Với những vết xước nhỏ và không quá sâu trên ô tô, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tự tay loại bỏ chúng bằng những thao tác vô cùng đơn giản.
Vết trầy xước trên ô tô được xem là nỗi ám ảnh của hầu hết chủ xe. Vết trầy xước có thể xuất hiện trong nhiều trường hợp khác nhau như tai nạn xe, đậu xe trong bãi xe chật chội dẫn đến va quẹt, hoặc thậm chí là bị phá…Tuy nhiên, đối với những vết xước nhẹ trên bề mặt, không khó để chủ xe có thể tự tay mình giải quyết chúng một cách nhanh chóng và triệt để chỉ bằng những bước cơ bản dưới đây.
Bước 1: Kiểm tra kỹ vết trầy xước
- Trước hết, bạn cần kiểm tra kỹ vết trầy xước vì có rất nhiều trường hợp vết bẩn, vết sơn vô tình dính trên xe dễ làm bạn nhầm lẫn, khiến bạn tốn nhiều thời gian để xử lý những việc “vô ích” hay thậm chí là phản tác dụng.
- Sau đó, để có phương pháp xử lý tốt nhất, bạn nên kiểm tra độ sâu và hao mòn hiện tại của vết xước. Lớp vỏ xe được cấu tạo bởi 4 lớp cơ bản, từ ngoài vào trong bao gồm : lớp sơn phủ, lớp màu, lớp sơn lót và kim loại (thép). Nếu như vết xước trên xe khá “mỏng”, chỉ ở lớp sơn ngoài thì khá dễ dàng để bạn có thể tự tay loại bỏ chúng. Tuy nhiên, nếu vết xước sâu tận bên trong lớp thép thì bạn nên nhanh chóng đưa “xế cưng” của mình đến Đại lý bảo dưỡng xe để được chăm sóc và sửa chữa chu toàn nhất.
- Ngoài ra, trước khi bắt tay xử lý, bạn nên kiểm tra xung quanh xe xem còn “đồng minh” của những vết trầy xước hay không. Việc này giúp bạn có thể dễ dàng loại bỏ triệt để cùng một lúc, tiết kiệm thời gian cho chính bản thân.
Bước 2: Chà giấy nhám
- Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng vết xước, bạn cần rửa sạch khu vực có vết xước trên xe. Nên ghi nhớ rằng, vết xước càng bẩn, bạn sẽ càng khó để xử lý chúng.
- Sử dụng giấy nhám khoảng 2.000 grit (grit là đơn vị đo độ nhám) để chà vết trầy xước. Lưu ý, nên chà theo hướng của vết xước và chắc chắn rằng không có bụi/cát nằm trên bề mặt xe để tránh tạo ra thêm những vết trầy xước khác không đáng có. Nếu vết trầy xước khá sâu và khó xử, bạn có thể sử dụng loại giấy nhám 1.500 grit.
- Sau khi chà giấy nhám, bạn nên rửa khu vực trầy xước, sau đó dùng khăn mềm lau sạch.
Bước 3: Chà bóng
- Tiếp theo, dùng máy đánh bóng kết hợp cùng bột nhám đánh bóng sơn “chà đều” lên khu vực trầy xước. Chú ý, bật máy đánh bóng với tốc độ trung bình và di chuyển liên tục từ vị trí này sang vị trí khác. Tránh giữ máy đánh bóng tại một vị trí quá 1 giây, việc này có thể làm “phản tác dụng” gây trầy tróc lớp sơn bên ngoài.
Công việc này có thể mất từ 5-10 phút, tùy theo mức độ trầy xước, tốc độ và áp lực của máy đánh bóng.
- Lau sạch khu vực vừa được chà bột nhám. Nếu bột nhám còn vương trong kẽ vết trầy xước thì nên dùng bàn chải đánh răng để loại bỏ chúng một cách triệt để trước khi đánh bóng.
- Dùng sáp carnauba wax chất lượng tốt kết hợp với máy đánh bóng chà lên khu vực xung quanh vết trầy xước với tốc độ nhất định.
- Đến đây, bạn có thể kết thúc việc xử lý vết xước bằng cách lau rửa sạch bề mặt xe thêm một lần nữa. Nếu thực hiện đúng các bước trên, các vết trầy xước trên xe sẽ biến mất hoặc chí ít là mờ đi trong trường hợp “khó trị”.
Theo Otos