Ảnh hưởng của dịch Covid, xe mới giảm giá sâu, liên tục nâng cấp để hút khách. Các salon xe cũ đìu hiu. Những chiếc xe sang đình đám một thời nằm im lìm trong kho. Có chiếc hạ giá còn 300 triệu không thèm ai rước.
Hết thời, xe sang hạ giá ngồi “chung mâm” với xe cỏ
Khảo sát các điểm bán xe cũ tại Hà Nội, khoảng cách phân định xe sang - xe cỏ không còn. Ở đây, những chiếc xe được phân bậc theo giá trị salon “niêm yết”. Nhiều dòng xe sang đời 2011 được rao bán rẻ hơn xe cỏ.
Xe sang lỗ nặng sau thời gian sử dụng.
Trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, những chiếc xe sang đời sâu (2000 - 2008) được chủ nhân rao bán thanh lý với giá vài chục triệu đồng.
Anh Trung, chủ salon xe cũ tại Hà Nội chia sẻ với phóng viên Dân Việt: “Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ sở kinh doanh. Xe mới có nhiều cách tiếp cận khách hàng, kể cả online. Còn xe cũ thì đành đắp chiếu chờ dịch được khống chế. Tầm này, nguồn hàng phong phú nhưng bọn anh không dám nhập vì thực sự khó bán”.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi salon chỉ dám “chứa” 1 đến 2 chiếc xe cũ đời sâu. Những chiếc xe này đều thuộc diện người quen ký gửi, khó chối từ nên đành “nhập” kho. Chủ nhân cần tiền, xác định bán giá “đồng nát, sắt vụn”.
Một ví dụ thực tế, chiếc Mercedes C200 sản xuất 2008, ODO 100.000 km, màu đen còn mới nằm yên trong góc của một salon trên đường Phạm Hùng, phóng viên hỏi mua thì được tư vấn viên báo giá chỉ 335 triệu, rẻ hơn một số mẫu xe hạng A trên thị trường.
Nhân viên cho hay, xe hoạt động tốt, bảo dưỡng định kỳ chuẩn, chủ trước là người kỹ tính nên xe được giữ gìn cẩn thận: “Nhược điểm của chiếc xe này là có thâm niên phục vụ chủ quá lâu thôi (cười)”.
Khi biết người xem xe là phóng viên viết bài, anh K - người đang tư vấn về chiếc xe không ngại mở lòng: “Khách chê xe sang đời sâu bởi chi phí linh phụ kiện thay thế đắt đỏ, có nhiều loại khó tìm, tốn xăng và không nhiều đồ chơi như các dòng xe phổ thông. Họ từ chối thẳng thừng mỗi khi được gợi ý chọn xe sang cũ”
Chỉ sang chiếc BMW 320i 2009 hàng nhập khẩu nguyên chiếc, ODO 90.000 km giá hơn 300 triệu. Xe nguyên bản, ngoại thất còn mới. Dù đã “tung hàng” lên facebook, kết nối với các đại lý ngoại tỉnh, làm video, livestream vẫn không đẩy hàng đi được.
Khó bán vì sao?
Tại nước ngoài, cụ thể ở đây là Mỹ, nguồn gốc xe cũ luôn được công khai minh bạch. Những xe cũ bán tại đại lý phải trải qua các đợt kiểm tra chất lượng kỳ 6 tháng/lần mới được phép bán lại. Thêm nữa, đa số người dân Mỹ đều mua bảo hiểm và chỉ sửa xe chính hãng nên mọi dữ liệu về quá trình sử dụng, nguồn gốc xe được cập nhật chi tiết.
Giá rẻ nhưng xe sang cũ vẫn khó tìm khách.
Còn tại Việt Nam, khách hàng khó tìm hiểu lịch sử xe cũ, trong khi một chiếc xe có thể qua tay rất nhiều người. Người mua phần lớn trông cậy vào sự uy tín của nơi bán, tay nghề thợ "test" xe cũ. Tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia nhận định: “Xe sang đời sâu khó thanh lý do hiện nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn. Xe mới ưu đãi, giảm giá tới hàng chục, hàng trăm triệu vẫn đáng mua hơn xe sang cũ. Những xe giá rẻ thường có số ODO quá lớn, các bộ phận khấu hao gần hết, khó tìm đồ thay thế. Ai cũng sợ cảnh “giam” xe cả tháng trong lúc chờ nhập đồ thay thế”.
Mua xe hơi để lên đời, không ai muốn chi một đống tiền để rước về “quả bom nổ chậm”, có thể “ngốn” tiền chủ nhân bất cứ lúc nào, dù những chiếc xe đó được rao bán với giá cực rẻ.
Hiện nay, những chiếc xe phổ thông chạy lướt với giá cắt lỗ lên tới vài trăm triệu, đây là lựa chọn tối ưu cho những “lính” mới vào nghề cầm lái và những người hạn hẹp về tài chính.
Theo autopro