Rắc rối từ những chiếc xe tải rỗng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu, với tỷ lệ ngày càng tăng cao.
Ngành vận tải đường bộ đang gặp phải 1 vấn đề lớn.
Mỗi ngày, có hàng nghìn chiếc xe tải đang chạy trên đường cao tốc và các xa lộ với thùng xe trống rỗng. Tổng cộng mỗi năm, tổng chặng đường có thể lên đến hàng tỷ km.
Nguyên nhân đơn giản là bởi sau khi 1 chiếc xe tải được bốc dỡ hết hàng hóa, chúng sẽ không có gì để chở khi quay trở về điểm xuất phát ban đầu. Tuy nhiên, theo Martin Willmor, chuyên gia kỳ cựu trong ngành, không nhiều người biết đến vấn đề này. "Có rất nhiều rào cản khiến chuyện này trở nên khó giải quyết", ông nói.
Rắc rối từ những chiếc xe tải rỗng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu, với tỷ lệ ngày càng tăng cao. Theo số liệu thống kê của Ủy ban châu Âu EC, tổng cộng quãng đường mà các xe tải ở châu Âu phải đi với những chiếc thùng rỗng đã lên đến khoảng 34 tỷ km trong năm 2021, tương đương 21,2% tổng quãng đường. Năm 2020 tỷ lệ là 20%.
Mạng lưới phức tạp
Về bản chất, ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ vốn khá phức tạp. Các nhà sản xuất hay nhà bán lẻ cần phải vận chuyển hàng hóa đến vô số địa điểm, đôi lúc 1 món hàng được vận chuyển bởi nhiều đơn vị khác nhau vì đi qua nhiều chặng.
Trong điều kiện lý tưởng nhất, các công ty xe tải cần một (hoặc nhiều) khách hàng cho chặng đi và một khách hàng khác cho chặng về. Tuy nhiên nếu không có 2 khách hàng, xe phải chạy rỗng 1 chiều. Không chỉ vậy, mặt hàng của 2 chặng cũng phải tương đồng để không cần đến những thứ hỗ trợ quá đặc biệt như thùng lạnh hay giá đỡ.
"Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tìm kiếm khách hàng cho chặng còn lại", J.P.Wiggins, nhà đồng sáng lập công ty phần mềm quản lý dịch vụ vận tải 3GTMS nói. "Liệu thiết bị có tương thích? Lái xe có cần về nhà? Lái xe có bắt buộc phải ngủ giữa chừng để nghỉ ngơi?, ông bổ sung thêm.
Phụ thuộc vào công nghệ
Theo ông Willmor, việc phụ thuộc vào công nghệ cũng có thể gây ra rắc rối. Ông là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của DigiHaul, nền tảng kết nối xe tải có tham vọng giải quyết vấn đề thùng xe rỗng. "Chuỗi cung ứng là một trong những ngành cuối cùng thực hiện số hóa. Chúng ta đã bàn nhiều về tự động hóa trong các nhà kho hay về xe tải tự hành, nhưng thực chất thì chúng ta đang thiếu 1 giải pháp kỹ thuật số cho ngành vận tải".
Từng có thời gian dài làm việc tại DHL, ông cho biết một số công ty vẫn đang tìm kiếm đơn vị vận chuyển qua điện thoại hoặc email. Điều đó có nghĩa là thông tin về hàng hóa được vận chuyển không được tập hợp lên hệ thống và khó có thể tìm cách lấp đầy thùng hàng cho chiều về.
1 nhà bán lẻ tại Anh mà DigiHaul từng làm việc cùng đã tính toán rằng trong 6 tuần cuối năm 2021, các xe tải của họ đã đi tới 650.000km với thùng xe rỗng. Đó là một sự lãng phí đắt đỏ.
Cần phải thay đổi
"Gần đây giá xăng và gần như tất cả các chi phí đều tăng vọt. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải xóa bỏ những khâu lãng phí trên chuỗi cung ứng", Willmor nói.
Theo chỉ số được Hiệp hội vận tải đường bộ quốc tế công bố tháng trước, giá cước vận tải ở châu Âu mới đây đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Quý II vừa qua, giá cước tăng 6,1 điểm so với quý trước và 13,1 điểm so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài chuyện tiết kiệm tiền, đơn vị vận chuyển cũng muốn giảm thiểu tác động lên môi trường. Có một cách là điều chỉnh thời gian bốc hàng thêm hoặc bớt 24 giờ, giúp tăng khả năng tìm được hàng hóa phù hợp cho chiều về.
Trong khi đó tại Mỹ tình hình đang trở nên khá hơn. Tỷ trọng quãng đường mà các xe tải phải chở thùng rỗng đã giảm từ mức 20,6% trong năm 2020 xuống còn 14,8% trong năm 2021. "Dưới áp lực từ giá xăng tăng, các công ty vận tải đã giảm tỷ lệ được xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây", báo cáo tháng 8 của Viện nghiên cứu vận tải Mỹ.
Tuy nhiên xe tải thùng rỗng vẫn là 1 vấn đề nhức nhối, đặc biệt khi mà các chi phí đang tăng lên nhanh chóng. Giá cước vận chuyển nội địa đã tăng 28% kể từ đầu năm đến nay, có thể sắp đạt đỉnh.
"Một chiếc xe không chở gì vẫn đốt xăng, vẫn cần có tài xế và vẫn cần được bảo dưỡng định kỳ. Do đó đương nhiên chúng làm giảm doanh thu của hãng vận chuyển", Robb Porter, lãnh đạo của Loadsmart nói.
Cách đây 1 năm, Loadsmart hợp tác với The Home Depot triển khai nền tảng có tên Flatbed Messenger để kết nối những chiếc xe tải không chở gì với các bên có nhu cầu gửi hàng hóa đi. Công đoạn tìm kiếm và kết nối đều được thực hiện bằng thuật toán, đem đến lợi ích cho tất cả các bên.
Tính đến 30/8, nền tảng này cho biết đã giúp loại bỏ 1,9 triệu dặm lãng phí vô ích. Hồi tháng 2, Loadsmart huy động được 200 triệu USD từ các nhà đầu tư dẫn đầu bởi SoftBank, được định giá 1,3 tỷ USD.
"Chúng tôi hi vọng trong tương lai sẽ không chỉ giảm được quãng đường mà còn loại bỏ được sự thiếu tin tưởng giữa các bên, tăng cường sự minh bạch để cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng", Porter nói.
Theo autopro