Hệ thống tăng áp ngày càng trở nên phổ biến trong những chiếc ô tô hiện đại.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang ráo riết theo đuổi trào lưu hạ dung tích động cơ nhằm tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm khí thải, đồng thời nâng công suất bằng các công nghệ hỗ trợ. Hệ thống tăng áp đã trở thành một trong những giải pháp mấu chốt nhằm đảm bảo sức mạnh của những chiếc xe đủ để đáp ứng nhu cầu từ phía người dùng.
Động cơ V6 3.0L tăng áp kép trên Mercedes-Benz E400.
Sự hiện diện của động cơ tăng áp, vốn một thời được xem là đồ chơi xa xỉ cho xe hiệu năng cao trong các sản phẩm phổ thông, đã ngày càng nhiều hơn. Vào lúc này, người dùng có thể bắt gặp chúng ở hầu như mọi nhóm sản phẩm phổ biến: từ Ford với dải sản phẩm EcoBoost đã khá quen thuộc với người dùng trong nước (bao gồm cả EcoBoost 2.3L mới trên Ford Explorer vừa ra mắt hồi cuối năm ngoái); Honda với VTEC Turbo trên Civic 2016 hoàn toàn mới; cho tới Toyota với động cơ 4U-GSE/FA20 H4 trên FT-86; Chevrolet Trax với EcoTec Turbo 1.4L...
Trong khi đó, "món" này đã không còn lạ lẫm trên các dòng xe sang từ BMW, Mercedes-Benz, Audi cho tới Lexus (điển hình là dòng động cơ 8AR-FTS 2.0L hoàn toàn mới trên NX200t, RX200t, RC Turbo).
Động cơ tăng áp luôn cần được chăm sóc kĩ lưỡng hơn so với động cơ khí nạp tự nhiên.
Tuy nhiên, với số đông người dùng, bên cạnh cảm giác "phê" khi đạp ga, việc sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa các dòng xe với hệ truyền động mới mẻ này vẫn là điều lạ lẫm. Trong khi đó, đôi khi những quan niệm truyền thống nếu được áp dụng một cách máy móc sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc đối với những chiếc xe sử dụng động cơ tăng áp, đặc biệt là các mẫu ra đời từ vài năm trước đây.
1. Để xe nổ máy một thời gian ngắn trước khi di chuyển
Dù đây là một trong những thủ thuật khá cổ điển, đã có mặt hàng chục năm nay, ngay cả với xe sử dụng động cơ khí nạp tự nhiên, nó lại rất hữu ích đối với các dòng xe với máy tăng áp thế hệ mới.
Để dầu lên tới tua bin tăng áp sẽ mất nhiều thời gian hơn so với chỉ bôi trơn các thành phần động cơ.
Việc đảm bảo dầu làm mát, bôi trơn hệ thống tăng áp được bơm lên đầy đủ và đạt độ nhớt cần thiết (trong điều kiện nhiệt độ vận hành trung bình) là điều rất quan trọng, đặc biệt là với các mẫu xe sử dụng bộ tăng áp kích thước nhỏ, quay ở tốc độ cao (như Ford EcoBoost hay Honda VTEC Turbo, và một số mẫu động cơ Mercedes-Benz trên các dòng CLA, A... là điển hình).
Thời gian nổ "rỗi" như vậy có thể từ 3-5 phút là tối ưu nhất. Do nhiệt độ tối ưu để dầu lưu chuyển và bôi trơn các thành phần máy thường là từ 80-95 độ C, nên trong những ngày thời tiết quá lạnh, thời gian chờ có thể dài hơn chút ít. Trong khi đó, một số dòng xe với hệ thống bơm dầu chủ động cho tăng áp có thể sẽ không cần quá nhiều thời gian chờ. Để biết chính xác đặc điểm này, bạn nên tham khảo tài liệu của nhà sản xuất.
2. Đợi cho động cơ về trạng thái rỗi trước khi tắt máy
Trên một số mẫu xe cao cấp, nhà sản xuất thường thiết kế hệ thống bơm dầu vận hành thêm một thời gian ngắn kể cả sau khi tài xế đã tắt máy, nhằm đảm bảo làm mát các hệ thống nhạy cảm với nhiệt độ của động cơ xuống mức an toàn. Tuy nhiên, không phải chiếc ô tô với hệ thống tăng áp nào cũng được ưu ái đến vậy.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tua bin tăng áp nóng rực bất ngờ bị cắt hệ thống làm mát và bôi trơn?
Chính vì điều này, bạn nên đảm bảo xe trở về trạng thái vận hành rỗi trước khi vặn chìa khóa tắt máy. Điều này rất quan trọng nếu bạn vừa trải qua một hành trình dài hoặc ở tốc độ cao (hoặc "phê" hơn nữa là vừa dài vừa nhanh!). Nhờ thế, hộp số và nhiều thành phần truyền động khác trong xe không bị "sốc" do dừng quá đột ngột.
Mặt khác, do tua bin tăng áp thường xuyên hoạt động ở tốc độ cực cao, việc cần để nó hạ tốc và giảm nhiệt dần dần trong khi vẫn được cung cấp đủ dầu bôi trơn (kiêm làm mát), thay vì bất ngờ ngắt luồng bơm dầu khiến ma sát tăng lên là logic không quá khó hiểu, có phải không nào?
Với một số tay chơi xe, việc nhấp ga vài lần để thỏa mãn cảm giác trước khi tắt máy cũng là một thói quen gây hại. Mỗi khi bạn nhấp ga, tua bin tăng áp sẽ tăng tốc. Tuy nhiên cùng với thời điểm tắt máy, dầu sẽ không còn được bơm lên, khiến vòng bi và các thành phần chuyển động phải chịu ma sát, hao mòn.
Động cơ tăng áp dần trơ thành hệ truyền động phổ biến trên nhiều mẫu ô tô hiện đại, không chỉ riêng các dòng xe thể thao hay siêu xe.
Hiện nay, trên thị trường cũng có những sản phẩm bộ hẹn giờ tăng áp (Turbo Timer), vốn là món đồ chơi rất quen thuộc với các tay độ, để đặt thời gian vận hành rỗi cho động cơ (mà không cần chìa khóa nằm trong ổ). Nếu am hiểu về kĩ thuật, bạn có thể tìm hiểu thêm về phụ kiện này.
3. Lưu ý thay lọc xăng sau mỗi 15.000km
Nếu như chu kì thay lọc dầu, lọc gió là điều không còn xa lạ, việc thay lọc xăng lại ít được người dùng xe chú ý. Với các dòng xe hiệu năng cao sử dụng động cơ tăng áp, thay lọc xăng đúng thời điểm (thường sau mỗi 15.000km) là điều khá quan trọng. Bởi lẽ động cơ tăng áp thường rất nhạy cảm với tỉ lệ xăng/khí trong hỗn hợp nhiên liệu trước khi kích nổ.
Trong khi hầu hết tài xế đều nhớ thay lọc dầu và lọc gió theo định kỳ, lọc xăng lại là thứ thường bị quên lãng.
Bất cứ trở ngại nào trong việc cung cấp đủ hai thành phần này, khiến bất thường phát sinh trong vận hành sẽ khiến hệ thống tăng áp dễ bị hỏng hóc. Thêm vào đó, do tua bin tăng áp vận hành nhờ khí thải động cơ, mọi dị vật hay chất bẩn lọt qua các tuyến lọc đều sẽ có tác động xấu tới tuổi thọ của hệ thống tăng áp. Đặc điểm này càng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các loại lọc trên xe.
Cũng cần lưu ý rằng dù việc chọn lựa chủng loại lọc khí hay lọc dầu có thể khá thoải mái, bạn nên sử dụng đúng lọc xăng do nhà sản xuất xe cung cấp, chỉ định.
4. Không sử dụng xăng với chỉ số octane thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất
Việc sử dụng xăng với chỉ số octane thấp hơn mức nhà sản xuất khuyến cáo có thể khiến hiện tượng sai lệch thời điểm kích nổ nhiên liệu xảy ra. Điều này có thể khiến một số động cơ gặp trục trặc trong quá trình vận hành (đặc biệt là các động cơ tăng áp ra đời trong khoảng 5-7 năm trở về trước). Dù sự sai lệch chỉ số octane không ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của bộ phận tăng áp, nó vẫn sẽ có những tác động tiêu cực tới động cơ (mà dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là hoạt động ồn ào) nếu hiện tượng kích nổ nhiên liệu sai thời điểm diễn ra liên tục.
Động cơ tăng áp thường rất nhạy cảm với chất lượng xăng.
5. Sử dụng dầu máy tổng hợp toàn phần nếu có thể
Dù việc thay dầu theo định kì là điều không mới mẻ, bạn nên cân nhắc sử dụng các loại dầu tổng hợp toàn phần (100% Synthetic) có chất lượng cao - đặc biệt là nếu chiếc xe đã có tuổi đời lớn. Trước đây, nhiều loại động cơ tăng áp thường sử dụng chính dầu máy để làm mát bộ phận tăng áp. Nếu chất lượng dầu không được đảm bảo, nó sẽ dẫn tới hiện tượng hỏng hóc bởi lẽ tua bin tăng áp vốn quay ở tốc độ lớn hơn tua máy rất nhiều, đòi hỏi phải được bôi trơn hoàn hảo. Trên một số mẫu xe hiệu năng cao, nhà sản xuất cũng bố trí cả bộ phận làm mát bổ trợ (sử dụng nước làm mát), tuy nhiên vai trò của dầu vẫn không thể bị xem thường.
6. Bảo dưỡng hệ thống làm mát khí nạp tăng áp sau mỗi 160.000km
Ngoài việc súc rửa các hệ thống làm mát của động cơ như thường lệ, chủ nhân của những chiếc xe với động cơ tăng áp cũng cần lưu ý bảo dưỡng hệ thống làm mát khí nạp của bộ phận này (Intercooler).
Do đây là việc khá khó khăn nên có lẽ bạn sẽ cần viện tới sự trợ giúp của kĩ thuật viên lành nghề trong việc dỡ toàn bộ hệ thống Intercooler, làm sạch dầu mỡ và kiểm tra mọi dấu hiệu bất thường. Nếu có đủ dụng cụ, bạn cũng nên thử áp suất của hệ thống làm mát này, nhằm đảm bảo độ kín và mọi chức năng đều vận hành hoàn hảo.
Bảo dưỡng hệ thống làm mát khí nạp của hệ thống tăng áp là điều cần thiết.
7. Kiểm tra định kì hệ thống đường dẫn khí cao áp
Một trong những thành phần dễ bị lơ là khi bảo dưỡng động cơ tăng áp chính là đường dẫn khí cao áp nối từ bộ tăng áp tới hệ thống làm mát và động cơ. Hầu hết các hệ thống tăng áp hiện đại đều vận hành ở áp suất hơn 12 psi. Chỉ một trục trặc nhỏ ở các đường ống dẫn có thể khiến suy giảm áp suất tăng áp. Trong tình huống này, tua bin tăng áp sẽ bị buộc phải vận hành ở tốc độ quay cao hơn nữa nhằm bù áp suất đã mất.
Van điều tiết thường sẽ không thể nhận biết hiện tượng rò rỉ áp suất đâu đó trên đường ống dẫn.
Do van điều tiết (wastegate actuator), vốn chịu trách nhiệm điều tiết lượng khí cần thiết cấp cho cánh quạt tua bin tăng áp để đạt tới tốc độ quay cần thiết cho việc tạo áp suất thường không thể nhận biết hiện tượng rò rỉ áp suất, nó sẽ cố gắng ép tua bin quay nhanh hơn cho tới khi đạt được mức áp suất cần thiết để động cơ vận hành bình thường. Hiện tượng này dẫn tới việc tua bin tăng áp sẽ phải vận hành ở trạng thái quá tốc không cần thiết một cách liên tục, khiến tuổi thọ suy giảm nghiêm trọng.
8. Không di chuyển quá chậm ở cấp số cao
Đây là một trong những lưu ý khá quan trọng - đặc biệt nếu bạn sở hữu những chiếc xe với động cơ tăng áp được trang bị lẫy chuyển số vô lăng (hoặc các cơ chế chuyển số bằng tay khác). Việc di chuyển quá chậm ở cấp số cao sẽ khiến mọi thành phần của hệ truyền động phải chịu áp lực rất lớn, gây giảm tuổi thọ và đặt xe trước nguy cơ hỏng hóc. Chính vì vậy, nếu không chắc về việc sử dụng các cấp số sao cho phù hợp, hãy để chiếc xe tự quyết định.
Động cơ tăng áp không phải là tất cả! Bạn hãy dùng hộp số đúng với chức năng và nhiệm vụ của nó.
Với xe số sàn có hệ thống tăng áp, bạn nên tận dụng tối đa khả năng của hộp số. Nói cách khác, hãy chọn số phù hợp để có đủ lực kéo cần thiết cho tác vụ lên dốc hay xuống dốc, thay vì cố đạp ga ở số cao, khiến bộ phận tăng áp phải làm việc ở cường độ lớn một cách không cần thiết. Với những tay lái giàu kinh nghiệm, việc kết hợp cấp số với chân ga nhuần nhuyễn để duy trì tăng áp vận hành ở mọi thời điểm luôn để có đủ lực kéo cho mọi thao tác vận hành, được coi là kĩ năng rất quan trọng.
10. Đừng nhấn lút chân ga, đặc biệt là khi thoát góc cua
Một trong những sai lầm lớn nhất của người cầm lái những chiếc xe với động cơ tăng áp là cố gắng đạp lút ga khi họ cảm thấy chiếc xe không có đủ lực kéo do hiện tượng trễ tăng áp (Turbo Lag). Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn trong việc xe sẽ vọt lên ngoài tầm kiểm soát, khi hệ thống tăng áp bất ngờ được kích hoạt cung cấp cho chiếc xe động lực cực lớn. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi bạn đang thoát góc cua, hoặc trong các tình huống xoay xở ở nơi đông người. Không ít những tình huống "xe điên" đã xảy ra chỉ vì một tài xế non kinh nghiệm cố đạp lút ga khi giai đoạn "trễ" tăng áp đang xảy ra kiểu như vậy.
Không ít rủi ro đã xảy ra vì người cầm lái chưa nắm rõ đặc điểm vận hành của động cơ tăng áp.
Do khuôn khổ bài viết, tác giả không thể đề cập sâu rộng hơn những vấn đề quá chi tiết. Tuy nhiên, điều bạn nên luôn ghi nhớ là một hệ thống động cơ tăng áp luôn ẩn chứa nhiều khác biệt so với những loại hình khí nạp tự nhiên truyền thống. Do đó nó cũng đòi hỏi những khác biệt nhất định trong thao tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Dù trên những dòng xe hiện đại, bộ phận tăng áp thường trải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm gắt gao nhằm đảm bảo khả năng vận hành về lâu dài trong các tình huống thường gặp trên đường. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc chúng "bất tử". Nói cách khác, mọi nỗ lực chăm sóc từ phía người dùng đều sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Hãy luôn ghi nhớ điều này, mở rộng tìm hiểu và chủ động thay đổi thói quen để không chỉ tăng tuổi thọ cho chiếc xe cưng mà còn đảm bảo an toàn cho chính mình, bạn nhé! * Bài viết có sử dụng ý kiến của giáo sư Ricardo Martinez-Botas, chuyên gia về máy tăng áp của khoa Kĩ thuật cơ khí, trường đại học Hoàng gia London. Đây là một trong những đơn vị hàng đầu, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tăng áp trên toàn thế giới. |
Theo OtoFun News