Khi đi lái thử xe hơi dù mới hay cũ, người lái cần phải đặc biệt chú ý đến các yếu tố như khả năng vận hành, cảm giác lái và mức độ thoải mái.
Theo kinh nghiệm mua bán xe ô tô, việc đi trải nghiệm xe hơi hay lái thử là một bước vô cùng quan trọng trước khi quyết định "tậu xe". Các hãng xe cũng chú trọng đến cảm nhận của người dùng nên thường có các mẫu xe chạy thử tại showroom.
Hình thức phổ biến nhất được các hãng xe áp dụng là những buổi "test drive" tại các quán cafe, các chuyến đi lưu động hay lái thử cùng các chuyên gia. Khi đi trải nghiệm hay tham gia lái thử xe, người dùng cần phải lưu ý một số những điều sau:
Cảm giác vô lăng
Khi đi lái thử xe, người lái cần chú ý tới 3 yếu tố chính liên quan đến vô lăng là độ nhạy, độ đầm chắc và tốc độ phản hồi. Đây là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm và khả năng an toàn, đặc biệt là sự khác nhau giữa xe có hệ thống lái trợ lực điện và trợ lực thủy lực.
Khi cầm lái, đầu tiên tài xế nên để ý đến độ nhạy của vô lăng khi bẻ lái vào cua và độ nặng của bánh lái truyền lên vô lăng. Xem xét khi bẻ lái có cảm thấy vô lăng bị nặng hay chuyển hướng chính xác theo mong muốn không?
Tiếp theo, tài xế chú ý đến độ đầm chắc của vô lăng, tức để ý đến lực tác động vào vô lăng trong quá trình điều khiển phương tiện. Trong trường hợp vô lăng quá nhẹ trên đường thẳng, sẽ gây ra cảm giác khó kiểm soát xe. Ngược lại, nếu vô lăng quá nặng sẽ gây mệt nếu phải chuyển hướng liên tục.
Do đó, một chiếc xe có cảm giác vô lăng tốt là không mang lại cảm giác quá nhẹ hay quá nặng mà phải là mang lại cảm giác cầm chắc chắn.
Một vấn đề nữa mà tài xế cũng nên chú ý là tốc độ phản hồi của vô lăng. Thông qua tiêu chí này, tài xế có thể đánh giá được mức độ an toàn và lực bám giữa lốp xe với mặt đường. Cảm giác vô lăng tốt là không có cảm giác quá nặng khi lái ở tộc độ chậm và không quá "bay" khi lái ở tốc độ cao.
Cảm giác phanh
Cảm giác phanh là yếu tố quyết định đến sự an toàn của người lái, giúp kiểm soát ô tô. Mặc dù hiện nay, hầu hết các xe đều có hệ thống phanh điện tử, tuy nhiên tài xế cần chú ý đến độ nhạy và độ hãm của phanh.
Nói một cách đơn giản, độ nhạy của phanh chính là tốc độ phản ứng khi người lái nhấn phanh. Độ hãm phanh là cách thức phanh phản ứng khi tài xế nhấn phanh, dừng ngay lập tức hay dừng từ từ.
Ngoài ra, nếu phanh hoạt động không hiệu quả còn gây ra hiện tượng "cướp phanh" khi tài xế không chủ đích thực hiện. Khi lái trên một chiếc xe lạ, tài xế nên kiểm tra cách thức hoạt động và độ nhạy của phanh.
Độ bám đường
Độ bám đường là yếu tố mà tài xế nên chú ý khi lái thử vào các góc cua. Bánh xe có độ bám cao giúp tài xế ôm cua dễ dàng, không có cảm giác bị trượt bánh. Qua đây, tài xế cũng đánh giá được mức độ êm ái của hệ thống treo và sự phân bố trọng lượng của xe. Nếu các xe có phân bố lực không đều dễ gây nên hiện tượng thừa lái hay thiếu lái.
Ngoài ra, khi lái thử tài xế cũng có thể kiểm tra được khả năng hoạt động của hệ thống trống trượt TCS (Traction Control System), nó có tác dụng đảm bảo độ tiếp xúc của xe mặt đường để tài xế xử lý dễ dàng và chính xác hơn.
Độ êm ái của hệ thống treo
Tác dụng của hệ thống treo chính là triệt tiêu hoặc làm giảm các dao động của chiếc xe, giúp những người ngồi trên xe có được cảm giác êm ái, thoải mái, hạn chế tình trạng say xe. Bên cạnh đó, hệ thống treo còn có tác dụng giúp xe cân bằng khi tăng tốc, giảm tốc hay hãm phanh.
Khi đi trải nghiệm xe, tài xế nên chú ý xem cảm giác của hệ thống treo như thế nào? Nếu hệ thống treo quá cứng sẽ làm người ngồi có cảm giác khó chịu, còn nếu quá mềm sẽ khiến người lái có cảm giác bồng bềnh, dễ say xe. Do đó, khi đi lái thử, đặc biệt đối với các dòng xe cũ, tài xế nên chú ý đến tiêu chí này.
Kiểm tra tầm nhìn và các vị trí điểm mù
Theo kinh nghiệm lái xe hơi, người lái cần quan sát xem tầm nhìn có đủ bao quát không và xem vị trí của góc chữ A khi vào cua. Tầm nhìn rộng và góc chữ A hẹp sẽ giúp tài xế xử lý tốt hơn. Sau cùng, người lái nên đánh giá các vị trí điểm mù phía bên trước, hai bên thân xe và phía sau.
Theo ôto