Lốp xe ô tô là bộ phận vô cùng quan trọng. Để đảm bảo an toàn khi lái xe và tiết kiệm chi phí thay thế bộ phận này, người sử dụng xe cần biết xác định độ hao mòn và thay lốp khi cần thiết.
1. Áp dụng tiêu chuẩn nhà sản xuất
Trên mỗi lốp xe đều có gai hay hoa lốp, chức năng chính của chúng là dẫn nước để cải thiện độ bám đường và tránh hydroplaning trên đường ướt. Theo tiêu chuẩn của hầu hết nhà sản xuất, độ sâu gai lốp hay ta-lông nhỏ hơn 1,6 mm thì có nghĩa lốp đã bị mòn và mất an toàn.
2. Dựa vào số km đã đi
Tùy thuộc vào từng loại lốp, thương hiệu mà lốp có độ bền khác nhau; vì thế bạn cần tham khảo lời khuyên của nhà sản xuất để cho số km chiếc lốp có thể chịu được.
Thông thường, những lốp xe máy thường có tuổi thọ khoảng 15.000 km đi đường, với điều kiện đường đi ở dạng chuẩn, bằng phẳng. Nếu thường xuyên di chuyển vùng đường xá gập ghềnh, đầy sỏi đá... thì tuổi thọ của lốp xe sẽ thấp hơn. Vì vậy, tùy từng loại đường xe hay di chuyển, tùy từng loại lốp để ước chừng tuổi thọ của lốp xe.
3. Chiều sâu của các rãnh
Mỗi loại lốp đều có in biểu tượng logo nổi bên hông lốp, cho biết vị trí các chỉ số độ mòn lốp tại mỗi rãnh chính của mặt lốp. Cảnh báo mòn lốp là các gờ nổi nhỏ tại đáy của các rãnh hoa lốp (gai lốp). Thông thường, rãnh của hoa lốp có độ sâu thấp nhất cho phép và đạt giới hạn an toàn là 1,6mm. Nếu đồ dày lốp thấp hơn mức giới hạn này, bạn cần phải thay lốp ngay để đảm bảo an toàn.
4. Những chỗ phồng hoặc bong tróc trên thành lốp
Đôi lúc bề mặt thành lốp lại là nơi đầu tiên bị hao mòn. Hậu quả của điều này đó là sự xuất hiện của những vết phồng hay bong tróc trên thành lốp. Những vết này có thể khiến xe bị nổ lốp đột ngột. Chính vì vậy, nếu không thay thế lốp ngay khi phát hiện ra vết phồng hay tróc, nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng là rất cao.
5. Thanh chỉ độ mòn bắt đầu xuất hiện
Những chiếc lốp hiện đại có tính năng đáng giá mà các loại lốp cũ không có là những thanh chỉ độ mòn nằm dưới các rãnh. Chúng là những ngấn cao su nhỏ nằm bên dưới các rãnh, và không thể (hoặc khó có thể nhìn thấy) khi lốp còn mới.
Sau một thời gian chạy xe, chúng sẽ dần xuất hiện. Khi 1 hoặc 2 thanh này có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng, thông thường đây là lúc cần phải thay lốp.
6. Các vết nứt xuất hiện
Không phải tất cả các dấu hiệu đều xuất hiện ở bề mặt lốp - chúng còn tập trung trên thành lốp nữa. Do sự thay đổi áp suất, lốp xe có thể xuất hiện những vết nứt nhỏ trên bề mặt thành lốp.
Ngoài ra, trong quá trình vận hành, lốp xe có thể cọ vào các cạnh sắc ở đâu đó hoặc đá dăm nhọn văng lên, gây ra những vết cắt. Nếu như những vết này xuất hiện quá nhiều hoặc quá lớn - đây chính là lúc bạn không nên "tiếc rẻ" chiếc lốp cũ và thay lốp mới càng sớm càng tốt.
7. Vô lăng rung lắc
Khi lái xe, sự rung tay lái là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi di chuyển trên những con đường rải đá. Tuy nhiên, sau một thời gian cầm lái, bạn sẽ rèn luyện được phản xạ có điều kiện và đủ để nhận biết độ rung thế nào là bất thường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tay lái của xe bị rung nhiều, nhưng nếu lốp xe mòn không đều, người điều khiển có thể cảm nhận rung lắc ở vô-lăng trong khi lái. Lúc này, cần đưa xe đi kiểm tra và cân bằng lốp. Sau khi kiểm tra và cân bằng lốp mà vẫn rung vô-lăng thì nên thay lốp sớm.
8. Quá thời hạn sử dụng lốp
Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ khuyến cáo nên thay lốp mới mỗi 6 năm. Trên lốp đều có những biểu tượng và chỉ số để hướng dẫn người sử dụng thời điểm nào cần thay mới trong trường hợp sử dụng bình thường, không gặp phải sự cố nào.
Sau 5 năm hoặc quá 5 năm sử dụng, phải tiến hành kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Trong trường hợp cần thiết, hãy theo khuyến nghị của nhà sản xuất khi thay thế lốp theo xe.
Theo Báo Nghệ An