Ông chủ xe điện tự chế “Made in Vietnam” Trần Văn Tâm vừa được giới thiệu trên trang tin Newsflare (Anh).
Tuy nhiên, con đường từ ước mơ tới nghiên cứu phát triển xe tự chế trong nước là cả một hành trình.
Vốn là người sửa chữa, chế tạo và kinh doanh xe máy điện, ông Tâm mang sẵn trong mình kinh nghiệm và khát khao, máu lửa làm ra chiếc xe điện "made in Viet Nam" thân thiện với môi trường.
Câu chuyện ông Trần Văn Tâm (sinh năm 1962, sống tại Củ Chi, TP HCM) – "cha đẻ" chiếc ô tô điện vừa được trang tin tổng hợp Newflare của Anh đưa tin nhận được sự chú ý không nhỏ của dư luận.
Cảm hứng từ Tesla
Năm 2015, trong lần xem tivi thấy ô tô điện ở nước ngoài lăn bánh, ông Tâm nghĩ "Tây làm được thì ta cũng làm được". Vì thế, trong suốt 2 năm 7 tháng sau đó, ông cóp nhặt và tìm kiếm hàng nghìn linh kiện, chi tiết, tự tay điều chỉnh bản thiết kế và thử nghiệm vận hành chiếc xe. Sau khi có bản vẽ, ông nhờ thợ hàn khung xe.
Bản phác thảo hoàn thiện thành hình trên khổ giấy trắng A4 do chính tay ông vẽ. Phần đầu với đèn pha, ba đờ sốc lấy cảm hứng từ đôi mắt chim đại bàng. Cửa mở kiểu SUV chạy điện Tesla Model X, ghế đủ không gian cho một gia đình bốn thành viên. "Việc đầu tiên là mua những thứ mình không sản xuất được như lốp, ghế, gương. Vì một người bán hủ tiếu cũng đâu thể tự mình làm hết các thành phần", ông Tâm nói.
Ông đặt bốn bánh xe trên nền nhà để ướm thử chiều dài hai trục bánh, xem xét không gian hai hàng ghế làm sao thoải mái cho người ngồi. Sau đó tự mình ngồi vào vị trí ghế lái có vô-lăng, tính toán không gian cabin, rồi mới tính đến khung gầm. Bộ khung thành hình trong đầu với kích thước ba chiều nhỏ hơn một mẫu Kia Morning, ông tiến đến bước chế tạo khung sườn và thùng xe.
Người đến, kẻ đi như lời ông nói, khung xe mới hoàn thành với các mối cắt, hàn, bo tròn thẩm mỹ như những mẫu ô tô của các hãng lớn. Ông thích thú nói về màu sơn mẫu xe điện mà khi nhìn tổng thể, ít ai nghĩ rằng nó được thực hiện thủ công.
Người đàn ông U60 với mái đầu hai thứ tóc nói rằng, tám người thợ với bốn lần sơn, màu nâu của thân xe mới ưng ý.
Giấc mơ dang dở
Năm 2018, chiếc xe điện hoàn thiện, được đặt tên là CITY 18 - hàm ý xe đi trong nội thành. Phía đầu xe có gắn dòng chữ "Viet Nam Electric Car". Vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện, ông Tâm nói rằng mình nổi tiếng bất đắc dĩ. Nhiều người vì mến mộ đến tìm gặp ông, nói muốn chạy thử một lần. Và cũng không ít lời chê bai chiếc xe là một bản độ chắp vá từ nhiều chi tiết, nhưng ông không cảm thấy phiền lòng vì những điều đó.
Ông Tâm tự nhận nếu không có tinh thần lạc quan thì khó có thể vượt qua nhiều trở ngại, không ít những điều tiếng cho rằng ông gàn dở, lập dị. Chưa kể, chi phí cho xe cũng không hề nhỏ. Ban đầu, ông tính toán chi phí cho chiếc xe mẫu là chừng 500 triệu, nhưng đến nay, con số thực đã đội lên cả tỷ đồng. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm thân thiện môi trường cho người Việt nên ông đã cố gắng hoàn thiện được sản phẩm. "Tôi đã bán nhà ngoài phố, vô hẻm ở rồi", ông Tâm nói về phương án cho khoản trội chi.
Sau gần 3 năm hoàn thiện, CITY 18 chưa được đưa vào sản xuất thương mại hóa như "cha đẻ" của nó mong đợi, nhưng ông Tâm khá vui vẻ.
"Tôi hiểu rằng, rất khó để đưa vào sản xuất chiếc xe điện, còn cần rất nhiều yếu tố như gặp được những người chung chí hướng, các kỹ sư và những người có chuyên môn góp ý" nhưng tôi nghĩ đơn giản lắm, cuộc đời mỗi người sống cũng chỉ có 1 lần, nếu không vì đam mê của mình, không làm gì cho đời thì đâu có được. Về xe điện, Việt Nam đi sau rất nhiều so với thế giới, nhưng nếu vì vậy mà không đi thì không được. Tự người Việt mình làm, tự mình sản xuất vẫn là tự hào", ông Tâm tâm sự.
Theo autopro