Hai mẫu xe Nhật nắm giữ hơn một nửa thị phần phân khúc CUV cỡ B tính đến tháng 9, riêng Mitsubishi Xforce dẫn đầu với 32%.
Năm 2024 tính đến tháng 9 chứng kiến màn đổi ngôi giữa xe Hàn và xe Nhật ở phân khúc xe gầm cao đa dụng (CUV) cỡ B. Mitsubishi Xforce cầm trịch cho sự vươn lên của xe Nhật, trong khi Kia Seltos, Hyundai Creta, những ông vua doanh số trước đây mất dần sức hút.
Tháng 9, Xforce bán ra 1.821 xe, cao nhất phân khúc và là tháng thứ ba liên tiếp doanh số đạt hàng nghìn chiếc. Mức bán này giảm 28% so với tháng trước nhưng vẫn thống trị phân khúc nói chung. Đóng góp của Xforce cùng Xpander giúp Mitsubishi có tháng bán hàng cao kỷ lục 5.385 xe trong 30 năm lịch sử của hãng tại Việt Nam, kể từ 1994.
Lũy kế từ đầu năm, Xforce đạt gần 10.000 xe, chiếm đến 32% thị phần phân khúc. Mitsubishi đang dần biến Xforce trở thành một Xpander thứ hai ở thị trường trong nước. Thiết kế hợp gu khách hàng số đông, nhiều công nghệ an toàn cùng giá bán cạnh tranh với các đối thủ lắp ráp trong nước như Seltos, Creta, mẫu xe Nhật từng bước đánh bật thế độc tôn của xe Hàn trong phân khúc này. Thậm chí dù đang là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc, thường xuyên trong top 10, nhưng Xforce vẫn được hãng áp dụng nhiều ưu đãi như 50% lệ phí trước bạ, phiếu nhiên liệu 15 triệu đồng tùy phiên bản.
Ngoài Xforce, sự áp đảo của xe Nhật ở nhóm xe gầm cao cỡ nhỏ hướng đến khách hàng mua xe lần đầu còn có đóng góp của Toyota Yaris Cross. Cắt giảm lợi nhuận bằng cách hạ giá bán lẻ 73-80 triệu đồng, Yaris Cross trở nên dễ tiếp cận hơn với khách Việt.
Yaris Cross và Xforce (phải) tại Việt Nam. Ảnh: TMV, Thành Nhạn
Toyota Yaris Cross có ngoại hình trẻ, cập nhật xu hướng thị trường. Bản thân mẫu xe nhà Toyota còn có lượng tiện nghi và an toàn thuộc hàng phong phú nhất phân khúc. Điều này giúp Yaris Cross cải thiện đáng kể tính cạnh tranh với các đối thủ. Trong tháng 9, mẫu xe này bán gần 1.000 xe, bằng khoảng một nửa "đồng hương" Xforce, lũy lế từ đầu năm là gần 6.900 xe, chiếm 22% thị phần phân khúc. Khoảng cách đến mẫu xe của Mitsubishi còn khá xa, gần 3.000 xe.
Honda HR-V góp thêm sự áp đảo của xe Nhật ở phân khúc này khi bán hơn 4.000 xe sau 9 tháng. So với cùng kỳ 2023, doanh số HR-V tăng 74%. Nguyên nhân đến từ nguồn cung dồi dào hơn và các đối thủ Hàn như Seltos, Creta suy yếu.
Nhờ ưu đãi lệ phí trước bạ từ Chính phủ, doanh số Seltos và Creta đều tăng trưởng cao trong tháng 9. Đặc biệt là mẫu xe của Hyundai, lượng bán đạt 1.068 xe, tăng 74% so với tháng trước. Còn Seltos bán 681 xe, tăng 55%.
Hai mẫu xe Hàn lắp ráp trong nước vẫn đang nắm lợi thế ở cuộc đua đường dài 2024 khi ưu đãi lệ phí trước bạ còn hai tháng hiệu lực. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Creta, mẫu xe xếp thứ ba về doanh số so với ngôi đầu Xforce là quá lớn, hơn 4.700 xe. Trong khi doanh số trung bình của mẫu xe Hyundai là 575 xe/tháng. Cơ hội để Creta giữ được ngôi vương doanh số phân khúc trong 2024 là điều gần như không thể.
Với Seltos, sự chuyển dịch về thị hiếu sang các mẫu xe Nhật của người dùng trong 2024 khiến Trường Hải, đơn vị lắp ráp và phân phối xe Kia tại Việt Nam, mất đi một mẫu xe "gà đẻ trứng vàng". Seltos có bản nâng cấp mới từ tháng ba nhưng sức hút vẫn chưa cải thiện nhiều dù giá bán đã được điều chỉnh khởi điểm ngang Xforce, Creta. Đồng thời đa dạng phiên bản nhất trong số các đối thủ cạnh tranh.
Mazda CX-3 vẫn là mẫu xe bán chậm nhất phân khúc. Doanh số lũy kế của CX-3 đến tháng 9 đạt 1.490 xe, chiếm 5% thị phần.
Theo vnexpress