Bộ Công an đề xuất đấu giá trực tuyến biển số ôtô hoàn toàn trên môi trường internet. Trong đó đã dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình đấu giá
Bộ Công an vừa họp công bố quyết định thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ôtô. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an - chủ trì cuộc họp.
Đấu giá trực tuyến
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ôtô.
Theo đó, Ban Soạn thảo gồm 13 thành viên, do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long làm Trưởng Ban; Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT - làm Phó trưởng Ban và 11 thành viên ở các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính. Tổ Biên tập gồm 19 thành viên, do Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung làm Tổ trưởng, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT - làm Tổ phó.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết Bộ Công an đề xuất đấu giá trực tuyến biển số ôtô hoàn toàn trên môi trường internet; đề nghị đưa vào dự thảo Nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá để áp dụng cho đấu giá biển số ôtô.
Theo đại diện Cục CSGT, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chặt chẽ, không để đối tượng lợi dụng quy định của pháp luật để làm sai lệch nội dung đấu giá. Cục CSGT cũng xây dựng phần mềm đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch, trong đó đã dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình đấu giá, đặc biệt phòng ngừa trường hợp các đối tượng hacker can thiệp vào hệ thống, làm thay đổi kết quả đấu giá.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu Cục CSGT khẩn trương phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện dự thảo nghị định để lấy ý kiến người dân và các cơ quan chức năng trước khi trình Chính phủ ban hành.
Theo nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, biển số ôtô đưa ra đấu giá là biển xe nền màu trắng, chữ và số màu đen (trừ biển số cấp cho ôtô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế; ôtô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài; ôtô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự... hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam).
Người bấm được biển ngũ quý 5 ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VĂN NÊN
Giá khởi điểm 40 triệu đồng
Bộ Công an tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm công khai biển số ôtô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số xe của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đăng ký tham gia đấu giá.
Biển số xe không được lựa chọn để đấu giá hoặc đấu giá không thành được chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định. Trong thời gian thực hiện nghị quyết này, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh mạng khi kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe để tổ chức việc đấu giá biển số ôtô.
Nghị quyết quy định giá khởi điểm của một biển số ôtô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng; tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá với bước giá là 5 triệu đồng. Tiền thu từ đấu giá biển số ôtô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách trung ương. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.
Trong trường hợp khi hết thời hạn mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá, biển số ôtô đưa ra đấu giá được chuyển nhượng cho người đó.
Người trúng đấu giá biển số ôtô được giữ lại biển số ôtô trúng đấu giá trong trường hợp xe bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng - cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; được cấp lại biển số xe trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển khi bị mất, mờ, hỏng. Tuy nhiên, người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng - cho, để thừa kế biển số xe trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng - cho, để thừa kế xe gắn biển số trúng đấu giá. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng
Góp ý thêm về việc đấu giá biển số ôtô, ThS Bùi Phan Anh - giảng viên Tổ Bộ môn Đấu giá Học viện Tư pháp - cho rằng việc đấu giá biển số xe phải coi như tài sản được đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là đấu giá tài sản nhà nước, thực hiện theo trình tự của Luật Đấu giá năm 2016. Giai đoạn 2 là đấu giá tài sản khi đã thuộc về sở hữu tư nhân thì cho người trúng đấu giá được giao dịch, chuyển nhượng.
Theo ông Bùi Phan Anh, nếu cho người trúng đấu giá biển số xe có quyền định đoạt biển số - mua, bán, cho - sẽ tạo nên thị trường giao dịch, kích thích tính thị trường, càng tăng giá trị của biển số đó. Lúc đó, thông qua việc đấu giá biển số xe và thuế chuyển nhượng biển số, sẽ đem về nguồn thu cho ngân sách lớn hơn. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng tiêu cực, không minh bạch, lợi dụng việc đấu giá làm sai lệch tính nhân văn, văn minh trong đấu giá biển số xe.
Anh Vũ Xuân Ninh (35 tuổi, người dân trú tại Hưng Yên) cho rằng khi đời sống nhân dân nâng lên, mua được xe mới có giá trị cũng muốn có được biển số đẹp theo nhu cầu và nhà nước có thêm nguồn ngân sách. Do đó, việc Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe làm anh rất vui.
"Tôi mong hệ thống đấu giá xe trực tuyến 4.0 ra đời, hợp pháp, bảo đảm quyền lợi cho người đấu giá cũng như ngân sách quốc gia. Tôi cũng mong cơ quan chức năng tham khảo ở các nước phát triển để đấu giá đúng với quy định của pháp luật, minh bạch, tạo nguồn thu cho ngân sách" - anh Ninh kỳ vọng.
Theo autopro