Các vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp gần đây cho thấy, du khách chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm khi sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy.
Tai nạn giao thông kinh hoàng vào rạng sáng ngày 22/5/2016 đã cướp đi mạng sống của 13 người và làm bị thương 40 người, vừa xảy ra tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Nhất là vụ lật tàu có 48 khách du lịch trên sông Hàn ở Đà Nẵng được đưa tin tối hôm 4/6/2016 với 3 người chết và hàng chục người khác bị thương.
Đây không phải là những tai nạn tai nạn đầu tiên cho khách du lịch liên quan tới vận chuyển đường bộ và đường thủy. Nhiều lý do được đưa ra như đường hẹp, không có dải phân cách, tài xế chạy ẩu, tàu chở khách quá tải, phương tiện cũ không đảm bảo…
Trong vụ tai nạn ô tô ở Bình Thuận, điều ít được nhắc tới nhưng lại là nguyên nhân quan trọng gây tai nạn chính là thời điểm xảy ra tai nạn. Theo đồng hồ sinh học của con người, thì thời điểm tài xế mệt mỏi nhất, nếu chạy ban ngày là 12.30 – 13.30, nếu chạy đêm là 3.30 – 5.00. Đây là thời điểm mà hành khách thường ngủ sâu, ít ai thức cùng tài xế, kể cả phụ xế lẫn hướng dẫn viên (kể cả những người có kinh nghiệm) nếu có.
Tài xế thường dễ ngủ gật và lạc tay lái vào những thời điểm cố định trong ngày nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ - ảnh minh họa.
Là một hướng dẫn viên, tôi cảm nhận rất rõ điều này. Khi mọi người ngủ say (ngủ cũng lây rất nhanh), chỉ cần tài xế, “gật gù” bất chợt là lạc tay lái. Do vậy phụ xế cùng với hướng dẫn viên phải luôn thức cùng tài xế trên mọi chặng đường. Buổi sáng và trưa, tài xế chỉ ăn lót dạ vì sợ “Căng da bụng thì chùng da mắt”.
Do vậy, tại các điểm dừng, tài xế phải được ưu tiên ăn và nghỉ trước, tranh thủ xả hơi hoặc chợp mắt để phục hồi sức khỏe, tiếp tục lái xe phục vụ khách. Trong các tour du lịch, do phải ở chung với hướng dẫn viên nên tài xế cũng thường là người phải ăn, nghỉ sau cùng. Bất cập này, cần phải được xóa bỏ.
Thứ 2 là kỹ năng thoát hiểm đường bộ và đường thủy. Hành khách hàng không, trước khi máy bay cất cánh đều được hướng dẫn tỉ mỉ các kỹ năng thoát hiểm, các tàu du lịch lớn cũng làm tương tự. Riêng với đường bộ, cả ô tô và xe lửa đều không có. Các tàu chở khách du lịch đường thủy nhỏ cũng không thấy. Theo lý đây nên là việc bắt buộc của các phụ xế, hướng dẫn viên, đội tàu trước khi phương tiện khởi hành.
Việc làm này vừa giúp khách thoát hiểm khi xảy ra tai nạn, vừa nhắc nhở tài xế/lái tàu nhớ tới trách nhiệm cẩn thận khi ngồi sau tay lái. Chỉ cần 5 -7 phút thôi, nhiều tính mạng người đã có thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Trong rất nhiều vụ tai nạn đường bộ cũng như đường thủy, có một số lượng không nhỏ nạn nhân bị thiệt mạng vì hoảng hốt, không biết cách thoát hiểm.
Hành khách cần được trang bị kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra tai nạn.
Tôi nhớ lần Famtrip du lịch sinh thái ở Brunei năm 2008. Trước khi cano xuất bến, các nhân viên xuống tàu, kiểm tra nút cài của áo phao từng khách một. “Phải giảm thiểu tối đa thương vong khi gặp tai nạn”. Một nhân viên giải thích khi đọc được trong mắt vài khách sự khó chịu vì sự cẩn trọng quá mức của họ.
Giảm thiểu tai nạn giao thông và thương vong là trách nhiệm của mọi người. Dĩ nhiên nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, tiếp theo là các doanh nghiệp và sau cùng chính là của những người tham gia giao thông. Kết quả tùy thuộc vào sự đồng bộ và đồng lòng của bộ ba: nhà nước - doanh nghiệp - người tham gia giao thông. Phải cấp bách hạn chế tối đa những tai nạn thương tâm đang xảy ra như cơm bữa trên đất nước mình. Để những chuyến đi mãi là những chuyến vui!
Theo Tạp chí giao thông