Lái xe lên, xuống phà là tình huống nguy hiểm, đặc biệt với những người mới có bằng lái, mỗi khi đi phà tài xế cần phải ghi nhớ một số nguyên tắc ''sống còn".
Các bước cần chuẩn bị khi đi phà
Mua vé
Khi đi xuống bến phà thường sẽ có quầy bán vé, tài xế phải đọc kỹ bảng chỉ dẫn. Đối với vé xe ô tô thường không bán kèm theo hành khách, vì vậy khi mua vé phải mua vé cho ô tô và hành khách riêng.
Hành khách phải xuống xe
Theo quy định hiện nay, khi đi qua phà, mọi hành khách phải xuống xe trừ người lái, các trường hợp đặc biệt như người già yếu, người bệnh…
Đi theo làn được chỉ dẫn
Ở những bến phà lớn thường có nhiều làn nên tài xế cần đi theo sự chỉ dẫn. Phụ thuộc vào tình hình thực tế mà tài xế có phải đợi để được lên phà. Trong lúc xếp hàng cần dừng đúng làn đường quy định, không nên cản trở gây tắc đường. Nếu phải dừng lâu tài xế có thể tắt máy để tiết kiệm xăng.
Những nguyên tắc cần nhớ khi lên xuống phà
Khi lên, xuống phà
Nguyên tắc đầu tiên là khi đi lên, xuống phà thì có duy nhất tài xế là người ngồi bên trong, trừ trường hợp người già yếu, bệnh tật. Nhằm bảo đảm an toàn tài xế cần nhớ quy tắc "Xuống phà, xe trước, người sau. Lên phà, người trước, xe sau an toàn".
Câu này được hiểu là khi xuống phà, xe xuống trước rồi mới đến người, khi lên thì ngược lại người lên trước rồi mới đến xe. Theo tình hình thực tế, có nhiều loại phà khác nhau và chúng cũng không dễ dàng gì để ra vào xe.
Có thể phà đã đông chỗ, mép phà không sát với bến, độ dốc không phù hợp. Tùy vào thực tế hoàn cảnh mà lái xe đưa ra phán đoán nên lùi vào phà hay tiến vào phà để khi ra khỏi phà thoải mái nhất.
Theo kinh nghiệm lái xe ô tô của những tài già, khi xuống phà, hãy dùng cách đánh lái chéo vào phà. Việc đi chéo thực chất để giảm độ dốc, tránh chạm gầm, chạm mũi hoặc đuôi xe.
Người lái lúc này không nên đi xe vuông góc mà chuyển sang đi xe chéo góc, cho từng bánh lên một thay vì cho 2 bánh lên cùng lúc, cũng giống như khi cho xe lên vỉa hè. Thao tác này giúp xe không bị chạm gầm gây hỏng hóc một số bộ phận.
Lên, xuống phà là một kỹ năng khó, yêu cầu phải rất cẩn thận, phối hợp giữa người điều khiển phà và xe. Nếu phà to thì dễ, còn ở các vùng sâu vùng xa, sử dụng phà nhỏ mức độ khó tăng dần.
Khi đỗ xe trên phà
Theo luật giao thông, khi đỗ xe trên phà, tất cả mọi người phải xuống xe trừ tài xế hoặc người già yếu, bệnh tật không có khả năng. Tài xế ở trên xe để kịp thời xử lý nếu chẳng may gặp sự cố bất ngờ.
Trên xe số tự động, khi thực hiện đỗ xe trên phà có nhiều tranh cãi là nên để N và phanh tay hay để P và phanh tay. Còn theo các chuyên gia, các tài xế nên để P và phanh tay, rồi tắt máy. Nguyên nhân là khi phà di chuyển hay cập bến đều sẽ rung lắc. Nếu chỉ để N và kéo phanh tay thì sẽ không đảm bảo ổn định cho xe.
Với trường hợp xe số sàn tài xế cũng làm tương tự. Nếu phải thường xuyên qua phà thì tài xế cũng nên chuẩn bị thêm chiếc nêm chèn bánh bởi khoảng trống giữa các xe trên phà không nhiều, nếu phà cập bến bị đâm mạnh có thể khiến xe đâm vào đuôi xe trước gây hư hại cho cả hai xe.
Theo oto