Hãy cùng tìm hiểu 6 cử chỉ đẹp của tài xế Nhật Bản, góp phần làm nên một nền giao thông văn minh của đất nước hoa Anh Đào, trong bài viết dưới đây.
Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là một đất nước văn minh, con người lịch sự. Tài xế Nhật Bản cũng không phải là một ngoại lệ. Cùng tìm hiểu 6 cử chỉ đẹp của tài xế đất nước mặt trời mọc mà chúng ta có thể học hỏi.
Nháy đèn hậu thay lời cảm ơn
Người Nhật có truyền thống cúi đầu cảm ơn khi được người khác giúp đỡ. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông trên đường phố đông đúc, khi được người khác nhường đường, thì phải làm thế nào?
Do không thể cúi đầu cảm ơn được, nên tài xế Nhật Bản đã tự tạo ra một cách cảm ơn lịch sự và thông minh: chớp đèn hậu vài cái thay cho lời cảm ơn. Cách làm độc đáo này đã được hình thành và áp dụng ở Nhật Bản trong một thời gian dài.
Tài xế Nhật Bản thường nháy đèn hậu thay cho lời cảm ơn.
Không bấm còi, không lấn đường
Tôi đã từng có dịp sang Nhật Bản trong 10 ngày, được đi trên một chiếc ô tô tham gia giao thông ở đất nước hoa anh đào và chứng kiến tận mắt cách lái xe Nhật Bản xếp hàng trong kiên nhẫn khi bị tắc đường.
Không một tiếng phàn nàn, không một tiếng còi, không một xe nào lấn sang đường ngược chiều, mặc dù một bên đường ngược chiều thì trống trơn. Xếp hàng là một thói quen đã được xây dựng từ khi còn bé của người Nhật, trở thành một nét văn hóa đẹp.
Lái xe nhường đường cho người đi bộ
Hình ảnh những dòng người đi bộ nườm nượp trên đường phố Nhật Bản quả thực không còn lạ lẫm. Nhưng thay vì người đi bộ phải nhường đường cho các phương tiện giao thông thì tất cả các phương tiện giao thông đều phải nhường đường cho người đi bộ, phải luôn đảm bảo rằng người đi bộ đã đi lên vỉa hè an toàn rồi mới di chuyển tiếp. Đây cũng là nét văn hóa đẹp đã hình thành từ bao đời nay của người dân Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, người đi bộ được ưu tiên hơn cả.
Luôn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho hành khách
Tại Việt Nam, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia có thể bị phạt từ 800.000 - 40.000.000 VNĐ và tước bằng lái xe đến 2 năm tùy thuộc vào loại phương tiện và mức nồng độ cồn trong máu.
Ở Nhật Bản, mức phạt còn cao hơn rất nhiều. Theo luật hiện hành của Nhật Bản, những người lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,25mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền không quá 500.000 yen (tương đương 100 triệu VNĐ), đồng thời bị phạt 13 điểm (lái xe bị phạt 15 điểm sẽ bị thu hồi bằng lái).
Đối với những người lái xe trong lúc say thì bất kể người lái xe đó uống bao nhiêu rượu bia, họ sẽ bị phạt tù tối đa 5 năm, hoặc phạt tiền tới 1 triệu yen (hơn 200 VNĐ), đồng thời bị phạt 35 điểm.
Thậm chí, giao xe cho xe cho người sử dụng rượu bia, cung cấp đồ uống có cồn cho lái xe hoặc khuyến khích lái xe uống đồ uống có cồn, hay người đi cùng biết tài xế uống rượu bia mà không ngăn cản cũng sẽ bị phạt rất nặng. Vì vậy, người dân ở đây khi đã uống rượu bia thì tuyệt đối không lái xe.
Tài xế xe taxi và xe bus ở Nhật đều là những người lớn tuổi, do luật có quy định số tuổi tối thiểu được phép lái xe chở khách (như taxi hoặc xe bus), điều này nhằm đảm bảo tài xế đủ kinh nghiệm và trách nhiệm để chở khách, đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe.
Xe taxi xếp hàng đón khách
Ở Nhật Bản, hệ thống phương tiện giao thông công cộng rất phát triển. Tuy nhiên, hệ thống này không hoạt động 24/24 và cũng không phải lúc nào cũng thuận tiện ở những thành phố nhỏ. Vì vậy, xe taxi là sự lựa chọn tối ưu khi hệ thống tàu điện không hoạt động.
Điểm đáng chủ ý ở đây là các tài xế Nhật Bản không bao giờ tranh bắt khách mà lần lượt vào bãi, trật tự xếp hàng rồi lần lượt nhích lên theo thứ tự để ra bến đón khách.
Taxi trang bị cửa tự động
Thay vì để hành khách tự mở cửa xe hay tài xế xuống xe mở cửa xe cho hành khách, rất nhiều taxi ở Nhật Bản được trang bị cửa tự động có thể tự động đóng mở chỉ với một nút bấm của bác tài. Sáng kiến này bắt nguồn từ một công ty taxi mang tên “Osaka Tonbo Taxi” ở tỉnh Osaka.
Trước đây, phần lớn taxi thường là xe cỡ nhỏ, nhịp sống ở Nhật Bản cũng chậm rãi hơn, vì vậy phần lớn khách hàng luôn tự đóng và mở cửa mỗi lần đi taxi. Sau này, cuộc sống trở nên ngày càng hối hả, con người cũng vội vã hơn, xuống xe mà quên mất không đóng cửa, hoặc đóng cửa chưa chặt. Bác tài phải với xuống cửa dưới để cố đóng cửa, gây khó khăn và mất thời gian.
Hơn nữa, xe ô tô cỡ lớn cũng dần thay thế xe cỡ nhỏ, được dùng làm taxi, làm cho việc với xuống cửa dưới để đóng cử xe là điều không thể. Khi mà vấn nạn đóng mở cửa xe lên tới đỉnh điểm, Osaka Tonbo Taxi đã phát triển hệ thống cửa xe taxi đóng mở tự động.
Sau này, rất nhiều taxi ở Nhật Bản trang bị cửa tự động, thể hiện sự chào đón nồng hậu của người Nhật với du khách trên toàn thế giới và cũng là một cách phòng chống trộm cướp khi mà việc sử dụng cửa tự động cho phép tài xế ám chỉ hành khách đi xe nên ngồi ở đâu một cách tinh tế.
Rất nhiều xe taxi ở Nhật Bản được trang bị cửa tự động.
Trên đây là 6 cử chỉ đẹp của lái xe Nhật Bản. Một số nét đẹp là tuân theo luật pháp, một số khác đã được hình thành từ rất lâu và trở thành thói quen, nét văn hóa của người dân đất nước mặt trời mọc. Ở Việt Nam, không phải cái nào cũng phù hợp và có thể áp dụng được. Dù thế nào, lái xe an toàn cho bản thân mình, hành khách và những người tham gia giao thông khác cũng là điều cần được ưu tiên lên trên cả.
Theo oto