Hiện chưa có văn bản luật nào quy định mức xử phạt với những xe dừng, đỗ ở đường lánh nạn nhưng không nhằm mục đích lánh nạn.
Ôtô dừng, đỗ ở đường lánh nạn có bị phạt?
Ôtô dừng ở đường lánh nạn, nhiều người xuống nghỉ ngơi, ăn uống. Ảnh: OS
Theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8810 : 2011 về đường cứu nạn ôtô – yêu cầu thiết kế thì đường cứu nạn là đoạn đường được thiết kế và thi công trên đường đèo dốc nhằm làm giảm tốc độ và đảm bảo cho những xe mất kiểm soát dừng lại khi xuống dốc. Trong trường hợp này, xe mất kiểm soát có thể rời khỏi đường chính vào đường cứu nạn, dừng lại để sửa chữa.
Đường cứu nạn gồm hai đoạn: đoạn đường dẫn và đệm giảm tốc. Xe mất kiểm soát là xe không điều khiển được do hỏng phanh, hỏng hộp số, do máy quá nóng... khi xuống dốc. Và với kết cấu độ dốc ngược so với chiều xe chạy, khi xe bị mất phanh sẽ giúp giảm tốc độ và dừng lại trong một thời gian ngắn. Hạn chế tối đa được những thiệt hại và hậu quả như xe bị lao xuống dốc hoặc xuống vực.
Do đó, việc dừng đỗ ở lối vào hoặc dừng đỗ ở đường lánh nạn không phải là lựa chọn đúng vì điều đó đồng nghĩa với nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện, theo quy định tại Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung đều không có quy định cụ thể nào để xử phạt về hành vi dừng, đỗ xe tại đường lánh nạn.
Trong trường hợp tại nơi đường lánh nạn có lắp biển báo "Cấm dừng xe và đỗ xe" theo điểm h khoản 2, điểm e khoản 3 điều 5 Nghị định 100 với mức phạt từ 400.000 đồng đến một triệu đồng. Trường hợp dừng đỗ xe gây tai nạn giao thông thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc Tội cản trở giao thông đường bộ tại điều 261 với mức hình phạt lên đến 10 năm tù.
Tuy nhiên, mức phạt vi phạm hành chính như trên là quá thấp. Do đó, với việc hành vi đang phổ biến thì việc cần quy định một chế tài cụ thể, rõ ràng để xử lý đúng trường hợp này là cần thiết và cần phải được xây dựng áp dụng nhanh chóng để có tính răn đe và phòng ngừa, hạn chế hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra nếu tình trạng này cứ tiếp diễn.
Theo vnexpress