên mượt mà hơn.
Động cơ mới giúp Toyota Hilux 2016 vận hành linh hoạt hơn
Đặc biệt, ở phiên bản mới, Toyota cũng trang bị cho Hilux 2 chế độ lái ECO và POWER, nhờ đó người lái có thể lựa chọn chế độ lái phù hợp trên những cung đường khác nhau, góp phần giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu. Ở những sa hình zíc zắc, với tốc độ 50 km/giờ, Hilux mới đạt độ cân bằng khá tốt nhờ sự hỗ trợ của hệ thống treo cũng như sự can thiệp của hệ thống cân bằng điện tử VSC, giúp người lái kiểm soát tốt hơn.
Ngoài ra, với việc bổ sung camera lùi hiển thị trên màn hình DVD đối với bản Hilux 2.8G AT, giúp người lái tiện dụng hơn khi đi lại, đỗ xe cũng như cải thiện độ an toàn khi điều khiển xe.
Theo Thanh Niên Online