Cố tình tua ngược ODO là thủ đoạn gian dối khá phổ biến của người bán ô tô cũ. Dưới đây là 6 cách giúp bạn nhận biết công-tơ-mét hiển thị chuẩn hay không và "thoát bẫy" một cách an toàn.
ODO (viết tắt của từ Odometer) là đồng hồ công-tơ-mét đo quãng đường đã đi của xe kể từ khi xuất xưởng. ODO thường được đặt trong khoang lái, nằm ở vị trí phía bên phải vô lăng của xe ô tô.
Chỉ số ODO cũng là một trong những yếu tố nói lên chất lượng của chiếc ô tô đã qua sử dụng. Nhiều người mua xe cũ chỉ quan tâm đến con số hiển thị trên công-tơ-mét và tin rằng ODO càng thấp càng tốt, dẫn đến việc vội vàng chốt mua mà bỏ qua các bước kiểm tra cơ bản.
Thực tế, ngoài số ODO, khi mua ô tô cũ bạn cần xem xét thêm các yếu tố khác như tình trạng máy móc và thân xe, danh tiếng hãng xe, lịch sử chăm sóc và sửa chữa, giá bán,...
Bóc mẽ thủ đoạn tua ngược ODO bằng 6 kỹ năng "soi" và check khi mua ô tô cũ.
Và, để kiểm tra chiếc xe có số ODO sát với "thực tế" hay không, hãy áp dụng ngay những cách đơn giản sau:
1. Kiểm tra lịch sử xe và bảng đồng hồ
Một số trường hợp, chỉ số ODO bị tua ngược do bảng táp-lô hoặc cụm đồng hồ được sửa chữa hoặc thay thế. Cũng không ít tình huống người bán cố tình điều chỉnh con số hiển thị trên ODO nhằm đánh lừa người mua và bán xe được giá cao hơn.
Theo chia sẻ của những người có nhiều kinh nghiệm mua bán ô tô, bạn nên kiểm tra lịch sử xe, qua đó nắm bắt thông tin về số km đã đi cũng như những sự cố, thiệt hại mà chiếc xe đã từng trải qua.
Hãy dành chút thời gian để hỏi và xác minh mục đích sử dụng xe của chủ cũ là gì, phục vụ gia đình, công ty, đưa đón công nhân viên hay chạy dịch vụ,... Từ đó tính toán số km sử dụng trung bình của chiếc xe.
2. Đối chiếu với con số trung bình
Số km trung bình mỗi năm (ở điều kiện sử dụng thông) của ô tô phổ thông khoảng 15.000 - 20.000 km. Các dòng xe sang, xe thể thao con số này thường thấp hơn.
ODO trung bình mỗi năm của ô tô phổ thông khoảng 15.000 - 20.000 km ở điều kiện sử dụng thông.
Do đó, những xe có tuổi đời từ 3 năm trở lên không thể có số ODO dưới 30.000 km, nếu có cũng vô cùng hiếm và thuộc trường hợp "có lý do đặc biệt". Không ngoại trừ khả năng chiếc xe đã được “mông má” để có được những "thông số mới”.
Xem thêm: Độ trượt giá của các dòng ô tô cũ - Xe Mercedes, Audi, BMW "bắn tốc độ" theo đà suy thoái kinh tế
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát giá, bạn có thể xin thêm thông tin về số ODO của từng chiếc xe cũ cùng đời, cùng loại để đối chiếu và tìm ra số km trung bình cho điều kiện vận hành thực tế. Việc này giúp bạn dễ dàng nhận thấy những điểm bất thường khi so sánh với số ODO của chiếc xe định mua.
3. Check lại lịch sử bảo dưỡng và biên lai thay dầu
Hầu hết ô tô đều có sổ bảo dưỡng và mỗi lần bảo dưỡng đều được nhân viên kỹ thuật ghi lại số km tại thời điểm đó vào sổ. Người mua xe cũ nên xem lại lịch sử bảo dưỡng và biên lai thay dầu (nếu có), sau đó so sánh xem số km tăng/giảm ra sao so với lần cuối bảo dưỡng xe.
4. Quan sát nội - ngoại thất và độ hao mòn của phụ tùng
Chỉ số công-tơ-mét đi kèm với các biểu hiện hao mòn nội, ngoại thất. Xe có số ODO càng lớn, độ hao mòn càng cao và ngược lại. Bạn có thể đánh giá dựa trên sự quy luật "tịnh tiến" của hai yếu tố này. Hãy tập trung quan sát và đánh giá chất lượng tại những vị trí sau:
- Ngoại thất: Kiểm tra sự chênh lệch về màu sắc và những điểm bất thường ở lớp sơn.
- Nội thất: Quan sát bề mặt chất liệu ghế ngồi, độ mòn vô lăng, công tắc, bàn đạp,...
- Phụ tùng xe: Đánh giá độ mòn ốc vít, lốp xe và độ mòn bề mặt đĩa phanh...
- Gầm xe: Quan sát gầm xe xem có bị mục, rỉ sét, lõm do gạch đá văng hay không. Có dấu hiệu sửa chữa, mông má do va chạm, tai nạn không.
5. Lái thử xe
Lái thử xe là khâu quan trọng không những giúp bạn trải nghiệm cảm giác lái, đánh giá lại sự phù hợp của chiếc xe mà còn là cách để bạn kiểm tra công-tơ-mét có bị tua ngược hay không.
Tất nhiên, để có kết luận khách quan, bạn cần có kinh nghiệm lái thử nhiều mẫu xe khác nhau và có đủ thời gian trải nghiệm chiếc xe định mua trên nhiều loại địa hình mới có thể cảm nhận được chất lượng của xe thông qua tiếng ồn động cơ và sự rung lắc từ các bộ phận bị hao mòn sau thời gian sử dụng
6. Đưa xe đi kiểm tra thực tế
Có một cách khác mang đến kết quả tin cậy hơn, đó là đưa xe đến cơ sở bảo dưỡng chính hãng để kiểm tra độ hao mòn thực tế của xe. Những cơ sở này sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng để giúp bạn tra cứu số km thực tế (lưu trên hệ thống trung tâm điều khiển của xe), từ đó người mua dễ dàng xác định đồng hồ công-tơ-mét có bị tua ngược hay không.
Cách này tốn kém chi phí và thời gian nhưng để yên tâm và loại bỏ rủi ro bị lừa thì việc chi thêm một khoản tiền nhỏ cũng rất đáng để thực hiện.
Trên đây là những cách giúp bạn bóc mẽ chiêu thức tua ngược ODO của những người bán xe ô tô không có tâm. Trong quá trình giao dịch, bạn nên chủ động hỏi và tìm lời giải đáp cho những điểm vướng mắc.
Không nên vội vàng giao dịch khi chưa nắm đủ thông tin và cũng không nên dành sự tin tưởng tuyệt đối vào người bán. Tất cả đều cần được kiểm tra, minh bạch để đi đến mục tiêu cuối cùng là "thuận mua, vừa bán".
Theo oto