Thị trường ô tô cuối năm luôn sôi động nhưng đây có phải là thời điểm thích hợp để mua xe giá “hời”?
Nhiều người cho rằng, dịp cuối năm các hãng xe bị áp lực doanh số nên phải giảm giá, đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để lôi kéo khách hàng. Trên thực tế, có rất nhiều gói ưu đãi cho đợt mua sắm này, nhưng khách hàng chưa hẳn đã có thể mua được giá “hời”. Dưới đây là một số kinh nghiệm mua được ô tô đi lại dịp Tết với giá rẻ nhất có thể.
1. Cân nhắc mức ưu đãi
Cuối năm, cận Tết là một thời điểm lý tưởng để mua xe ở Việt Nam. Đơn giản, vì các hãng xe sẽ tới tấp tung ra các chương trình khuyến mại chào Xuân. Nói là vì khách hàng, nhưng thực tế thì các nhà sản xuất thường trông chờ vào lúc cuối năm để đẩy mạnh doanh số.
Dịp này, nhân viên bán xe sẵn sàng đưa ra cho bạn một mức giá rất tốt vì họ cố gắng hoàn thành doanh số năm. Đó cũng là lúc bạn có cơ hội để thương lượng giá cả với họ cũng như đề xuất thêm các mức ưu đãi.
Bên cạnh chuyện thương lượng giá, một phần quan trọng bạn không nên bỏ qua là đòi các khoản khuyến mại kèm theo. Chẳng hạn như phụ tùng lắp thêm không tính tiền, tiền bảo hiểm, thuế trước bạ, phí đăng ký, lãi suất ngân hàng (mua trả góp)… Do đó, bạn phải tìm hiểu và “đòi” cho đủ. Không ít đại lý có thể kiếm lời bằng cách cắt bớt các khuyến mại này.
Đi mua xe trong “mùa khuyến mại” rõ ràng là người dùng có lợi về mặt giá cả. Thêm vào đó, bạn còn có thêm nhiều quyền lựa chọn. Khi hãng nào cũng đưa ra các chương trình ưu đãi, đừng thấy vậy mà quyết định vội. Hãy bình tĩnh, tham khảo thật kỹ, so sánh các mức giảm giá, hay giá trị quà tặng. Cùng một chiếc xe có chất lượng tương đương, hoặc “một chín, một mười” của 2 hãng khác nhau, chẳng tội gì mà không chọn chiếc xe được ưu đãi nhiều hơn, giá thấp hơn.
2. Mặc cả không bao giờ là thừa
Các công ty liên doanh thường bán xe qua hệ thống đại lý, trừ các trường hợp mua số lượng lớn phục vụ kinh doanh. Do đó, các công ty này duy trì chính sách giá công bố và giá bán cho đại lý bao gồm chiết khấu. Dịp Tết, rất có thể nhà sản xuất còn chiết khấu cao hơn nữa cho các đại lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá công bố của nhiều công ty khác xa so với giá bán cho đại lý và nhiều người lầm tưởng kiếm được món hời khi mua được xe với giá “ưu đãi” gần mức này. Thông thường, giá xuất xưởng của các công ty còn bao gồm mức chiết khấu từ 7 tới 11% cho đại lý cộng thêm các khoản thưởng vượt doanh số rất lớn. Như vậy, đại lý hoàn toàn có thể bán xe với mức giá thấp hơn giá xuất xưởng tới mức trừ hết hoa hồng để đạt được mức doanh số cam kết với hãng.
Tùy theo nhà sản xuất chiết khấu cho các đại lý và mức hoa hồng nhân viên kinh doanh được nhận từ các đại lý như thế nào mà các nhân viên này sẽ sẵn sàng hạ giá hay tặng thêm các phụ kiện để bán được xe. Bạn hãy nhớ rằng, tất cả các nhân viên kinh doanh đều phải đạt chỉ tiêu doanh số hoặc vượt để được thưởng cao và họ sẽ phải làm rất nhiều để đạt các chỉ tiêu đó.
Đừng ngại yêu cầu người bán mang xe cho bạn lái thử trong bất kỳ thời điểm mua xe nào
3. Xe đời cũ chưa chắc đã không tốt.
Xe sắp “hết mốt” bao giờ giá cũng rẻ hơn – đó là điều không cần bàn cãi. Nếu tinh ý và nắm bắt thông tin tốt, bạn sẽ biết được mẫu xe mình đang định mua có sắp ra phiên bản mới hay không dựa vào vòng đời của sản phẩm, dựa vào chiến lược của mỗi hãng xe.
Tết cũng là dịp các đại lý muốn đẩy càng nhanh càng tốt đống hàng tồn để lấy chỗ cho sản phẩm mới vừa ra mắt đầu năm dương lịch. Nhân viên bán hàng khó mà thét giá cao nếu như bên cạnh những phiên bản vừa ra mắt vẫn còn bóng dáng của xe đời cũ, giá rẻ hơn nhiều mà kiểu dáng cũng chẳng khác biệt là bao. Càng nhanh “thanh lý” xe cũ, đại lý càng dễ thuyết phục khách hàng lựa chọn đời mới với biên lãi cao hơn. Đó là cơ hội cho bạn để mua được xe đời cũ với giá rẻ hơn.
Một chiếc xe được thiết kế lại xem ra cũng chẳng khác xe đời cũ là mấy. Tất nhiên sẽ có một vài chi tiết được thay đổi, nhưng xét một cách tổng thể, khách hàng sẽ không phải sợ bị tụt hậu quá xa về kiểu dáng nếu không chọn “hàng mới về” năm nay.Nếu gặp khách đến mua xe đời “vừa bị cũ”, nhân viên của các đại lý sẵn sàng đưa ra những ưu đãi về giá, thủ tục mua bán cũng nhanh hơn, xe có thể lấy được ngay.
4. Không bao giờ quên kiểm tra chất lượng
Có một điều bất hợp lý trong các thương vụ mua bán xe hơi ở nước ta, đó là người mua hầu như không được kiểm nghiệm chiếc xe trước khi mang xe về nhà. Đây là kết quả của việc mua bán xe theo tâm lý số đông dẫn đến tình trạng ém hàng hoặc làm tăng giá bán xe.
Chính vì vậy, đừng ngại yêu cầu người bán mang xe cho bạn lái thử trong bất kỳ thời điểm mua xe nào. Bỏ qua trình tự này, rủi ro gặp phải sau khi nhận xe sẽ chỉ làm mất thời gian và mang bực dọc vào người.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm để cảm nhận chiếc xe thì nên nhờ người có đủ khả năng làm việc đó và cùng sở thích điều khiển xe như bạn để thực hiện điều đó.
5. Không nên “đóng đinh” vào một thương hiệu
Trong xu hướng phát triển toàn cầu hóa, một chiếc xe hơi thành phẩm được tạo ra từ nhiều nhà cung cấp phụ kiện khác nhau trên thế giới. Có quá nhiều những chi tiết của những chiếc xe khác thương hiệu được dùng chung từ một nhà cung cấp.
Mỗi một dòng xe được sản xuất ra đều nhắm đến một tập khách hàng nhất định, cho dù chiếc xe đó mang thương hiệu nào đi chăng nữa. Sự cạnh tranh khắc nghiệt đã buộc các nhà sản xuất xe hơi phải nâng cao chất lượng và đẩy mạnh khả năng sáng tạo trong việc thiết kế các sản phẩm của mình.
Bởi vậy, khi chọn lựa mua xe, không nên ấn định thương hiệu xe theo lịch sử và số đông. Hãy tìm hiểu xem chiếc xe có phù hợp với nhu cầu hay không và đặc biệt, dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp có làm bạn yên tâm.
6. Xác định mục tiêu rõ ràng khi chọn lựa xe
Bạn nên hiểu rằng, không có sản phẩm nào là hoàn hảo. Xe hơi cũng vậy, không có chiếc xe nào vừa rẻ, đẹp, sang trọng lại vừa dễ bán lại. Điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại có khá nhiều người đặt kỳ vọng vào một sản phẩm trong quá trình tìm kiếm và chọn lựa chiếc xe cho riêng mình.Nên xác định rõ mục tiêu và tiêu chí khi chọn lựa xe để tránh lãng phí thời gian không cần thiết vì chẳng có chiếc xe nào thỏa mãn đầy đủ tiện ích mà ai cũng mong muốn.
Theo Xe giao thông