Người tham gia giao thông đường bộ có thể xin giảm nhẹ một số hình phạt vi phạm luật giao thông nếu có tình tiết giảm nhẹ, quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Theo tin tức pháp luật xe ô tô, trong một số trường hợp, người tham gia giao thông sẽ được xem xét giảm nhẹ một số mức phạt vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để được xét giảm nhẹ, người vi phạm giao thông cần thỏa mãn một số điều kiện được quy định tại Điều 9, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể:
Điều 9. Tình tiết giảm nhẹ
Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.
Trong trường hợp người tham gia giao thông vi phạm lỗi ở mức bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước giấy phép lái xe là mức tối thiểu của khung thời gian tước (Khoản 2 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Người tham gia giao thông đường bộ có thể được giảm nhẹ mức phạt vi phạm luật giao thông nếu có tình tiết giảm nhẹ
Ví dụ:
Anh Nguyễn Văn A lái xe chở chất dầu thải, dù đã che bạt nhưng không may trong quá trình vận chuyển bị rớt một phần xuống đường. Tại thời điểm xảy ra sự việc, anh A nhận thấy CSGT không phát hiện nên chạy xe tiếp về nhà. Tuy nhiên, sau khi về nhà, anh A mở radio và nghe thấy thông tin có người tham gia giao thông đi xe máy trên cùng tuyến đường bị trượt ngã do bã dầu thải. Mặc dù đến thời điểm đó CSGT vẫn chưa tìm anh A và xử phạt nhưng anh A chủ động đi trình báo với mong muốn giảm nhẹ mức phạt.
- Theo Khoản 2 Điều 20 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, anh A sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ, gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
- Tuy nhiên, do anh A đã nhận thức được hành vi của mình và đến trình báo, căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, anh A có tình tiết giảm nhẹ thuộc Khoản 2 Điều 9, cụ thể: Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.
- Theo Khoản 4 Điều 23 về quy định phạt tiền với lỗi vi phạm hành chính, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Như vậy, lỗi của anh A sẽ nằm trung bình ở mức phạt 3.000.000 đồng, tuy nhiên, anh A có tình tiết giảm nhẹ nên mức xử phạt sẽ có thể dưới 3.000.000 đồng nhưng mức tối thiểu là 2.000.000 đồng.
Mẫu đơn xin giảm nhẹ tình tiết có nội dung như sau:
Mẫu đơn xin giảm nhẹ tình tiết khi vi phạm giao thông.
Theo oto