Độ bền và tuổi thọ ô tô là mối quan tâm hàng đầu của người dùng. Nếu không muốn xe nhanh xuống mã, hãy ghi nhớ và thiết lập những thói quen hữu ích sau:
1. Thường xuyên vệ sinh ô tô
Dù bận đến đâu, hãy dành thời gian để vệ sinh, làm sạch ô tô, giúp loại bỏ lớp bụi bẩn tích tụ lâu ngày. Bạn có thể sơn bóng định kỳ để giữ chiếc xe luôn sáng bóng và đẹp mã như ngày mới rước về nhà.
2. Chọn nơi khô ráo, che chắn cẩn thận khi đỗ xe
Ánh nắng, khói bụi là những yếu tố gây hại cho bề mặt sơn xe. Nếu thường xuyên lái xe đường dài, trong môi trường khói bụi, bạn hãy tìm cách đỗ xe trong bóng râm và che chắn cẩn thận khi để xe ngoài trời.
8 mẹo đơn giản kéo dài tuổi thọ ô tô, tiết kiệm chi phí sửa chữa.
Nếu nhà bạn không có gara, phải để xe ngoài trời thì bạn nên sử dụng bạt phủ xe. Bạt sẽ làm hạn chế các vết xước trên bề mặt sơn, đồng thời bảo vệ xe trước những tác hại khôn lường của điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
3. Không cho xe chạy quãng đường quá ngắn
Khi bạn cho xe chạy quãng đường quá ngắn, động cơ chưa kịp làm nóng đủ mức đã phải dừng lại sẽ làm hỏng động cơ, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Những người có nhiều kinh nghiệm lái xe ô tô cho biết, vận hành xe trên quãng đường quá ngắn không đủ nhiệt để làm bay hết hơi nước đọng bên trong ống xả, dẫn đến hiện tượng gỉ sét.
4. Dùng đúng loại dầu và thay dầu đúng cách
Mỗi dòng xe đều có đặc tính riêng nên yêu cầu về nhớt, dầu bôi trơn sẽ khác nhau. Vì thế, khi thay nhớt, bạn cần chú ý tới thông số kỹ thuật, thương hiệu uy tín, sử dụng đúng loại dầu mà nhà sản xuất ô tô khuyến cáo nhằm đảm bảo động cơ được bôi trơn tốt nhất. Hãy thay dầu định kỳ để xe vận hành bền bỉ hơn, hạn chế hỏng hóc bất ngờ khi đang lăn bánh trên đường.
5. Không phanh đột ngột, tăng tốc nhanh
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hành động tăng tốc đột ngột và phanh bất ngờ gây hại cho ô tô. Hành động trên sẽ khiến một số bộ phận khác trên xe bị hư hại theo. Không chỉ khiến động cơ đối diện với những hỏng hóc nghiêm trọng, làm má phanh và đĩa phanh nhanh hỏng, bạn còn đối diện với nguy cơ va chạm, tai nạn nếu không đủ bản lĩnh làm chủ tình huống.
6. Giảm tốc độ khi đi đường có gờ giảm tốc, ổ gà
Đi đường có gờ giảm tốc hoặc ổ gà, bạn cần cho xe đi chậm. Nếu cố tình tăng tốc, chiếc xe của bạn sẽ phải gồng mình chịu trận trước sức ép của cảm giác "lên xuống" bất ngờ. Các bộ phận bên trong nhanh hỏng hóc, đặc biệt là gầm xe.
7. Thay bộ lọc không khí định kỳ
Lọc không khí là bộ phận quan trọng, cần được thay thế thường xuyên.
Lọc không khí là bộ phận quan trọng trên xe ô tô. Khi xe sử dụng nhiều, bạn nên có kế hoạch thay bộ lọc không khí sớm hơn thời hạn khuyến cáo của hãng xe. Nếu để bộ lọc không khí bám đầy bụi, hiệu suất của xe sẽ giảm đi. Do đó, hãy chú ý tới những lời khuyên của nhà sản xuất trong việc thay thế bộ phận này.
8. Không dùng máy phun cơ khí để làm sạch động cơ
Làm sạch động cơ bằng máy rửa áp lực có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho động cơ. Do đó, hãy cố gắng vệ sinh động cơ bằng việc sử dụng giẻ lau, chất tẩy lỏng nhờn. Nên vệ sinh động cơ định kỳ, ít nhất là 2 lần/năm.
Theo autopro